Làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp

Minh Long |

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thành công trong việc linh động xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Trần Thị Hương, thôn Đại Độ là một điển hình trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm hiểu thị trường kỹ càng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Phùng Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chị Hương là một hội viên phụ nữ rất tích cực trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, đặc biệt chị đã tìm hiểu và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của địa phương. Chị Hương quê gốc ở huyện Triệu Phong, lên Hướng Phùng lập nghiệp từ năm 1998. Quá trình khai hoang, gia đình chị có 3 ha đất đồi để trồng cà phê chè.

Nhờ đổi mới trong sản xuất nên trang trại của chị Hương cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh: M.L
Nhờ đổi mới trong sản xuất nên trang trại của chị Hương cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh: M.L

Tuy nhiên, sau 10 năm canh tác, cây cà phê bị già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp. Sau một thời gian lúng túng tìm cách chuyển hướng mưu sinh, chị Hương lên mạng internet tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi. Lúc này, chị cũng nhận thấy điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương thuận lợi, thị trường tiêu thụ các loại vật nuôi rộng lớn, nên quyết định chuyển 1 ha đất cà phê sang đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Hệ thống chuồng trại được gia đình chị xây dựng hợp lý, đa dạng theo thực tế diện tích đất đồi sẵn có và bố trí từng khu vực riêng cho từng loại vật nuôi, ví dụ như tách riêng khu chăn nuôi gà, vịt đẻ trứng với nuôi vịt lấy thịt; xây dựng chuồng chăn nuôi dê, bò. Chị còn tận dụng khu vực đất ở vùng thấp, gần suối để đào ao thả các loại cá truyền thống như: trắm, rô phi, trê… Dần dần, chị chuyển đổi tiếp diện tích cà phê còn lại để trồng chuối, sắn, chanh leo, một số loại rau màu và đặc biệt là cỏ voi để làm thức ăn gia súc.

Sau hơn 3 năm chuyển đổi, mô hình trang trại của gia đình chị Hương bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo động lực để chị mở rộng quy mô qua từng năm. Đến nay, trang trại của gia đình chị có tổng đàn vịt trên 1 nghìn con, trên 300 con gà, đàn bò và dê hơn 20 con, 4 ao cá. Con giống, nguồn thức ăn cho các loại vật nuôi phần lớn được chị chủ động sản xuất tại trang trại nên đảm bảo chất lượng. Tận dụng khe suối ở gần, chị đầu tư đường ống dẫn nước từ khe suối về phục vụ chăn nuôi.

Đặc biệt, trang trại nằm tách biệt và xa khu dân cư nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Các loại vật nuôi tại trang trại đều phát triển thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh. Đối với vịt, gà lấy thịt, cứ 3 tháng chị xuất chuồng một lứa với tổng sản lượng trên 6 tạ. Bình quân mỗi ngày, chị thu hoạch gần 400 quả trứng vịt, gà. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trên địa bàn xã Hướng Phùng nên ổn định. Bình quân mỗi năm, trang trại đem lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Hương trên 200 triệu đồng.

Chị Hương vui vẻ cho biết: “Tận dụng được nhiều yếu tố thuận lợi về đất đai, nguồn nước, thị trường… nên mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chúng tôi phát triển thuận lợi. Mô hình kinh tế này đem lại nguồn thu nhập khá, giúp chúng tôi sửa sang nhà cửa và nuôi các con ăn học tử tế. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để duy trì và nhân rộng đàn vật nuôi, phát huy hiệu quả của mô hình”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

54 trang trại chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao

Lê An |

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Quảng Trị toàn tỉnh hiện có 243 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.

Xây dựng trang trại đa cây, đa con

Minh Long |

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế quỹ đất sẵn có, cùng với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương thuận lợi, vợ chồng anh Nguyễn Bắc - chị Phạm Thị Mai ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp rộng trên 2 ha khá bài bản. Với hình thức lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, trang trại của gia đình anh chị cho nguồn thu nhập cao và bền vững.

Những tín hiệu tích cực từ kinh tế trang trại

Lê An |

Kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế trang trại và bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực trong khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Trang trại chăn nuôi trên vùng đồi Hướng Tân

Minh Long |

Từ kiến thức tích lũy được, cùng với kinh nghiệm thực tế trồng trọt, chăn nuôi của gia đình và học hỏi thêm ở những mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng, anh Trần Đức Thụ (sinh năm 1998), Bí thư Chi đoàn thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp bài bản, có quy mô. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/năm.