Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường diễn ra trên địa bàn gây nhiều bức xúc trong dư luận. Làm sao để phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường? Câu hỏi đó cũng chính là nỗi trăn trở của cả nhà trường, phụ huynh, học sinh và người dân trong tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Tâm lý học NGUYỄN HUY TUYẾN, Tổ trưởng Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Huy Tuyến! Thời gian qua, mạng xã hội lan truyền nhiều video clip học sinh đánh bạn. Ông có suy nghĩ như thế nào về câu chuyện buồn này?
- Đây là điều không ai mong muốn, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục như chúng tôi. Tôi tin rằng trong mỗi tiết học, mỗi hoạt động giáo dục, mỗi giờ sinh hoạt…, ngoài giúp học sinh lĩnh hội tri thức, các thầy, cô giáo đều chú ý nhắn nhủ, khuyên bảo, giải thích…, giúp học sinh nhận thức sâu sắc cần nói không với bạo lực học đường. Luôn mong muốn và nỗ lực để giúp học sinh trở thành người tốt hơn nên có lẽ cũng như tôi, các thầy, cô giáo đều đau lòng, cảm thấy dường như chính mình bị tổn thương khi tiếp cận thông tin, hình ảnh về bạo lực học đường.
- Theo tiến sĩ, nguyên nhân nào khiến tình trạng bạo lực học đường trở nên nhức nhối?
- Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường nảy sinh và trở nên nhức nhối. Trước tiên, đó là do những mối quan hệ xã hội mà các em chứng kiến hằng ngày. Ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, các em rất dễ bắt chước. Ngay trong mỗi gia đình, nếp sống, cách sống, sự quan tâm và đặc biệt là quan điểm giáo dục của ba mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi con cái. Ngay từ khi còn nhỏ, nếu chứng kiến những hành vi bạo lực của người thân, trẻ sẽ bắt chước một cách vô thức hoặc có ý thức và cách hành xử đó. Kết quả là người lớn đã vô tình gieo những “hạt giống không tốt” trong các em.
- Xét về góc độ tâm lý học sinh thì sao, thưa tiến sĩ?
- Trẻ em thường thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các mâu thuẫn, bất hòa trong mối quan hệ xã hội. Tâm lý thích thể hiện, muốn chứng tỏ bản thân ở lứa tuổi thanh, thiếu niên khi không được định hướng đúng mục đích và thiếu sự chỉ bảo sẽ biểu hiện bằng hành vi bạo lực, đua xe, tiêm chích ma túy… hoặc những hành vi nguy hiểm khác.
- Khi xem một số video clip về bạo lực học đường, chúng ta có thể thấy ngoài hình ảnh nhóm học sinh lao vào đánh bạn, còn có một số em đứng ngoài quay phim, chụp ảnh, không hề ngăn cản. Nhiều ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của sự vô cảm. Tiến sĩ nghĩ sao về ý kiến này?
- Những biểu hiện như trên là chưa phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chỉ dựa vào một vài biểu hiện đó để cho rằng hành vi trên là vô cảm. Có thể do những học sinh ấy chưa được trang bị những kỹ năng, cách thức ứng phó khi chứng kiến tình huống như thế xảy ra. Cũng có trường hợp chính những học sinh đó đang cùng “phe”, “nhóm”, cùng thực hiện hành vi sai trái. Tôi nghĩ, việc phụ huynh thiếu sự quản lý con em mình trong sử dụng phương tiện kỹ thuật, mạng xã hội cũng đã gián tiếp làm nảy sinh những biểu hiện kể trên.
- Khi bạo lực học đường xảy ra, nhiều người quan tâm đến việc xử lý học sinh gây ra vụ việc. Theo ông, cần xử lý thế nào để vừa mang tính giáo dục, vừa đủ sức răn đe?
