Hiến đất xây dựng quê hương

Trần Tuyền |

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM).

Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM các địa phương trên địa bàn huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sức dân, đặc biệt người dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản để xây dựng công trình nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, huyện có 13/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Dân vận đóng vai trò tiên quyết

Ghé thăm thôn Tân Trại 2, xã Vĩnh Giang, ấn tượng đầu tiên là những tuyến đường bê tông sạch, đẹp, rộng rãi nối vào từng ngõ nhà. Trong câu chuyện của nhiều bậc cao niên của thôn, những tuyến đường nội thôn trước đây là đường đất đỏ nhỏ hẹp, vào mùa đông trơn trượt, lầy lội. Nhiều người trong thôn đã tự nguyện hiến đất, hiến cây để làm đường mới.

Trong đó, có gia đình đảng viên, bệnh binh hạng 2 Lê Minh Kiệm (sinh năm 1958). “Cuối năm 2015, khi nghe cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hiến đất để làm đường bê tông, người dân trong thôn có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Ban điều hành thôn tổ chức nhiều cuộc họp dân để bàn bạc, thống nhất mở rộng các tuyến đường nội thôn. Khi đường đất được mở rộng thì cấp trên mới đầu tư kinh phí làm đường bê tông. Ban đầu, có khoảng 70% số hộ trong thôn đồng ý, số còn lại không chịu. Tôi nghĩ mình là đảng viên thì phải gương mẫu nên đồng ý hiến đất ngay”, ông Kiệm kể.

Sự chung sức của người dân đã tạo nguồn lực lớn để đầu tư kiên cố hóa giao thông nông thôn ở Vĩnh Linh - Ảnh: T.T
Sự chung sức của người dân đã tạo nguồn lực lớn để đầu tư kiên cố hóa giao thông nông thôn ở Vĩnh Linh - Ảnh: T.T

Nhà ông Kiệm có mặt tiền giáp đường nội thôn với chiều dài khoảng 33 m. Lúc bấy giờ, ông đã xây dựng hàng rào và cổng bằng bê tông cốt thép kiên cố. Để thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), mở rộng đường, ông Kiệm thuê người đập bỏ toàn bộ tường rào và cổng phía trước (trị giá khoảng 30 triệu đồng) và hiến khoảng 30 gốc cây mít, tiêu. Sau đó, ông xây lại tường rào lùi vào 1 m. Hôm ông đập bỏ tường rào, hàng xóm láng giềng tập trung tới xem.

Nhiều người bảo với nhau rằng ông Kiệm đã đập tường rào hiến đất, mở rộng đường thì mình cũng hiến đất, hiến cây. Vậy là sau hôm ấy, người dân thôn Tân Trại 2 cùng nhau tự nguyện hiến đất, hiến cây. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ vì lợi ích cá nhân nên không đồng thuận.

“Bấy giờ, ban điều hành thôn đến đặt vấn đề, nhờ tôi cùng đi với đoàn để tuyên truyền, vận động những hộ không chịu hiến đất làm đường. Đến mỗi nhà, chúng tôi phân tích để họ hiểu rằng xây dựng NTM do Nhà nước và Nhân dân cùng làm và đối tượng trực tiếp hưởng lợi là người dân.

Một khi đường sá được mở rộng, nâng cấp thì chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện và nâng cao, con cháu đến trường thuận lợi hơn. Dần dần, họ hiểu ra và chấp thuận hiến đất, không ai phản đối nữa”, ông Kiệm nhớ lại.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống đường nội thôn Tân Trại 2 đã được bê tông hóa với bề rộng mặt đường trên 3m. Trưởng thôn Tân Trại 2 Ngô Văn Lương cho biết, phong trào hiến đất xây dựng NTM được phát động trong toàn dân từ cuối năm 2015. Lúc bấy giờ, đường nội thôn hầu hết là đường đất đỏ chỉ rộng dưới 2 m.

Ông Lương cùng Ban điều hành thôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để mở rộng đường lên 3 m. “Trung bình, mỗi gia đình hiến vào 1 m sâu cùng nhiều cây ăn quả, hoa màu, tường rào. Những năm 2015 - 2016, hồ tiêu đang được giá nên để vận động người dân hiến đất, hiến cây là một việc khó.

Tuy nhiên, qua quá trình tuyên truyền, vận động, các hộ đều đồng ý đập bỏ tường rào, hiến hàng trăm cây hồ tiêu, mít, bơ...”, ông Lương nói.

Sau khi các tuyến đường đất đã mở rộng, ông Lương đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí làm đường bê tông. Đến năm 2018, toàn bộ 18 trục đường nội thôn, ngõ xóm với tổng chiều dài khoảng 3 km đã được bê tông hóa.

Khi được hỏi về “bí quyết” dân vận để người dân đồng thuận hiến đất, hiến tài sản, mở rộng đường, ông Lương chia sẻ: “Công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện khéo léo để người dân hiểu rõ hiệu quả của việc mở rộng, nâng cấp đường so với đường đất nhỏ hẹp đang có.

