Những ai từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, nhất là các cựu chiến binh, nhiều người biết anh. Người ta biết anh, vì anh là người trong nhiều năm qua đã bỏ bao công sức cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Anh là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thanh Bình ở đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thị xã Quảng Trị.
Thành tích trong chiến tranh của anh Bình được tóm tắt thế này: Năm 11 tuổi, làm giao liên dẫn đường cho bộ đội. Tròn 14 tuổi, được đưa ra Bắc học tập. Năm 1971, khi đang học giữa chừng, anh làm đơn tự nguyện xin được trở về miền Nam chiến đấu. Trở lại chiến trường, anh được bổ sung vào đơn vị K8 - Tỉnh đội Quảng Trị. Anh Bình đã tham gia Chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị từ ngày đầu cho đến khi kết thúc. Đơn vị anh đã độc lập chiến đấu 227 trận, diệt 1.500 tên địch, bắn cháy hàng chục xe tăng và xe bọc thép của địch. Năm 1980, anh chuyển ngành, công tác tại Công ty Thương nghiệp huyện Triệu Hải (cũ).
Sau khi nghỉ chế độ không lâu, anh đã nghĩ ngay đến việc đi tìm hài cốt đồng đội. Những người đầu tiên ủng hộ việc làm của anh là hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Trung Thướng và Trần Minh Vân - các sĩ quan của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, từng trực tiếp chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972. Đông đảo hơn cả là các cựu chiến binh và những gia đình có con em hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị. Ngôi nhà của anh ở thị xã Quảng Trị trở thành nơi nghỉ ngơi, địa điểm tập kết của những người đi tìm hài cốt liệt sĩ, được mọi người gọi vui là “ngôi nhà đồng đội”.
Đầu tiên, bằng mọi cách, anh kết nối thông tin với các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của mọi người. Mặt khác, anh lập sẵn một sơ đồ, xác định lại từng vị trí chiến đấu, từng nơi chôn cất đồng đội hy sinh tại thị xã Quảng Trị và hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Khi mọi việc đã được chuẩn bị kỹ càng, anh và đồng đội bắt đầu tiến hành công việc tìm kiếm. Nơi gần tìm trước, nơi xa tìm sau. Tất cả chỉ với cuốc, xẻng, xà beng và đôi bàn tay. Đầu tiên là xác định đúng những vị trí được đánh dấu trên sơ đồ. Đó là vị trí được cung cấp từ những người đã trực tiếp chiến đấu tại Thành Cổ trong Chiến dịch 81 ngày đêm. Những thông tin từ người dân địa phương cũng vô cùng quan trọng.
Sau giải phóng, Nhân dân từ các nơi sơ tán trở về san ủi đất đai ngay chính trên trận địa năm xưa để canh tác, xây dựng nhà cửa. Trong lúc làm việc, họ đã phát hiện thấy hài cốt hoặc nghi có hài cốt. Có thể nói, ở Thành Cổ Quảng Trị, nơi nào người ta cũng nghi ngờ có hài cốt bên dưới. Nhiều người cũng cho rằng trong đất thổ cư nhà mình khả năng có hài cốt. Vì thế mà ở đây khi đào móng xây nhà, đào hố trồng cây, hay xây đập, làm kè, khơi rãnh thoát nước… việc tình cờ phát hiện hài cốt là chuyện thường tình...
Việc quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được thực hiện trong nhiều năm. Trong quãng thời gian ấy, anh Bình và đồng đội đã quy tập được trên 100 hài cốt. Trong số này có 36 hài cốt xác định được danh tính và đã bàn giao cho thân nhân, gia đình đưa về an táng tại quê nhà. Hài cốt các anh tìm được chủ yếu là bộ đội quê ở các tỉnh miền Bắc, hy sinh tại Thành Cổ trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972. Một số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.
Công việc vất vả vô cùng, ai không đủ sức khỏe sẽ khó lòng theo đuổi. Thế nên, chỉ có tấm lòng mà không có sức khỏe cũng không thể làm được. Anh Bình nhớ mãi đợt đi tìm mộ liệt sĩ Trần Văn Khởi. Gia đình anh Khởi ở Hưng Yên nhận được giấy báo tử cho biết anh hy sinh năm 1972 tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Giấy báo tử chỉ ghi chung chung như thế chứ không nói rõ địa danh làng, xã nào cụ thể. Mà Hải Lăng thì rất rộng! Việc đi tìm mộ anh Khởi trong hoàn cảnh ấy có khác gì “mò kim đáy biển”. Nhưng thân nhân của liệt sĩ đã vào tận đây trông cậy cả vào các anh.
Thế là các anh cơm đùm, gạo bới lên đường. Việc tìm mộ anh Khởi phải qua 3 lần mới có kết quả. Đợt đầu tiên vào Mỹ Chánh, qua sông Ô Lâu, đi mãi lên phía Tây huyện, rồi lạc lên tận Đakrông, giáp với huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet của Lào. Ở đó sóng điện thoại không có, đói, mệt, không tìm ra manh mối nào, đành quay về. Lần thứ hai cũng không đem lại kết quả gì. Phải lần thứ ba, may nhờ người dân địa phương chỉ cho 2 ngôi mộ của bộ đội ta hy sinh khoảng những năm 1971, 1972, được cho là mộ của anh Khởi và một người nữa cùng đơn vị. Lần ấy các anh không những tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Văn Khởi mà còn tìm được hài cốt một liệt sĩ khác nữa.
Cả 2 liệt sĩ đều có tên tuổi, địa chỉ do một người du kích cũ cùng sống, chiến đấu với hai anh ngày ấy ghi lại. Hay như đợt tìm mộ liệt sĩ Tiểu đoàn phó Lê Thanh Viễn, quê ở Quảng Ngãi cũng vậy. Có một điều gì khó nói, bởi anh thường nằm mơ thấy anh Viễn. Rồi các anh vào cuộc. Khi chưa tìm thấy anh ấy thì cảm thấy mệt mỏi. Nhưng khi tìm thấy rồi thì niềm vui vỡ òa. Hài cốt anh Viễn hầu như còn nguyên vẹn. Cả khẩu súng K54, bi đông đựng nước, mảnh dù bốn chéo anh khoác trên người, tất cả đều còn nguyên. Có cả một cái lọ thủy tinh nhỏ, đựng mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán, đơn vị anh ấy nữa…
Chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình và hành trình đi tìm đồng đội là như thế. Có lẽ, không cần phải nói ra đây sự tri ân, cùng những lời ngợi khen của các tập thể, cá nhân, nhất là thân nhân các liệt sĩ dành cho anh. Cũng không cần phải liệt kê ra đây những danh hiệu, phần thưởng… mà các bộ, ban, ngành đã dành tặng cho anh. Ở đời, có những người chỉ biết làm việc tốt mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Tôi nghĩ, Nguyễn Thanh Bình là một người như vậy.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)