Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Thanh Lê |

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB). Từ phong trào này, ông Đặng Bá Trá, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp ở vùng thấp trũng để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương.

Gần 12 năm trong quân ngũ với quân hàm Thượng úy, chức vụ đại đội trưởng, năm 1990, ông Trá phục viên trở về địa phương và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. “Từng là một người lính không khuất phục trước kẻ thù, khi trở về đời thường những khó khăn, thử thách không làm tôi chùn bước. Để chăm lo cho gia đình, ban đầu tôi làm đủ nghề để kiếm sống, từ sản xuất, chăn nuôi, nấu rượu, đi nhặt phế liệu chiến tranh… Sau này, nhờ mô hình đa cây, đa con cuộc sống gia đình từng bước ổn định hơn, các con tôi có điều kiện để đến trường”, ông Trá nhớ lại.

Việc chủ động nguồn con giống giúp cựu chiến binh Đặng Bá Trá  thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế- Ảnh: T.L
Việc chủ động nguồn con giống giúp cựu chiến binh Đặng Bá Trá thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế- Ảnh: T.L

Quê ông Trá nằm ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng, ruộng đất nhiều nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai nên cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để thích ứng với thời tiết, đồng thời khai thác tiềm năng đất đai, từ năm 2003, ông Trá đã có ý tưởng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình đa cây, đa con, lấy ngắn nuôi dài. Thấy quỹ đất trên địa bàn còn nhiều, ông đấu thầu hơn 2 ha đất để trồng lúa, hoa màu. Cùng với trồng trọt, ông chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt siêu trứng. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2008, mô hình kinh tế của ông Trá dần mở rộng quy mô.

Ngoài lúa là cây trồng chủ đạo với diện tích trên 1 ha, diện tích còn lại ông trồng thêm ớt, sắn, ngô, khoai lang và hoa màu các loại. Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trong chăn nuôi, ông Trá đã có sáng kiến xây dựng hệ thống chuồng trại nổi để chống lụt, chuyên chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà thịt, vịt siêu trứng.

“Vươn lên từ trong khó khăn nên tôi thấy rất quý những kết quả đạt được và càng trân trọng hơn sự nỗ lực của bản thân. Những kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn nữa, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm giàu cho mình và góp sức xây dựng quê hương”, ông Trá chia sẻ.

Từ năm 2014, ông tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chăn nuôi ra vùng cát với các loại cây chủ yếu như: ớt, ném, sắn xen ngô và rau màu các loại; xây dựng trang trại chăn nuôi gà với quy mô mỗi lứa từ 300 - 400 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 4 lứa với trên 1.000 con gà thịt. Ông cũng mở rộng diện tích chuồng trại nổi để nuôi lợn tránh lũ, mỗi lứa từ 30 - 40 con lợn thịt, xuất bán trên 120 con/ năm. Với mô hình kinh tế tổng hợp, sau khi trừ chí phí, mỗi năm ông Trá lãi ròng từ 150 - 170 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển mô hình kinh tế đa cây, đa con, ông Trá cho hay: “Để chủ động được các khâu trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y, trồng trọt. Đồng thời, thường xuyên học hỏi thêm kinh nghiệm từ các trang trại địa phương, các vùng lân cận và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc chủ động nguồn giống tại chỗ cũng là cách làm mà tôi đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua. Ví như trong chăn nuôi lợn, gà, tôi đều xây dựng được quỹ giống con nuôi tại chỗ: nuôi lợn nái để lấy lợn con giống; duy trì đàn gà mái đẻ để cung cấp nguồn giống gà thịt thường xuyên. Thực tế cho thấy, việc tự chủ về giống đem lại nhiều lợi ích như giảm chi phí về con giống, chủ động trong sản xuất, đồng thời hạn chế dịch bệnh do quá trình mua con giống từ nơi khác hay quá trình vận chuyển làm dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, tôi còn áp dụng cách nuôi gối đầu, bán lứa này nuôi lứa kia để tạo thu nhập quanh năm cho gia đình. Đối với trồng trọt, việc chọn lựa được loại cây trồng phù hợp từng thời điểm, nhu cầu của thị trường cũng góp phần quan trọng vào thành công của mô hình”.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Trá còn tích cực vận động gia đình tham gia các phong trào, hoạt động xã hội tại địa phương, chung sức cùng quê hương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cần nuôi dưỡng cách ứng xử văn hóa và hành vi văn minh cho thế hệ trẻ

Tây Long |

Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường diễn ra trên địa bàn gây nhiều bức xúc trong dư luận. Làm sao để phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường? Câu hỏi đó cũng chính là nỗi trăn trở của cả nhà trường, phụ huynh, học sinh và người dân trong tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Tâm lý học NGUYỄN HUY TUYẾN, Tổ trưởng Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.

Cam Lộ: Thả nuôi 7 vạn ốc bươu đen

Anh Vũ |

Nhằm đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã hỗ trợ triển khai thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy.

54 trang trại chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao

Lê An |

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Quảng Trị toàn tỉnh hiện có 243 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.

Giới thiệu mô hình nuôi tôm trên cát sử dụng nước biển ven bờ

Phan Việt Toàn |

Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình nuôi tôm trên cát sử dụng nước biển ven bờ đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.