Nơi nào thuận lợi thì làm trước, nơi nào khó thì vận động từ từ. Nhờ vậy, đến nay người dân phấn khởi vì đường sá được mở rộng, đường bê tông vào đến tận ngõ, xe ô tô vào đến từng nhà. Từ đó, giá trị của mảnh đất mình đang sống cũng tăng lên”.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Lê Vỹ cho biết, xã đạt chuẩn NTM từ năm 2017 và đón bằng công nhận vào năm 2018. Có được kết quả ấy là nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân.

Trong đó, phong trào tự nguyện hiến đất làm đường là một ví dụ điển hình. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nên cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm thực hiện.

Những nội dung của 19 tiêu chí xây dựng NTM được quán triệt sâu sắc trong tổ chức đảng và phổ biến sâu rộng trong toàn thể hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chương trình xây dựng NTM. Nhân dân đã tự ý thức những vấn đề cốt lõi, từ đó không còn trông chờ, ỷ lại mà chủ động, tích cực, sáng tạo tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực.

Theo thống kê, tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM tại xã Vĩnh Giang từ năm 2011 - 2017 là trên 165 tỉ đồng. Trong đó, vốn do Nhân dân đóng góp trên 30 tỉ đồng, chiếm 21% tổng vốn. Cụ thể, người dân đóng góp 3.825 ngày công để xây dựng, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi khác; hiến trên 21.000 m2 đất nông nghiệp, đất thổ cư; 2.280 m tường rào và hàng rào cây xanh; hàng trăm cây tiêu, cây ăn quả để mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư; đóng góp tiền mặt, chủ yếu sử dụng vào việc cải tạo chỉnh trang nhà ở, khu dân cư, phát triển sản xuất...

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quan tâm của Nhà nước, cùng với tinh thần cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và Nhân dân trong xã, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Nổi bật là kinh tế phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp; an sinh xã hội đảm bảm; trình độ dân trí được nâng cao; quy chế dân chủ được phát huy...”, ông Vỹ cho biết thêm.

Ý Đảng hợp lòng dân

Cuối năm 2021, trên địa bàn xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh triển khai xây dựng tuyến đường bê tông nối từ thôn Thủy Nam đến thôn Sơn Hạ, thuộc dự án thành phần hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Trị. Nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ý Đảng đã thuận lòng dân. Từ đó, có nhiều người tự nguyện hiến đất, hiến cây để mở đường.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch Nguyễn Tấn Thủy thông tin, tháng 3/2020, xã Vĩnh Thạch và Vĩnh Kim sáp nhập thành xã Kim Thạch với 22 thôn, 1.800 hộ. Trước đó, 2 xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao nên sau sáp nhập, xã Kim Thạch được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao từ năm 2020.

“Trước đây, khi chưa phát động phong trào xây dựng NTM, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn chỉ rộng khoảng 2 m. Từ năm 2010 - 2011, địa phương phát động xây dựng NTM nên những tuyến đường nhỏ hẹp được mở rộng, đổ bê tông kiên cố. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường nội thôn, liên thôn trong xã đã bê tông hóa. Toàn xã có 10 thôn đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ có thêm 5 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”, ông Thủy nói.

Cuối năm 2021, dự án thành phần hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện. Trong dự án này có tuyến đường bê tông nối từ thôn Thủy Nam đến thôn Sơn Hạ với chiều dài khoảng 2 km.

Theo thiết kế, tuyến đường đi qua vùng trồng rừng cao su, tràm và đất trồng cây hoa màu của người dân. Để có mặt bằng làm đường, Đảng ủy xã Kim Thạch tổ chức các cuộc họp, ban hành văn bản chỉ đạo UBND xã, mặt trận và các đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hiến cây để GPMB, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công. “Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi cùng các đảng viên trong chi bộ tổ chức cuộc họp dân để phổ biến thông tin và lấy ý kiến dân.

Qua bàn bạc, thống nhất, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo xã để điều chỉnh thiết kế, thay đổi một đoạn của đường bê tông để cho thẳng hơn, rút ngắn khoảng cách hơn mặc dù đường đi qua đất của chúng tôi”, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hạ Nguyễn Ngọc Trung nói.

Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hạ Nguyễn Ngọc Trung (ngoài cùng bên phải) đã tự nguyện hiến đất làm đường bê tông nối thôn Thủy Trung và Sơn Hạ - Ảnh: T.T
Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hạ Nguyễn Ngọc Trung (ngoài cùng bên phải) đã tự nguyện hiến đất làm đường bê tông nối thôn Thủy Trung và Sơn Hạ - Ảnh: T.T

Sau điều chỉnh, tuyến đường bê tông đi qua đất trồng cao su, tràm, hoa màu của 9 hộ dân thuộc thôn Sơn Hạ. Ông Trung cùng các đảng viên trong chi bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động về lợi ích thiết thực khi có tuyến đường này. Có 8 hộ đồng ý hiến ngay, chỉ 1 hộ còn lại không thuận lòng.

