Không chỉ là một chi hội trưởng năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1960) còn là Giám đốc Nhà máy may xuất khẩu Cảnh Lộc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhà máy may này đang tạo việc làm cho 100 lao động, trong đó hơn 40% là con em cựu chiến binh.
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (sinh năm 1995) làm việc tại nhà máy được 3 năm nay. Chị Tiên cho biết, chị rất hài lòng khi có việc làm với mức thu nhập ổn định, đặc biệt được làm gần nhà, thuận tiện chăm sóc gia đình. Với thời gian làm việc 8 giờ/ngày, người lao động ở nhà máy được hưởng đầy đủ các chế độ đúng quy định của pháp luật nên ai cũng yên tâm. Công nhân mong muốn ngày càng có nhiều đơn hàng để nhà máy phát triển hơn, mang lại lợi ích, niềm vui cho người dân. Cuối tháng 9/2022, nhà máy vừa hoàn thành đơn hàng với số lượng 15 nghìn quần áo chuyên dành cho người trượt tuyết để đưa vào TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu. Hiện tại, mức lương trung bình của mỗi công nhân tại nhà máy khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Ông Cảnh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia năm 1979. Xuất ngũ, ông quyết định về quê tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, ông mở xưởng chế biến tinh bột sắn, bán ra thị trường 200 tấn bột/tháng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động. Từ năm 2016 đến 2021, ông chuyển qua kinh doanh thức ăn gia súc, tiêu thụ mỗi tháng khoảng 100 tấn bột, cùng với chăn nuôi 100 lợn nái, 1.200 lợn thịt. Làm ăn nhanh nhẹn, có kế hoạch nên ông Cảnh có thu nhập khá cao từ việc kinh doanh thức ăn gia súc và nuôi lợn. Tuy có thu nhập nhưng chăn nuôi lợn dù có xử lý tốt vấn đề môi trường thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến những gia đình sống xung quanh trang trại. Vì vậy, ông Cảnh quyết định chuyển hướng sản xuất bền vững hơn, hướng đến giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nhận thấy may công nghiệp phù hợp với năng lực về vốn đầu tư cũng như tổ chức lao động tại chỗ, ông Cảnh bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực này. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm nghề may công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh cũng như kết nối các thị trường tiêu thụ sản phẩm, cuối năm 2019 ông đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu, với nguồn vốn ban đầu 7 tỉ đồng, trên diện tích rộng 1 ha tại thôn Mai Lộc 2.
Ngày trình dự án xin đầu tư nhà máy may công nghiệp lên các cấp, ông Cảnh phân tích: Với mong muốn góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động quê hương khỏi đi xa cũng như nâng cao thu nhập, đặc biệt chú trọng việc làm cho con em của hội viên hội CCB hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa là lý do quan trọng nhất để ông quyết định xin xây dựng nhà máy. Việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương còn góp phần xây dựng nông thôn mới tại xã Cam Chính, để địa phương sớm đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và phát huy bền vững các tiêu chí đã đạt được.
Thấy dự án của ông Cảnh tâm huyết và hợp lý nên chính quyền luôn ủng hộ. Không lâu sau, nhà máy may công nghiệp với quy mô 3 chuyền, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 công nhân hoạt động liên tục mang lại niềm vui nhiều gia đình người dân địa phương vì từ nay con em họ không phải đi xa đến các thành phố lớn để làm việc trong các nhà máy may công nghiệp nữa.
Bên cạnh việc quản lý nhà máy, ông Cảnh còn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Mai Lộc 2 trách nhiệm, giúp đỡ nhiều hội viên vượt nghèo. Ông luôn vận động các gia đình hội viên phát huy thế mạnh của địa phương, tập trung sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây giống và con giống mới vào sản xuất xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Việc làm của ông Cảnh nhận được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của hội viên trong toàn chi hội. Vì thế, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội CCB phát động được triển khai hiệu quả. Đến nay, 95% gia đình hội viên Hội CCB thôn Mai Lộc 2 có thu nhập ổn định và khá, giàu.
Đồng hành với chính quyền địa phương trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, 100% hội viên CCB trong chi hội thực hiện cải tạo vườn tược, xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang đường làng ngõ xóm; hiến công, hiến cây, hiến kế, hiến đất để mở rộng đường nông thôn; xây dựng đường điện trong khu dân cư dài 2,6 km; gương mẫu thực hiện và vận động Nhân dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra ngoài khu dân cư để bảo vệ môi trường. Chi hội đảm nhận 300 m đường CCB tự quản, trồng hoa, cây bóng mát, xây dựng đường mẫu đẹp… Khu dân cư thôn Mai Lộc 2 được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có sự đóng góp không nhỏ của chi hội CCB thôn cũng như vai trò của chi hội trưởng Nguyễn Văn Cảnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)