Trở về đời thường, những cựu chiến binh (CCB) năm xưa lại bám đồng đất quê nhà cần cù lao động, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
Bám đồng hoang làm giàu
Ở Khu phố 2, Phường 2, TP. Đông Hà khi nhắc đến CCB Đỗ Khánh Lộc, (64 tuổi) hầu như ai cũng biết. Bởi ông được xem là một trong những người đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình trang trại vườn - ao - chuồng (VAC) từ năm 1997. Trong khu trang trại rộng khoảng 5 ha giữa cánh đồng lộng gió, ông Lộc cho biết mình nguyên là chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 176, Quân khu 4. Ông nhập ngũ từ năm 1983 và cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, đến năm 1986 thì xuất ngũ. Dù nhiệm vụ thời điểm ấy không trực tiếp chiến đấu nhưng làm nhiệm vụ ở vùng rừng thiêng nước độc cũng khiến ông và nhiều đồng đội bị sốt rét, sỏi thận do uống nước nhiễm thạch cao nặng…
Trước khi nhập ngũ, ông Lộc cũng vừa lập gia đình. Rời quân ngũ trở về quê hương, vợ chồng ông lần lượt sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Cuộc sống khó khăn đã thôi thúc vợ chồng ông ra sức khai phá đồng hoang để phát triển kinh tế, nuôi nấng đàn con. Với sự cần cù chịu khó, dần dà cuộc sống vợ chồng ông từng bước ổn định hơn, khi mô hình VAC tạo lập từ năm 1997 bắt đầu cho nguồn thu nhập khá. Giai đoạn này trang trại của ông chủ yếu nuôi trâu, bò, gà, vịt đàn, tôm cá…
Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức chăn nuôi từ sách báo, tivi và các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội CCB phường phối hợp tổ chức, ông càng tự tin hơn và áp dụng hiệu quả vào sản xuất cũng như phòng trị bệnh cho vật nuôi. “Bắt đầu từ năm 2015 tôi tập trung nuôi một số loại con nuôi có giá trị kinh tế và được thị trường ưa chuộng như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá nước lợ (cá đối), cá nước ngọt (cá rô đầu vuông, cá thát lát, cá lóc, cá diếc). Tôi cũng nuôi thêm bồ câu, gà đá. Đến nay mô hình trang trại của gia đình tôi có 10.000 m2 mặt nước nuôi tôm, đàn gà đá duy trì 300 con, bồ câu 100 con; riêng cá các loại mỗi vụ cho thu hoạch sản lượng trên 5 tấn…
Những năm gần đây sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mô hình của gia đình tôi có thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện nay các con tôi hầu hết đều đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định nên cũng không còn lo toan nhiều”, ông Lộc bộc bạch.
Đến nay, khi tuổi đã khá lớn, sức khỏe không còn tốt, ông Lộc đã dần nghỉ ngơi và “nhường” lại những phần việc nặng trong trang trại mình cho các con. Với vốn kinh nghiệm của mình, ông nỗ lực truyền đạt, tư vấn giúp các con tiếp tục “nối nghiệp” làm nông của mình để xây dựng cuộc sống ấm no. Cùng với đó, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội CCB ở địa phương, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho những hội viên CCB có nhu cầu tìm hiểu, áp dụng…
Vườn ổi của CCB
Lê Tú Ở tuổi 73 nhưng CCB Lê Tú ở thôn Vân Tường, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong vẫn dành nhiều tâm huyết với đam mê làm nông nghiệp của mình. Ông Tú từng là du kích địa phương, tham gia hậu tuyến, bảo vệ vùng giải phóng xã Triệu Trạch từ năm 1973 cho đến năm 1975. Hòa bình lập lại, cũng như nhiều gia đình ở vùng nông thôn khác cuộc sống của vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn, nhất là khi lần lượt sinh 5 người con. Trải qua nhiều thăng trầm, gian khó nhưng vợ chồng ông vẫn bám đồng đất quê hương để làm kế mưu sinh, trang trải cuộc sống.
Khoảng năm 2007, vợ chồng ông quyết định cải tạo vườn tạp để chuyển qua trồng ổi. Toàn bộ 5 sào đất vườn nhà đã được lên luống rồi trồng các loại ổi như xá lỵ, ổi trâu, ổi Thái Lan… “Đất ở làng tôi thích hợp với cây ổi nên cây phát triển nhanh, cho năng suất cao. Ngoài ra, qua một thời gian trồng, tôi nhận thấy cây ổi có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa nên gắn bó từ đó cho đến bây giờ. Hiện nay, thu nhập từ vườn ổi mỗi năm mang lại cho gia đình tôi khoảng hơn 50 triệu đồng. Tuy thu nhập không lớn nhưng cũng nhờ vườn ổi này mà gia đình tôi có điều kiện nuôi con cái trưởng thành”, ông Tú cho biết thêm.
Ổi trồng được, ngoài một số được thương lái về thu mua tận vườn thì ông bà thường xuyên thu hoạch rồi trực tiếp đưa lên các chợ ở TP. Đông Hà để bán lẻ hoặc bỏ cho các quầy bán trái cây. Đặc biệt, ổi của vườn ông bà được trồng theo tiêu chí sạch hoàn toàn: Phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, bón bằng phân hữu cơ vi sinh, toàn bộ trái được bọc xốp chống sâu bướm chích… nên cho ra quả sạch, ngon, đẹp và được khách hàng ưa chuộng, tin dùng. “Vợ chồng tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với vườn ổi này đến khi không còn chăm sóc nổi nữa mới thôi. Vì dù lao động khá vất vả nhưng đối với vợ chồng tôi, thì vườn ổi vẫn là sinh kế gắn bó lâu dài và có nhiều kỷ niệm với gia đình”, ông Tú chia sẻ thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)