Ông Trung và Ban điều hành thôn phải tổ chức 3 buổi họp với gia đình này để thuyết phục thì họ mới đồng ý hiến đất. “Đảng viên thì phải tiên phong, là bí thư chi bộ càng phải gương mẫu. Vì thế, khi nghe cấp trên phổ biến thông tin, tôi quyết định hiến ngay 300 m2 đất trồng cây công nghiệp. Sau khi tôi tự nguyện hiến đất, hiến cây, các hộ khác cũng đồng tình làm theo”, ông Trung kể.

Trong những hộ tự nguyện hiến đất để làm tuyến đường bê tông nối liền thôn Sơn Hạ với Thủy Trung, gia đình ông Trần Hữu Dược (sinh năm 1956) ở thôn Thủy Trung hiến nhiều nhất, với trên 500 m2 đất vườn, trồng cây nông nghiệp và 120 m hàng rào cây xanh cùng nhiều cây ăn quả khác.

“Tấc đất là tấc vàng, ai cũng biết điều đó, nhiều người làm giàu từ đất. Tuy nhiên, sau khi nghe chính quyền địa phương tổ chức họp dân để phổ biến thông tin làm đường bê tông, tôi mừng lắm. Ngay hôm đó, tôi về nhà bàn với vợ và tự nguyện hiến đất, hiến cây để làm đường”, ông Dược chia sẻ.

Vợ chồng ông Dược hiến nhiều diện tích đất nhưng không hề hối tiếc. Ngược lại, ông thấy vui vì người dân trong thôn đi lại thuận tiện hơn. Song, có một việc khiến ông bà băn khoăn. Đó là sau khi hiến đất, ông bà làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo diện tích hiện trạng từ đầu năm nhưng vẫn chưa được cơ quan nhà nước cấp theo quy định. “Chúng tôi tuổi đã cao, đi lại nhiều cũng vất vả. Diện tích đất đã hiến cho Nhà nước làm đường tôi không tính toán gì.

Mặc dù đã hiến đất nhưng kinh phí làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ chúng tôi cũng tự bỏ tiền ra làm. Mong sao chính quyền các cấp sớm cấp sổ đỏ mới cho chúng tôi để chúng tôi yên tâm sinh sống”, bà Phan Thị Truyền (vợ ông Dược) nói.

Đây cũng là thực trạng chung mà nhiều gia đình tự nguyện hiến đất trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đang gặp phải. Có nhiều hộ đã nộp hồ sơ từ đầu năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đổi sổ đỏ theo diện tích mới, sau khi đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước để xây dựng NTM.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh Hoàng Văn Tuyến cho hay, chương trình xây dựng NTM của huyện đặt ra mục tiêu hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ đạt chuẩn huyện NTM. Đến thời điểm hiện tại, huyện có 13/15 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Vĩnh Thủy và Kim Thạch. 2 xã miền núi Vĩnh Ô và Vĩnh Khê dự kiến trong năm 2023 và 2024 sẽ về đích.

Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, do quy hoạch trước đây còn nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa nên để đạt các tiêu chí NTM, thì các địa phương phải thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hiến cây, tường rào và ngày công.

Qua công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, người dân đều đồng thuận góp công, góp của, do đó chương trình xây dựng NTM của huyện đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đáng chú ý, người dân trên địa bàn huyện đã hiến 55.000 m2 đất; trên 4.500 m tường rào; trên 6.000 cây trồng lâu năm để mở rộng, làm mới hệ thống giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa.

“Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, sự vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp nên người dân ngày càng nâng cao nhận thức về ý nghĩa của xây dựng NTM. Từ đó tự nguyện hiến đất, hiến cây, giúp tiết kiệm kinh phí đáng kể cho Nhà nước. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để hoàn thành xây dựng NTM tại những địa phương còn lại”, ông Tuyến cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác hội

Tú Linh |

Không chỉ là một chi hội trưởng năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1960) còn là Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Cảnh Lộc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhà máy may này đang tạo việc làm cho 100 lao động, trong đó hơn 40% là con em cựu chiến binh.

Tấm lòng của vị chủ tịch kháng chiến

Tú Linh |

Ông Trương Quang Phiên, người làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị), từng có thời gian dài giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là người có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước và sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời ông là một câu chuyện đầy tình người.

Gần 400 đoàn viên công đoàn tham gia hiến máu tình nguyện

Lê An |

Ngày 31/8, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh và Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện.

Phóng sự ảnh: Bảo tàng truyền thống Liên minh chiến đấu Việt - Lào tại Bản Đông

Minh Phương |

Bản Đông, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) là nơi từng diễn ra cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân Mỹ và Quân đội Sài Gòn mùa xuân năm 1971 với mức huy động khủng khiếp về nhân lực, khí tài hòng chặt đứt huyết mạch tiếp tế chi viện của miền Bắc cho miền Nam.