- Xử lý học sinh gây ra vụ việc theo quy định của pháp luật là điều cần thiết vì rõ ràng các em đã có hành vi xâm phạm thân thể người khác. Những điều này đã được pháp luật quy định rõ ràng và bất kỳ ai cũng phải tuân theo. Tuy nhiên, các em đang trong độ tuổi học sinh với sự phát triển về tâm lý nói chung, về động cơ, hành vi, về tính cách và tình cảm nói riêng rất đặc trưng của lứa tuổi. Người lớn, đặc biệt là giáo viên, phụ huynh học sinh phải hiểu rõ động cơ vi phạm của các em, phải tạo được lòng tin để các em sẵn sàng chia sẻ, nhận ra khuyết điểm của mình và phấn đấu sửa chữa sai lầm. Sự miệt thị, xa cách hoặc trừng phạt quá mức rất dễ tạo cơ hội cho những hành vi bạo lực này lặp lại.
- Về phía học sinh chịu bạo lực, cần làm gì để giúp các em ổn định tâm lý?
- Học sinh chịu bạo lực thường có tâm lý sợ sệt, thậm chí hoảng loạn hoặc đau đớn về mặt thể chất. Tùy mức độ để chúng ta có những phương án chăm sóc cả về sức khỏe thể chất lẫn tâm lý cho các em. Bên cạnh chăm sóc, điều trị về thể chất (nếu cần) theo chỉ định của bác sĩ, người lớn cần theo dõi diễn biến tâm lý của các em trong thời gian sau đó. Nếu ở các mức độ nhẹ như lo lắng, sợ hãi… thì có thể gần gũi, nói chuyện chia sẻ để tạo sự yên tâm cho các em. Sự yêu thương, chia sẻ của mọi người xung quanh chính là điều kiện để giúp các em sớm hồi phục về tinh thần. Nếu các em vẫn vướng phải những hoảng loạn tâm lý kéo dài thì cần thiết phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà tâm lý có chuyên môn sâu để can thiệp.
- Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa tiến sĩ?
- Xung đột hoặc bạo lực học đường là vấn đề khó loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu các em được chăm sóc, giáo dục bởi người lớn một cách có trách nhiệm thì những vấn đề trên có thể hạn chế rất nhiều.
Mỗi gia đình cần coi nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục con em mình quan trọng như chính việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Ba mẹ cũng cần phải có những hiểu biết cơ bản nhất về chăm sóc, giáo dục con trẻ. “Đồng hành với con” sẽ giúp họ biết được con mình đang nghĩ gì, đang chơi với ai, đang lo lắng điều gì… Đó chính là cơ hội giúp họ có thể ngăn chặn hành vi bạo lực hoặc bị bạo lực ở con mình. Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, yêu thương nhau của các thành viên trong gia đình cũng là biện pháp nêu gương để con em mình phấn đấu noi theo.
Với nhà trường, không thầy cô giáo nào dạy học sinh hành vi bạo lực hoặc cổ súy cho hành vi đó. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn có xu hướng ngày càng tăng. Để giải quyết mâu thuẫn này, bên cạnh dạy tri thức, nhà trường cần thực hiện thật tốt mặt giáo dục học sinh. Thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vững kiến thức tâm lý lứa tuổi học sinh. Đây là điều cần thiết để các em chia sẻ với thầy cô về những suy nghĩ, khó khăn, trở ngại tâm lý mà mình đang gặp phải. Việc thành lập các diễn đàn, câu lạc bộ, buổi chuyện trò với nội dung có hệ thống cũng sẽ là điều kiện để huấn luyện cho các em kỹ năng, thái độ ứng phó hoặc ngăn ngừa với những hành vi xung đột, bạo lực. Muốn vậy, tối ưu nhất, mỗi thầy cô giáo đồng thời phải là những nhà tư vấn tâm lý học đường.
Quan trọng nhất, chúng ta phải xây dựng được một môi trường lành mạnh, hạn chế những bất công, xung đột, con người đối xử với nhau văn minh, lịch sự. Trong môi trường ấy, lẽ phải phải được bảo vệ, cái ác bị lên án kịp thời. Mỗi một chúng ta cần đồng lòng, đồng sức xây dựng môi trường như thế để nuôi dưỡng những ứng xử có văn hóa, hành vi văn minh cho thế hệ trẻ.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)