Từng là một hộ nghèo nhưng nhờ nghề làm hương mà đến nay gia đình chị Lê Thị Diễm (51 tuổi), ở thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thoát nghèo và vươn lên khá giả với thu nhập khá cao. Không chỉ vậy, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động nữ thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Ngôi nhà của chị Diễm những ngày này tràn ngập hương thành phẩm từ trên giàn phơi, ngoài sân cho đến trong nhà. “Chuẩn bị số lượng lớn hương để tiêu thụ vào dịp tết nên trong nhà ngoài cửa chất đầy hương. Những ngày này, tôi huy
động tối đa nhân lực, máy móc để làm hương cho kịp số lượng đầu mối đã đặt”, chị Diễm mở chuyện.
Vừa thoăn thoắt bó hương rồi đóng gói từng ốp hương thành phẩm, chị Diễm vừa kể gia đình chị từng là hộ gia đình nghèo của thôn. Chồng làm thợ nề, trong khi chị buôn bán nhỏ nhưng do sức khỏe yếu, công việc của chồng không ổn định nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Quá trình kinh doanh, chị biết được nghề làm hương của một cơ sở ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong và nhận thấy nghề này tiềm năng, phù hợp với sức khỏe bản thân nên xin học nghề.Đến năm 2010, chị bắt đầu mở xướng sản xuất tại địa phương. Ban đầu chị làm thủ công, sản lượng không nhiều nên chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân trong xã. Dần dần, khách hàng tăng, có mối sỉ đặt hàng với số lượng ngày càng nhiều nên chị mở rộng quy mô sản xuất.
“Thời điểm đó vốn ít nhưng nhờ Hội LHPN xã giúp đỡ nên vợ chồng tôi vay được 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, chúng tôi đầu tư 3 máy xe và ép hương, một máy đánh bột hương để nâng cao năng suất sản xuất. Nhờ có máy móc, việc sản xuất hương trở nên thuận lợi, ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường”, chị Diễm vui vẻ nói.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất được khoảng từ 300 - 350 ốp hương thành phẩm với hai loại chính là hương quế và hương thường, giá bán mỗi ốp khoảng từ 8.000 - 10.000 đồng. Hầu hết, sản phẩm hương của cơ sở chị được đầu mối từ TP. Đông Hà vào thu mua và bỏ bán lẻ ở một số quầy hàng tạp hóa, các chợ lân cận.
Không giấu được niềm vui, chị Diễm cho biết, nhờ nghề làm hương mà gia đình chị từ chỗ rất khó khăn đã từng bước thoát được nghèo và vươn lên khấm khá. Những năm gần đây, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm cơ sở sản xuất hương của chị mang lại nguồn thu khoảng 100 triệu đồng.
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 4 - 5 lao động, chủ yếu là đối tượng nghèo ở địa phương.
Chị Lê Thị Hóa ở thôn Duân Kinh, xã Hải Hưng nhiều năm nay làm công cho cơ sở sản xuất hương của chị Diễm chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, may nhờ được chị Diễm nhận vào làm nên có việc làm thường xuyên. Làm ở đây, mỗi ngày tiền công khoảng từ 100.000 - 150.000 đồng, có công việc kiếm thêm thu nhập, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.
Với sự cần cù chịu khó trong phát triển sản xuất, gia đình chị Diễm đã thoát nghèo bền vững và hiện đã trở nên khá giả bằng nghề làm hương. Gia đình chị cũng trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của hội liên hiệp phụ nữ địa phương, tạo động lực để các hội viên khác noi theo trên hành trình thoát nghèo bền vững và vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)