Nuôi khát vọng làm giàu trên quê hương

Hiếu Giang |

Thời gian gần đây, phong trào thanh niên lập thân, khởi nghiệp làm giàu trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi. Nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế thành công, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, làm giàu và góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.


Khởi nghiệp từ những mô hình mới 

Cơ sở sản xuất đá tinh khiết của anh Nguyễn Văn Hiếu (32 tuổi) ở thôn Xuân Viên, xã Hải Dương, là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu và khá mới mẻ tại địa phương. Năm 2014, sau khi xuất ngũ, anh Hiếu ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Sau khi nhận được sự quan tâm, định hướng của tổ chức Đoàn và qua tìm hiểu kỹ thị trường hiện nay về nhu cầu sử dụng nước đá khá cao, anh Hiếu đã dùng số tiền nhận được sau khi ra quân và mạnh dạn vay mượn thêm từ gia đình, người thân để xây dựng cơ sở nước đá với công suất nhỏ.

Cơ sở sản xuất đá tinh khiết mang lại thu nhập ổn định cho anh Nguyễn Văn Hiếu - Ảnh: Đ.V
Cơ sở sản xuất đá tinh khiết mang lại thu nhập ổn định cho anh Nguyễn Văn Hiếu - Ảnh: Đ.V 

Thời gian đầu đi vào hoạt động, cơ sở của anh gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm và kinh nghiệm sản xuất đá. Nhưng với tinh thần đam mê, chịu khó tìm tòi học hỏi và tìm kiếm thị trường, anh Hiếu đã từng bước khắc phục được những khó khăn gặp phải. Nhờ đó, cơ sở sản xuất nước đá của anh dần đi vào ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhận thấy nhu cầu thị trường và người tiêu dùng hiện tại thích sử dụng nước đá tinh khiết nên tháng 1/2022, anh tiếp tục mạnh dạn vay mượn trên 250 triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy được để đầu tư mở rộng quy mô cơ sở, xây dựng kho lạnh, trang bị thêm máy sản xuất, thiết bị với tổng mức đầu tư hơn 500 triệu đồng để sản xuất đá viên tinh khiết.

Hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí, cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết của anh Hiếu mang về nguồn thu nhập hơn 14 triệu đồng/tháng, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 2 lao động địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chủ yếu sản xuất nông nghiệp với lợi thế có nguồn cung cấp các loại gạo chất lượng, có giá trị cao nên từ lâu anh Nguyễn Mạnh Tú (31 tuổi) ở thôn Kim Giao, xã Hải Dương đã nghĩ đến việc phát triển nghề làm bún. Được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng, từ đầu năm 2022 vợ chồng anh Tú đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở, mua sắm máy móc thiết bị mở xưởng bún để khởi nghiệp.

Thời gian đầu đi vào hoạt động, xưởng bún của anh Tú gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, lợi nhuận chưa cao. Tuy nhiên với tinh thần, khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, anh Tú đã chịu khó học hỏi, năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên tình hình hoạt động của cơ sở ngày càng ổn định và phát triển. Đến nay, cơ sở sản xuất bún của anh Tú mang lại thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản chi phí.

Phấn khởi trước kết quả đạt được, anh Tú cho biết: “Trong thời gian tới, cơ sở của tôi sẽ tăng sản lượng bún sản xuất để cung cấp đầy đủ cho các quầy hàng, quán ăn trên địa bàn xã và trong huyện”. Nhờ hiệu quả kinh tế cao mang lại từ cơ sở sản xuất bún đã giúp gia đình anh Tú có cuộc sống ổn định hơn.

Bí thư Xã đoàn Hải Dương Nguyễn Ngọc Thừa chia sẻ: “Các mô hình sản xuất nói trên là những mô hình tiêu biểu, được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, hăng say lao động của thanh niên địa phương. Qua các mô hình đã gợi mở một số hướng đi mới giúp đoàn viên thanh niên hiện thực hóa khát vọng làm giàu, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp sâu rộng trong xã hội”.

Anh Hồ Minh, Bí thư Xã đoàn Hải Thượng, huyện Hải Lăng (bên trái) khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn ở vùng cát xa khu dân cư - Ảnh: ĐV
Anh Hồ Minh, Bí thư Xã đoàn Hải Thượng, huyện Hải Lăng (bên trái) khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn ở vùng cát xa khu dân cư - Ảnh: ĐV 

Trở về quê lập nghiệp 

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở các tỉnh phía Nam, trong đợt COVID-19 bùng phát vào năm 2020, anh Hoàng Kim Long ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng quyết định trở về quê hương để phát triển kinh tế. Với số vốn tích góp được cùng với sự đồng hành, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ kênh giải quyết việc làm của tổ chức Đoàn ở địa phương, ban đầu anh Long khởi nghiệp bằng nghề sửa chữa xe máy.

Sau một thời gian làm ăn hiệu quả, với đức tính ham học hỏi, anh Long cũng đã học thêm nghề cơ khí tổng hợp để mở rộng việc làm ăn, đồng thời tạo việc làm thêm cho một số thanh niên trong thôn. Nhờ sự năng động, chịu khó tiếp cận thị trường nên đến nay công việc của anh phát triển tốt, công trình nhận được ngày càng nhiều. Cơ sở cơ khí của anh Long đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 2 lao động thời vụ.

