Sau 3 năm tạm dừng, giảm quy mô tổ chức các hoạt động lễ hội, mùa lễ hội 2023 được tổ chức trở lại với sự gia tăng đột biến về số lượng người dân tham gia. Từ đầu mùa lễ hội, Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn. Sự chủ động của các địa phương đã đảm bảo cho du khách tham gia mùa lễ hội Xuân 2023 an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Địa phương tăng cường quản lý
Mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023 được nhiều chuyên gia đánh giá là dịp bùng nổ nhu cầu trảy hội vui xuân của cộng đồng do trong suốt ba năm vừa qua vì ảnh hưởng dịch Covid-19 các hoạt động này gần như bị ngưng trệ.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các lễ hội Xuân đã khai hội, thu hút đông đảo nhân dân tham gia nhưng đều diễn ra an toàn, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, vui xuân của nhân dân.
Ngày 6 tháng Giêng là ngày nhiều lễ hội truyền thống được khai mạc như lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Sóc, lễ hội Cổ Loa... Đặc biệt, theo ghi nhận của chúng tôi, dù mỗi ngày có hàng vài chục ngàn lượt khách tham gia, nhưng các lễ hội vẫn đảm bảo được an toàn, an ninh trật tự, chưa có hiện tượng đột biến, hình ảnh phản cảm.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, Lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức với chủ đề "An toàn, văn minh, thân thiện". Điểm đổi mới năm nay đó là hình thức bán vé tham quan, xuồng đò từ truyền thống sang mô hình bán vé điện tử. Ngày khai hội đón khoảng trên 4 vạn lượt khách tham gia nhưng không có hiện tượng chen lấn, ùn tắc. "Chúng tôi in vé hóa đơn điện tử và lắp đặt hoàn thiện mới hệ thống kiểm soát vé qua QR Code với 10 lối kiểm soát vé. Dịch vụ xe điện được thí điểm phục vụ đưa, đón du khách theo 3 hướng tuyến: Từ bến xe Hội Xá đến bến đò Yến Vỹ, từ bến xe Đục Khê đến bến trượt đồng cừ (đối diện Đền Trình) và từ bến xe đường số 1 đến bến đò chùa Tuyết Sơn cho nên hạn chế được tình trạng tắc nghẽn", ông Hiển cho hay.
Cũng trong ngày mùng 6 tháng Giêng, hàng vạn người đã đến Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) để tham gia lễ hội đền Sóc xuân Quý Mão. Sau khi làm lễ tại sân Rồng (đền Thượng), giò hoa tre và trầu cau được cung tiến đức Thánh Gióng đã được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để phát lộc cho du khách, đúng như kịch bản, quy trình của lễ hội như đã cam kết với UNESCO, không có hiện tượng cướp lộc tre, chen lấn xô đẩy tranh lộc.
Từng là lễ hội gây nhiều tranh cãi trong những năm qua, với sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bắc Ninh, trong vài năm trở lại đây, lễ hội chém lợn (làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm (TP Bắc Ninh) đã thực hiện nghi thức chém lợn tế thánh trong phòng kín. Năm nay, lễ hội cũng diễn ra trong ngày 5-6 tháng Giêng với nghi thức chém lợn trong phòng kín, góp phần giảm đi sự phản cảm, đồng thời gìn giữ được những tập tục truyền thống của xứ Kinh Bắc cổ xưa. Ông Nguyễn Đăng Công - Trưởng Ban tổ chức lễ hội Khu phố Ném Thượng cho biết, trong năm 2023, lễ hội làng Ném Thượng vẫn duy trì các nghi thức truyền thống nhưng bảo đảm thực hiện theo nếp sống văn minh. Nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra mà "ông ỉn" được đưa vào khu vực kín đáo giết thịt tế thánh.
Còn đối với lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) dự kiến diễn ra ngày 12 -13 tháng Giêng tức 2-3/2/2023. Được biết, UBND xã Hiền Quan đã xây dựng Đề án Đổi mới công tác tổ chức và quản lý Lễ hội Phết xã Hiền Quan năm 2023 với phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống; phần hội có nội dung tổ chức đánh Phết, diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ cho quân sĩ thuở xưa của Nữ tướng Thiều Hoa. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, lễ hội năm nay tiếp tục không tổ chức cướp Phết mà chỉ tổ chức phần lễ và các hoạt động văn nghệ.
Còn một số lễ hội sẽ khai hội trong tuần này như Lễ hội khai ấn Đền Trần - Nam Định, diễn ra từ ngày 01 đến 06/02 (từ ngày 11 đến 16 tháng giêng năm Quý Mão), từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn. Còn tại Quảng Ninh, lễ hội xuân Yên Tử năm 2023 sẽ khai hội vào ngày 31/01 (mùng 10 tháng giêng), tại TP Uông Bí.
Dừng tổ chức nếu không đảm bảo
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), triển khai Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, ngay từ tháng 10/2022, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát công tác tổ chức, quản lý lễ hội, các điểm di tích gắn với tổ chức lễ hội ở địa phương.
"Dự báo mùa lễ hội 2023 sẽ tăng đột biến về số lượng người tham gia lễ hội và các nội dung liên quan tới hoạt động tổ chức lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã tiến hành làm việc với một số địa phương có những hoạt động lễ hội còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều trong việc tổ chức các lễ hội trước đây, ví dụ như: Đúc Bụt và chọi trâu ở Vĩnh Phúc, chọi trâu ở Hải Lựu… Những lễ hội mà chúng tôi cho rằng cần phải có những biện pháp, kế hoạch, phương án kịch bản để tổ chức sao cho tốt nhất"- bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, ngoài việc kiểm tra, yêu cầu cũng như đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng thì Cục văn hóa cơ sở cũng có các văn bản trực tiếp gửi về cho địa phương, trong đó trọng tâm đến một số tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm những quy định của Nghị định 110, cần phải sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các hoạt động lễ hội một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng có những văn bản yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra kiểm tra trước và sau lễ hội. Đồng thời, thực hiện yêu cầu nâng cao ý thức cũng như biện pháp quản lý của chính quyền địa phương. "Theo Nghị định 110, Chính phủ đã giao cho chính quyền địa phương các cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội tương ứng. Địa phương nào để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Đề nghị các địa phương thực hiện trình tự, thủ tục thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ"- bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Cũng theo bà Hương, Cục cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia các hoạt động lễ hội có tính chất nhạy cảm thời gian qua như đánh Phết, có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự. Khi có hiện tượng đó xảy ra, địa phương phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục.
Đặc biệt, Cục Văn hóa cơ sở cũng chỉ rõ, cần chú trọng yếu tố thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức cá nhân có đóng góp tích cực cho lễ hội...
Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 03 năm 2023 yêu cầu các cơ quan, đơn vị không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
(Nguồn: Tổng cục Du lịch)