Những tín hiệu tích cực từ kinh tế trang trại

Lê An |

Kinh tế trang trại được xem là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế trang trại và bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực trong khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.


Hiệu quả của kinh tế trang trại đã được khẳng định

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế trang trại. Theo Thông tư số 27/2011/ TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn huyện Vĩnh Linh đã có 43 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Trong đó, có 11 trang trại chăn nuôi, 20 trang trại trồng trọt, 5 trang trại lâm nghiệp và 7 trang trại tổng hợp. Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 02/2020/ TT-BNNPTNT về quy định tiêu chí kinh tế trang trại thay thế Thông tư 27/2011/TT - BNNPTNT, qua rà soát toàn huyện hiện có 9 trang trại đảm bảo tiêu chí.

Nhiều trang trại đã tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm - Ảnh: L.A
Nhiều trang trại đã tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm - Ảnh: L.A

Trong đó, có 3 trang trại trồng trọt, 2 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại thủy sản, 2 trang trại nông nghiệp tổng hợp. Theo đánh giá, sự phát triển của các trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu lao động. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng chuyển biến theo hướng tiến bộ, phù hợp với yêu cầu mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại huyện Gio Linh, trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lê Văn Viễn cho biết, toàn huyện có 11 trang trại đạt tiêu chí trang trại mới theo Thông tư 02/2020/ TT-BNNPTNT. Ngoài ra còn có trên 30 mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng kinh tế trang trại. Tổng giá trị vốn sản xuất của các trang trại, mô hình kinh tế theo hướng trang trại đạt trên 46 tỉ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng hơn 22,3 ha. Tạo việc làm thường xuyên cho 65 lao động. Về kết quả sản xuất, kinh doanh, tổng giá trị sản xuất của các trang trại là hơn 38,5 tỉ đồng. Theo ông Viễn, các mô hình kinh tế trang trại phát triển khá tốt, hiệu quả sản xuất từng bước được nâng cao.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 144 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT. Bao gồm 2 trang trại trồng trọt, 60 trang trại chăn nuôi, 4 trang trại lâm nghiệp, 14 trang trại nuôi trồng thủy sản và 64 trang trại tổng hợp. Giá trị vốn đầu tư bình quân 2,765 tỉ đồng/trang trại. Tổng diện tích đất trang trại là hơn 555 ha, bình quân mỗi trang trại là hơn 3,9 ha. Tổng giá trị sản xuất các trang trại là hơn 470 tỉ đồng. Giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 600 lao động.

Đáng chú ý là đã hình thành và phát triển nhiều mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi có liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức trang trại đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như chuồng trại, điện nước, hệ thống xử lý nước thải… còn phần con giống, thức ăn, đầu ra do các công ty đảm nhiệm. Với phương thức chăn nuôi này, các trang trại giảm được chi phí đầu tư cũng như hạn chế được rủi ro về thị trường tiêu thụ khi có sự biến động về giá cả. Bên cạnh đó, một số trang trại chăn nuôi hiện nay đã hợp tác với nhau thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) như HTX chăn nuôi Cát Vàng Trung Giang; Hợp tác xã Đoàn Kết, Cam Lộ; Hợp tác xã Thống Nhất…

Đánh giá về hiệu quả của kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hoàng Minh Trí cho biết, nhìn chung các trang trại trên địa bàn tỉnh đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của đất đai, đạt hiệu quả khá cao về năng suất, sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích so với đất nông hộ và cá nhân quản lý. Nhiều trang trại có chiều hướng hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các trang trại còn tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Làm tốt công tác liên kết phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm nên không để xảy ra thiệt hại nhiều khi thị trường biến động và thiên tai, dịch bệnh.

“Sự phát triển của các trang trại thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội như tạo việc làm cho một lực lượng lao động ở nông thôn; nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình chủ trang trại; sử dụng ngày càng hiệu quả đất đai; ổn định được sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá thành, đảm bảo có lợi nhuận cao; góp phần tích cực trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững”, ông Trí khẳng định.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để phát triển

Mặc dù có bước phát triển về quy mô, giá trị hàng hóa và đa dạng hóa loại hình nhưng theo đánh giá, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Có thể kể đến như trình độ quản lý, kỹ thuật của các chủ trang trại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hầu hết điều hành sản xuất theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, tập huấn. Khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các chủ trang trại còn hạn chế, việc liên kết tiêu thụ còn yếu. Chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế còn hạn chế.

Hầu hết các trang trại có quy mô nhỏ, nguồn vốn còn ít, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước còn hạn chế. Cơ giới hóa chưa được chú trọng, sử dụng lao động phổ thông nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Ông Hoàng Minh Trí nhấn mạnh: “Việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một trong những hoạt động quan trọng để phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, qua thống kê hiện nay chỉ mới có 55 trang trại có hoạt động liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hầu hết là trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, dịch bệnh, thiên tai thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại. Giá cả bấp bênh đã dẫn đến thu nhập của một số trang trại không ổn định và giảm theo vụ trong năm”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của kinh tế trang trại. Phổ biến và thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ về kinh tế trang trại để các chủ trang trại phát triển đúng hướng, đúng quy định và tiếp cận tốt hơn các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Lồng ghép mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường tiêu thụ cho các chủ trang trại; khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại…

Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT có chính sách hỗ trợ chung cho loại hình trang trại một cách cụ thể, tính khả thi cao để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi cho trang trại được tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho trang trại.

“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai công tác tập huấn, hướng dẫn khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp để các chủ trang trại có điều kiện áp dụng. Hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến cho loại hình kinh tế trang trại nhằm thí điểm, nhân rộng trong thời gian tới”, ông Hiền cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trang trại Ruby Farm- Bước đầu thành công với cây trồng mới

Bích Liên |

Vốn đam mê công việc làm nông nên sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng, anh Phan Tại Long (sinh năm 1991) trú tại Khóm 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chuyển sang làm nông nghiệp. Dù “tay ngang” nhưng anh đã bước đầu thành công khi xây dựng được mô hình nông nghiệp chất lượng cao với 2 loại cây trồng mới ở Quảng Trị là nho và dâu tây.

Trang trại chăn nuôi trên vùng đồi Hướng Tân

Minh Long |

Từ kiến thức tích lũy được, cùng với kinh nghiệm thực tế trồng trọt, chăn nuôi của gia đình và học hỏi thêm ở những mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng, anh Trần Đức Thụ (sinh năm 1998), Bí thư Chi đoàn thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp bài bản, có quy mô. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/năm.

Chỉ có 55/144 trang trại có hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thanh Trúc |

Theo thống kê của ngành nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 144 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT với giá trị vốn đầu tư bình quân 2,765 tỉ đồng/trang trại.

Cam Lộ: 33 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Anh Vũ |

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung chuyên canh, những năm qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng đất đai, đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại đem lại hiệu quả cao.