Học sinh miền núi giữ gìn nghề đan chổi đót truyền thống

Bích Liên |

Đan chổi đót vốn được xem là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề truyền thống của người dân ở đây đang bị mai một. Trước thực tế đó, hai em Hồ Văn Sự và Hồ Thị Quyền, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc có ý tưởng thành lập nhóm “Giữ gìn và phát triển nét đẹp đan chổi đót của đồng bào Vân Kiều ở Hướng Lộc” nhằm phục hồi, phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại.

Tranh thủ giờ nghỉ và những ngày cuối tuần, hai em Sự và Quyền cùng các bạn trong nhóm tranh thủ ngồi cùng nhau đan chổi. Hơn 1 năm nay, những cây chổi đót do các em làm ra qua sự giới thiệu, hỗ trợ kết nối của các thầy cô trong trường đã được bán ra thị trường và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Tỉ mẩn và khéo léo trong từng đường nét, nhìn cách làm thuần thục cùng những cây chổi vừa được làm ra, ít ai nghĩ rằng đây là sản phẩm của các em học sinh lớp 9. Em Hồ Văn Sự có bà nội là người đan chổi đót lành nghề, rồi bà truyền nghề cho ba mẹ em, từ đó giúp gia đình em có thêm thu nhập, cuộc sống khá lên.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc tranh thủ đan chổi -Ảnh: B.L
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc tranh thủ đan chổi -Ảnh: B.L

Sự chia sẻ: “Nơi bản làng em từng có nhiều người làm nghề đan chổi đót, bà nội rồi đến ba mẹ em cũng làm nhưng vì khó khăn đầu ra sản phẩm, một số người không biết cách làm chổi sao cho đúng như những thế hệ trước đã từng làm. Nhận thấy những khó khăn đó nên chúng em đã thành lập nhóm để hỗ trợ bán sản phẩm với sự hỗ trợ của thầy cô.

Em được truyền nghề từ bà nội nên biết đan chổi, thông qua nhóm này chúng em cũng giúp các bạn khác đan chổi, tạo thêm việc làm phù hợp với lứa tuổi ngoài giờ học, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của cha ông”. Cùng với Quyền và sự hỗ trợ của thầy cô giáo, Sự thành lập nhóm “Giữ gìn và phát triển nét đẹp đan chổi đót của đồng bào Vân Kiều ở Hướng Lộc”.

Từ ý tưởng đến thực tiễn, sản phẩm chổi đót được các em làm ra đã nhanh chóng lan tỏa rộng rãi. Đến nay, chưa đầy 1 năm nhóm đã bán ra thị trường hơn 100 cây chổi đót.

Quyền chia sẻ: “Việc thành lập nhóm, ngoài đem lại nguồn thu nhập để trang trải thêm việc học hành, chúng em còn trích được một phần kinh phí để hỗ trợ khẩu phần ăn cho các em nhỏ lớp 1, 2, 3 bán trú ở lại buổi trưa tại trường”.

Từ tâm huyết với việc giữ gìn nghề đan chổi đót truyền thống của quê hương, vừa qua, Sự và Quyền đưa đề tài “Bảo tồn và phát triển nghề đan chổi đót truyền thống của đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Lộc” tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh THCS cấp huyện năm học 2022 - 2023 và xuất sắc đoạt giải Nhất.

Cô giáo Võ Thị Hương Trà, người đồng hành, hỗ trợ các em thực hiện đề tài và thành lập nhóm cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện miền núi Hướng Hóa, cây đót vốn được xem là “lộc rừng”, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Để làm một cây chổi đót đẹp tuy không mất nhiều thời gian song đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo mà không phải ai cũng làm được.

Nhận thấy các em rất có ý thức trong giữ gìn và phát triển nghề truyền thống đồng bào dân tộc mình nên tôi quyết tâm đồng hành, hỗ trợ để giúp các em về kỹ thuật đan cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm”.

Hiện nhóm có 25 thành viên là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc. Ngoài học hỏi từ các nghệ nhân, những người có kinh nghiệm để duy trì cách làm một cách thuần thục, các em còn góp sức cùng người dân trong vùng trồng đót ở những khu vực vành đai để có thêm nguồn nguyên liệu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Làng nghề nuôi cá chép đỏ nhộn nhịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo

PV |

Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp hàng năm).

Mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ nghề trồng hoa giấy

Đức Việt |

Nhờ sự năng động, khéo léo trong phát triển kinh tế mà đến nay gia đình cựu chiến binh (CCB) Đoàn Viết Đức (59 tuổi), ở Đội 3, thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ vào nghề trồng hoa giấy.

Phụ nữ nông thôn Vĩnh Linh khởi nghiệp từ nghề may

Mỹ Hằng |

Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo chị em tham gia với nhiều ngành nghề. 

Vươn lên nhờ nghề làm hương

Hiếu Giang |

Từng là một hộ nghèo nhưng nhờ nghề làm hương mà đến nay gia đình chị Lê Thị Diễm (51 tuổi), ở thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thoát nghèo và vươn lên khá giả với thu nhập khá cao. Không chỉ vậy, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động nữ thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.