Trong đó, đa số là lao động trẻ tuổi được anh đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/ tháng. “Với thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng, gia đình tôi có cuộc sống tương đối dư giả ở quê. Sau bao năm bôn ba, tôi thấy không đâu bằng ở quê hương mình.

Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng duy trì ổn định và mở rộng thêm quy mô cơ sở để có thể tạo việc làm, thu nhập cũng như góp phần truyền nhiệt huyết, tạo động lực vươn lên cho nhiều đoàn viên thanh niên ở địa phương”, anh Long chia sẻ.

Tương tự anh Long, sau nhiều năm rong ruổi làm nghề xây dựng ở tỉnh Bình Dương, năm 2020 anh Trần Văn Tâm (34 tuổi) ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, cũng chọn cách trở về quê để lập nghiệp với mô hình nuôi cá tổng hợp. Tận dụng mảnh vườn do UBND xã cho mượn, anh Tâm đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cá nước ngọt với hệ thống xử lý môi trường đảm bảo. Với mô hình nuôi cá, mỗi lứa anh thả nuôi bình quân khoảng 500 cá trê, 1.000 cá lóc và 500 cá rô đầu vuông, mỗi năm nuôi xoay vòng nhiều lứa.

 Nhờ nắm vững kiến thức cũng như có đầu ra ổn định nên việc nuôi cá của anh Tâm đạt hiệu quả. “Mô hình chăn nuôi của gia đình tôi trong 2 năm qua đạt lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/năm. Hiện nay, tôi đã mua thêm chiếc máy chế biến thức ăn để tận dụng nguồn ốc, cá có sẵn với giá rẻ tại địa phương nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận”, anh Tâm cho biết.

Chăn nuôi lợn ở vùng cát 

Với mong muốn tận dụng vùng rú cát xa khu dân cư để phát triển kinh tế gia đình, từ đầu năm 2021, anh Hồ Minh (32 tuổi), Bí thư Xã đoàn Hải Thượng đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tại địa phương. Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi, anh Minh đã nhiều lần đi tham quan mô hình chăn nuôi hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, từ cách chăm sóc lợn thịt, lợn nái đến phòng tránh bệnh tật cho đàn lợn nuôi.

Anh Hoàng Kim Long (thứ 2 từ trái qua) được tổ chức Đoàn hỗ trợ thiết bị, máy móc làm ăn sau khi từ miền Nam trở về quê hương lập nghiệp - Ảnh: XĐHK
Anh Hoàng Kim Long (thứ 2 từ trái qua) được tổ chức Đoàn hỗ trợ thiết bị, máy móc làm ăn sau khi từ miền Nam trở về quê hương lập nghiệp - Ảnh: XĐHK 

Với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, lứa đầu tiên anh đầu tư thả nuôi 30 con lợn thịt và 6 con lợn nái sinh sản. Qua xuất chuồng đợt đầu, sau khi trừ đi các khoản chi phí, mô hình chăn nuôi lợn đã mang lại số tiền lãi khoảng 20 triệu đồng cho gia đình anh Minh. Anh Minh phấn khởi chia sẻ, thời gian tới sẽ đầu tư thêm khoảng 100 triệu đồng để mở rộng quy mô mô hình với mong muốn nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập cho gia đình. “Bắt tay vào thực hiện mô hình này, tôi mong muốn tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mình.

Đồng thời góp phần cổ vũ, động viên và tạo được sức lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên trong phát triển kinh tế cho nhiều đoàn viên thanh niên khác trên địa bàn xã”, anh Minh cho biết. Trong những năm qua, với tinh thần xung kích, sáng tạo, đoàn viên thanh niên xã Hải Thượng đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế với quy mô ngày càng lớn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiến đất xây dựng quê hương

Trần Tuyền |

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM).

Sức sống mới trên quê hương Vĩnh Linh

Mỹ Hằng |

Cách đây 68 năm, vào ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ đây, Vĩnh Linh trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đây cũng là ngày mà huyện Vĩnh Linh chọn làm ngày truyền thống của quê hương.

Tận tâm với vùng cát quê hương

Võ Khánh Linh |

Sau chiến tranh, cựu chiến binh Trần Xuân Quý, thương binh hạng 4/4 trở về Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) với nhiều dự định thôi thúc. Khi ấy, ông bảo rằng giờ đây, chắc chắn phần đời còn lại của mình sẽ gắn bó bền chặt với vùng cát trắng quê hương.

Mãi thắp sáng ngọn lửa tri ân trên quê hương Quảng Trị anh hùng

PV |

"Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm phải có trách nhiệm hơn nữa với những anh hùng liệt sĩ là những người con ưu tú của các tỉnh, thành cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình, góp phần làm yên lòng gia đình các thân nhân liệt sĩ...", đó là tình cảm, trách nhiệm của UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng được thể hiện trong bài viết "Mãi thắp sáng ngọn lửa tri ân trên quê hương Quảng Trị anh hùng" nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu.