Theo thống kê của ngành nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 144 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT với giá trị vốn đầu tư bình quân 2,765 tỉ đồng/trang trại.
Các trang trại đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, mới chỉ có 55 trang trại có hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây hầu hết là trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có một số trang trại chăn nuôi đã hợp tác với nhau thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) như HTX chăn nuôi Cát Vàng Trung Giang (huyện Gio Linh), HTX Đoàn Kết (huyện Cam Lộ), Hợp tác xã Thống Nhất (huyện Vĩnh Linh)…
Hầu hết các trang trại chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo hình thức trang trại bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như chuồng trại, điện nước, hệ thống xử lý nước thải…, phần con giống, thức ăn, kỹ thuật, đầu ra do các doanh nghiệp đảm nhiệm. Với phương thức chăn nuôi này các trang trại giảm được chi phí đầu tư cũng như hạn chế được rủi ro về thị trường tiêu thụ khi có sự biến động về giá cả. Một số trang trại có liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trong tiêu thụ sản phẩm như các trang trại nuôi lợn, nuôi gà, nuôi trồng thủy sản liên kết với các công ty sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản trong việc cung cấp thức ăn, phòng chữa bệnh cho đàn vật nuôi.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm là một trong những hoạt động quan trọng để phát triển kinh tế trang trại, tuy nhiên hiện nay số trang trại có liên kết tiêu thụ sản phẩm còn ít so với tổng số trang trại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Do đó trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến cho loại hình kinh tế trang trại làm thí điểm, nhân rộng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)