Đại dịch COVID làm gia tăng bạo lực - “lung lay” hạnh phúc nhiều gia đình?

Kim Thanh |

Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố cuối năm 2020, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người từng bị chồng mình bạo hành thể xác, tinh thần hoặc tình dục.

Đợt dịch Covid lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục kéo theo hàng triệu người mất việc làm, cuộc sống mưu sinh càng thêm khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều gia đình khiến hạnh phúc bị “lung lay”.

“Tôi luôn luôn phải theo ý của chồng tôi. Bất luận khi nào tôi không làm theo ý của chồng tôi, anh ấy đều lôi bố mẹ tôi ra nói, thậm chí là chửi. Anh ấy bảo bố mẹ tôi không biết dạy tôi, bảo tôi là con nhà vô giáo dục. Cứ khi nào tôi muốn đưa con về nhà ngoại chơi là anh ấy gây khó dễ, sẵn sàng đuổi tôi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Cuộc đời của tôi từ khi về nhà chồng là chuỗi ngày chan đầy nước mắt”.

Đó là tâm sự của một người phụ nữ ngoài 40 tuổi. Làm việc cho một công ty du lịch hơn 20 năm nhưng kể từ đợt dịch lần thứ 3 năm ngoái đến nay, chị phải nghỉ làm và xoay sở nhiều công việc khác nhau như: bán bảo hiểm, bán hàng online, kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ. Chồng chị làm bưu điện cũng mất việc, chuyển sang chạy xe công nghệ, thu nhập bấp bênh.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Khó khăn về kinh tế là vậy nhưng người chồng không những không đóng góp tiền nuôi con mà còn không quan tâm chăm sóc con, tỏ rõ thói gia trưởng, ích kỷ. Dù không đánh đập vợ, con nhưng những lời nhiếc móc của anh đã khiến chị vợ quá mệt mỏi về tinh thần. Đỉnh điểm, chị quyết định trở về nhà bố mẹ đẻ, mong giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

“Bản thân tôi cũng nghĩ rằng mình cũng không cần cố gắng nữa vì càng cố mình sẽ càng khổ, mà mình khổ thì các con sẽ khổ. Cho nên hiện tại vợ chồng tôi sống ly thân. Tôi từng nghĩ rằng tôi cứ cố duy trì gia đình này để các con có đầy đủ cả bố cả mẹ nhưng với một người cha như vậy, một người cha luôn sẵn sàng đuổi vợ con đi bất cứ lúc nào thì tôi có cần phải hy sinh nữa hay không?”, người phụ nữ bộc bạch.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” như người phụ nữ này. Ảnh hưởng của dịch Covid 19, càng làm cho mâu thuẫn của nhiều cặp vợ chồng tăng lên do mất việc làm, khó khăn về kinh tế và người vợ và những đứa con thường là người phải gánh chịu thiệt thòi.

“Tôi đi đâu làm gì phải hỏi chồng, chồng cho phép được đi thì mới được đi. Chồng thì cứ cho là mình là chủ hết tất cả, thích đuổi tôi lúc nào thì đuổi, có lúc đánh xong rồi đuổi ra khỏi nhà. Lúc đấy con thấy còn che cho tôi. Tôi cảm thấy mình bất lực, mình không thể làm gì được Còn có những lúc chồng còn bảo là lấy vợ thì cưới hỏi, mua được rồi đấy là quyền sử dụng của chồng. Câu nói xúc phạm thì nhiều lắm, có thể xúc phạm kể cả bố mẹ, bảo họ không biết dạy con”, một người phụ nữ khác chia sẻ. 

Nghiên cứu của Tổ chức về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy, có đến 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình như bạo lực tinh thần, thể xác, bạo lực tình dục. Điều đáng nói, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề bạo lực thường không biết xử lý ra sao.

Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện Trưởng Viện phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng cho rằng, nhiều phụ nữ vẫn còn nặng tư tưởng “việc nhà đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi bạo lực gia đình, làm cho vấn nạn này càng gia tăng.

Việc im lặng, chịu đựng không chỉ đem đến hậu quả về mặt thể xác mà còn để lại hệ quả nặng nề về mặt tinh thần cho cả người bị bạo hành và người thân của họ như con cái, cha mẹ. Để gỡ “nút thắt” nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình, theo bà Nguyễn Thu Giang, người đàn ông phải đóng vai trò tích cực.

“Trong rào cản về môi trường xung quanh gia đình, đã bao gồm người đàn ông. Tuy nhiên, đứng ở góc độ là thủ phạm gây ra bạo lực, chúng ta phải nhìn thấy gốc rễ sâu xa, đó là định kiến giới. Để thay đổi được điều này cần giải pháp tổng thể, trong đó đặc biệt là vai trò của nam giới.

Chúng ta hãy nhìn một cách tích cực là nam giới, những người ở môi trường hỗ trợ xung quanh, khơi gợi được tính tích cực của họ, thay đổi được định kiến giới. Bản thân người đàn ông chính là người gợi mở cho phụ nữ, là người ở bên cạnh phụ nữ giúp đỡ họ. Giải pháp lớn nhất đó là sự thay đổi của bản thân những người trong cuộc, đặc biệt là người đàn ông”, bà Nguyễn Thu Giang nói.

Nhiều người vẫn quan niệm rằng “phụ nữ là người giữ lửa gia đình”, thế nhưng nếu đàn ông trong gia đình không muốn “chia lửa” với vợ mình, phó mặc mọi việc nhà cho vợ thì cuộc sống gia đình sẽ không có hạnh phúc và mâu thuẫn sẽ ngày càng tăng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ông Đặng Phấn, ở thành phố Đà Nẵng cho rằng, người phụ nữ cần lên tiếng để bảo vệ mình và khi người chồng biết thay đổi vì vợ con thì mới mong gia đình hạnh phúc: “Làm sao xóa bỏ được sự bất bình đẳng giới trong lương tâm của từng con người, trong suy nghĩ của từng con người. Những người trong câu lạc bộ đều gương mẫu, là những gia đình hạnh phúc, không có bạo lực xảy ra. Các anh chị trong câu lạc bộ về nhà cùng tham gia công việc nhà, thậm chí cùng giặt quần áo, cùng rửa bát, quét nhà…, chia sẻ với vợ, cho nên gia đình rất hạnh phúc”.

Cái giá phải trả cho bạo lực gia đình là vô cùng lớn bởi nó không chỉ làm lung lay hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng xấu tới con cái họ, tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Để tạo dựng một gia đình hòa thuận, mọi thành viên cần phải đóng góp công sức, sẻ chia khó khăn và mỗi người cần thấy được trách nhiệm nghĩa vụ của mình.

(Nguồn: VOV1)

TAGS

Những đổi thay trong gia đình đồng bào dân tộc thiểu số miền biên giới

Kim Huệ - Khánh Hưng |

Đến nay đã tròn 75 năm người đồng bào Vân Kiều Pakô mang họ Hồ của Bác. Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay, đồng bào Vân Kiều Pakô đã phát huy được vốn văn hóa, nội lực để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam: Kết nối yêu thương xây dựng gia đình hạnh phúc

Thanh Giang |

Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là dịp tôn vinh những mái ấm gia đình Việt mà còn là cơ hội để mỗi thành viên thấu hiểu và quý trọng hạnh phúc đang có.

Gương sáng gia đình đoàn viên công đoàn

Kô Kăn Sương |

Không chỉ tận tụy với sự nghiệp “trồng người”, những năm qua, vợ chồng thầy cô giáo Phạm Văn Thiện và Nguyễn Thị Trang ở thôn Long An, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quản g Trị)  luôn nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con thành tài. Họ xứng đáng được chọn biểu dương là gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị.

Triển lãm về gia đình giới thiệu nhiều hình ảnh đám cưới xưa và nay

Minh Thu |

Triển lãm sẽ giới thiệu đến khách tham quan những hình ảnh thú vị về đám cưới của người Việt thời kỳ trước năm 1930 (thời Pháp thuộc), đám cưới trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ...