Hiệu quả từ việc trồng cây đót của người dân vùng cao

Nam Phương |

Nhận thấy những giá trị kinh tế mà cây đót mang lại, nên thay vì phải vất vả lên rừng lấy đót mang về bán cho các thương lái như trước đây, một số người dân tại xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây đót. Việc đưa một loại cây rừng, vốn chỉ mọc trong tự nhiên trở thành một loại cây trồng lâu năm được xem là hướng đi mới, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi miền Tây Quảng Trị.


Cây đót vốn mọc trong tự nhiên. Nhiều đời nay, cứ đến mùa đót trổ bông (khoảng cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng), người dân vùng cao huyện Hướng Hóa lại lên rừng lấy đót về bán cho thương lái. Đót tuy được giá song quá trình khai thác lại tương đối vất vả, khó khăn.

Từ thực tế đó, một số hộ dân trên địa bàn xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã nảy ra ý tưởng đưa cây đót từ rừng về trồng trong vườn nhà, mạnh dạn chuyển đổi loại cây chỉ mọc trong tự nhiên này trở thành loại cây canh tác lâu năm để việc khai thác trở nên thuận tiện hơn.

Trồng đót giúp gia đình ông Hồ May có thêm nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: T.P
Trồng đót giúp gia đình ông Hồ May có thêm nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: T.P

Ông Hồ May (sinh năm 1975), hiện sống tại Thanh Ô, xã Thanh được xem là người tiên phong trong triển khai trồng cây đót. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng đót lên khoảng hơn 1 ha, mỗi năm cho thu nhập trên 10 triệu đồng.

Trước đây, toàn bộ diện tích đất này được ông sử dụng để trồng sắn song không mang lại hiệu quả. Sắn thường xuyên bị úng nước, năng suất thấp, mất mùa khiến gia đình ông mãi loay hoay trong đói nghèo. Cũng như người dân trong vùng, ông May từng lên rừng hái đót bán kiếm tiền để nuôi gia đình qua những ngày giáp hạt.

Thế rồi nhờ trò chuyện với những thương lái, ông biết được nhu cầu sử dụng đót của thị trường nhiều năm trở lại đây đang tăng cao. Vợ chồng ông bàn với nhau phá bỏ diện tích sắn kém hiệu quả của gia đình để đầu tư trồng đót, tăng thu nhập. Ông May cho hay: “Cây đót dễ trồng, giống cây nằm dọc bên bờ sông Sê Pôn nhiều lắm.

Chỉ cần lấy gốc về trồng, không cần tưới nước, nếu muốn cây phát triển nhanh hơn thì bón thêm ít phân, chỉ khoảng 1 năm sau là đót ra hoa và cho thu hoạch. Hơn nữa, sau mỗi vụ thu hoạch, cây đót tái tạo lại rất nhanh và vụ sau sẽ cho năng suất cao hơn vụ trước.

So với sắn, cây đót không cần phải chăm sóc nhiều vì nó có khả năng chịu hạn, chịu mưa rất tốt, sinh trưởng nhanh ngay trên đất nghèo dinh dưỡng. Có cây đót trong vườn rồi, nhà tôi không còn sợ đói như trước nữa”.

Được biết, đót là loại cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ, có nhiều công dụng khác nhau như: làm chổi quét nhà, quét vôi ve; làm thức ăn cho trâu, bò, cho cá hay làm nguyên liệu để đan lát đồ thủ công mỹ nghệ...

Theo chia sẻ của vợ chồng ông May, mỗi năm một lần, bông đót sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô để bán cho thương lái mua tận nhà với giá trung bình từ 13 - 14 nghìn đồng/kg; thân và lá cây được xay nhỏ để làm thức chăn nuôi gia súc, gia cầm. Là một thương lái nhiều năm mua đót của gia đình ông May, chị Nguyễn Thị Thảo, ở thị trấn Khe Sanh cho biết, năm nào cũng vào tận nhà ông May và nhiều người khác để mua đót.

“Đót là nguyên liệu chính dùng để bó chổi. Đót càng đẹp thì chổi làm ra càng dày dặn, chất lượng. Thời gian trước muốn mua đót để sản xuất chổi thường phải đợi lâu vì người dân lên rừng hái mới có. Nhưng nhờ có vườn đót của gia đình ông May, thương lái chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn, không còn lo thiếu nguyên liệu nữa”, chị Thảo nói.

Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ cây đót kết hợp với việc trồng rau màu, chăn nuôi... mà kinh tế gia đình ông May đã khá hơn trước, không chỉ trả hết nợ cho ngân hàng mà vợ chồng cũng có điều kiện nuôi các con ăn học, không còn canh cánh nỗi lo đói nghèo.

Có thể nói những năm gần đây, đót là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân. Dựa vào nhu cầu thị trường, việc biến một loại cây mọc tự nhiên trở thành cây trồng kinh tế giúp người dân chủ động được nguyên liệu là hướng đi mới.

Tuy nhiên, cũng cần có sự hướng dẫn, định hướng kịp thời của cơ quan chuyên môn giúp người dân có được sự lựa chọn đúng đắn để có hướng phát triển kinh tế lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ Văn Thêm cho hay: “Cây đót sống ở tự nhiên đã tốt rồi, nay được chăm bón nên càng phát triển tốt hơn. Tôi cho rằng, nếu được nhân rộng, đây sẽ là cây trồng giúp cho các hộ dân tại xã sớm thoát nghèo và mở hướng đi mới trong làm ăn cho nhiều hộ dân khác”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sẵn sàng cho mùa huấn luyện mới

Khởi Nam |

Chuẩn bị cho công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị đã tích cực triển khai làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho mùa huấn luyện mới. Với quyết tâm cao, cùng nhiều chủ trương, biện pháp sát đúng, hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều kết quả cao, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương.

Thầy cô là mùa xuân

Tây Long |

Mẹ mất sớm khiến nụ cười trên môi ba chị em: Phạm Nguyễn Trâm Anh, Phạm Nguyễn Nam Anh và Phạm Nguyễn Quốc Anh dường như không còn tươi vui như trước. Trong những ngày buồn nhất, sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (gọi tắt là iSchool Quảng Trị) đã sưởi ấm trái tim, mở ra cho các em nhiều điều tốt đẹp.

Mùa lễ hội 2023: Du khách tăng đột biến, vẫn đảm bảo an toàn

Hồng Hà |

Sau 3 năm tạm dừng, giảm quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội, mùa lễ hội 2023 được tổ chức trở lại với sự gia tăng đột biến về số lượng người dân tham gia. Từ đầu mùa lễ hội, Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn. Sự chủ động của các địa phương đã đảm bảo cho du khách tham gia mùa lễ hội Xuân 2023 an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Học sinh miền núi giữ gìn nghề đan chổi đót truyền thống

Bích Liên |

Đan chổi đót vốn được xem là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề truyền thống của người dân ở đây đang bị mai một. Trước thực tế đó, hai em Hồ Văn Sự và Hồ Thị Quyền, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc có ý tưởng thành lập nhóm “Giữ gìn và phát triển nét đẹp đan chổi đót của đồng bào Vân Kiều ở Hướng Lộc” nhằm phục hồi, phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại.