Để chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đạt mục tiêu

Hoài Nam |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn, giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, kế hoạch hướng tới mục tiêu tổng quát là kiểm soát, giảm thiểu tình trạng tai nạn đuối nước trẻ em nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của trẻ, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Một số mục tiêu cụ thể như: giai đoạn 2022 - 2030, Quảng Trị phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai Chương trình bơi an toàn cho trẻ em và mô hình trẻ em toàn xã, phường, thị trấn biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi. Phấn đấu từ 70% trở lên trẻ em 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025 và từ 80% trở lên vào năm 2030; từ 60% trở lên trẻ em 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và từ 70% trở lên vào năm 2030. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lâu nay, những câu chuyện đuối nước thương tâm ở trẻ em luôn khiến dư luận quan tâm. Con số thống kê cho thấy tỉ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam vẫn cao gấp 3 lần so với nước thu nhập cao, ảnh hưởng đến sự phát triển, quyền sống trẻ em. Thực trạng này khiến nhu cầu phổ cập bơi trong nhà trường càng trở nên cấp thiết và nhiều người kỳ vọng môn bơi lội sẽ trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Trước đây, vấn đề này từng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các ngành chức năng, gia đình và nhà trường. Tuy nhiên sau khi khảo sát điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện môn học này cho thấy, cơ sở vật chất, đặc biệt là tỉ lệ bể bơi trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay chỉ có từ 0,4% - 0,6% các trường cấp phổ thông và khoảng 13% các trường đại học có xây dựng bể bơi trong trường. Vì thế, bơi lội vẫn tiếp tục là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với điều kiện hiện nay của nhiều trường học (đa số là các trường công lập), thì việc có bể bơi để đáp ứng tiêu chuẩn đưa môn bơi vào thành môn học bắt buộc rất khó. Tại Quảng Trị, số trường học có bể bơi chỉ đếm trên đầu ngón tay và tập trung chủ yếu ở các trường tư thục. Trên thực tế, số trường triển khai môn học bơi lội rất ít. Một số phụ huynh chia sẻ, hầu như bắt đầu năm học mới nào nhà trường cũng lấy ý kiến phụ huynh về việc có nhu cầu cho con mình học bơi hay không. Đa phần phụ huynh đều đồng ý, tuy nhiên việc học bơi sau đó không được triển khai. Vậy nên, cứ đến hè là phụ huynh lại lo lắng tai nạn đuối nước có thể xảy ra với con em mình.

Cũng phải ghi nhận rằng, thời gian qua, thông qua các lớp học bơi miễn phí do đoàn thanh niên phối hợp với các đơn vị tổ chức, nhiều trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn đã được học bơi. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sáng tạo của các cá nhân như ngăn sông, chắn đê, rào tre ở các dòng suối để dạy bơi; tổ chức dạy bơi tại các bể bơi lưu động, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Từ việc khuyến khích thực hiện xã hội hóa các hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh tại các nhà trường và địa phương, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 17 bể bơi được lắp đặt để dạy bơi cho học sinh, trẻ em. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh biết bơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn đuối nước đối với các em.

Để thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất, tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh; triển khai mô hình học sinh toàn trường biết bơi; phát triển phong trào bơi trong trường học và nhân rộng mô hình phòng chống đuối nước trẻ em trong năm học 2021 - 2022 và những năm tiếp theo cùng một số nhiệm vụ khác. Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, để hoàn thành kế hoạch được giao, ngành GD&ĐT cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa điều kiện của các nhà trường và địa phương.

Trước hết cần đào tạo đội ngũ giáo viên phụ trách đã qua tập huấn bơi, có chứng chỉ bơi để vận hành bể bơi và dạy bơi cho học sinh. Xây dựng thêm nhiều bể bơi từ các nguồn kinh phí xã hội hóa; tăng cường dạy bơi cho học sinh. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, việc các nhà trường tăng cường xã hội hóa nguồn lực từ cá nhân, tổ chức chung tay thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước trong học sinh, trẻ em là việc làm cần thiết. Với địa bàn trung tâm như TP. Đông Hà, hiện có nhiều bể bơi của doanh nghiệp, trung tâm thể thao, khách sạn có vị trí gần với nhiều trường học trên địa bàn thành phố, vì vậy, các trường cần có sự phối hợp với những đơn vị này để tổ chức dạy bơi cho học sinh theo hình thức phù hợp.

Để Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn, giai đoạn 2022 - 2030 có hiệu quả, không chỉ riêng đối với ngành GD&ĐT, UBND tỉnh còn giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho nhiều đơn vị, nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như gia đình và xã hội. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng xã hội là rất cần thiết. Đồng thời xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động dạy bơi và phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, cũng như tăng cường kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả triển khai chương trình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giải Bơi, Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII

Minh Đức |

Ngày 15/3, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Ban Tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh lần thứ VIII, năm 2021 - 2022 khai mạc Giải Bơi trong chương trình thi đấu Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh lần thứ VIII.

Bơi qua sông để tránh chốt kiểm dịch, 3 người bị phạt 15 triệu đồng

Đặng Tuấn |

Tou Prong Dăm Mẫn và Bon Nah Ria Ya Lập được Nguyễn Ngọc Quyết dẫn đi bộ đến sông Krông Nô, bơi qua sông sang thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, Lâm Đồng thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Lớp dạy bơi đặc biệt cho trẻ yếu thế

Trường Sơn |

Nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn đuối nước và nâng cao kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống bị đuối nước cho trẻ em, Xã đoàn Hải Hưng đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án xã Hải Hưng (Hải Lăng, Quảng Trị) tổ chức lớp dạy bơi đặc biệt dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật nhẹ trên địa bàn xã.

Ngăn suối làm bể bơi cho trẻ vùng cao

Mỹ Hằng |

Trong những ngày này, lực lượng thanh niên xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã ra quân tiến hành ngăn dòng, tạo “Bể bơi tự nhiên” trên dòng suối chảy qua cầu Khe Tiên làm nơi dạy bơi an toàn cho trẻ.

Cụ bà 63 tuổi dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ em được Forbes Việt Nam vinh danh

Phạm Hải – Thúy Ly |

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do tạp chí này bình chọn. Trong số này, có bà Trần Thị Kim Thia (bà Sáu Thia), 63 tuổi, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.