Tận tâm với vùng cát quê hương

Võ Khánh Linh |

Sau chiến tranh, cựu chiến binh Trần Xuân Quý, thương binh hạng 4/4 trở về Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) với nhiều dự định thôi thúc. Khi ấy, ông bảo rằng giờ đây, chắc chắn phần đời còn lại của mình sẽ gắn bó bền chặt với vùng cát trắng quê hương.

Bởi thẳm sâu dưới lớp cát bỏng là nhiều hài cốt đồng đội ông nằm lại mà ông đang trăn trở kiếm tìm. Trên diện tích bao la cát, là nơi ông muốn hiện thực hóa khát vọng cùng góp sức xây dựng lại quê hương bằng chính mồ hôi, công sức, nỗ lực của mình…

Thiêng liêng hai tiếng “đồng đội”

Tròn 17 tuổi, khi quê nhà đang bị quân thù giày xéo, ông Quý xung phong vào bộ đội địa phương thuộc Huyện đội Triệu Phong. Trong ký ức ông Quý, sâu đậm nhất vẫn là trận đánh cách nay 50 năm về trước. Lúc bấy giờ, khói lửa mù mịt, bom đạn nổ rền trời, cuộc chiến đấu nơi phòng tuyến phía Đông trong chiến dịch bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đang ở giai đoạn cam go nhất. Bỗng từ đâu đó có tiếng vọng: “Đồng chí Quý, giúp tôi với…!”. Ông Quý lần theo tiếng gọi để đến nơi đồng đội. Khi ấy, ông Miều đã bị thương, đôi chân đứt lìa đang nằm thoi thóp ở bên một gốc cây.

Ông Quý thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Lăng - Ảnh: V.K.L
Ông Quý thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Lăng - Ảnh: V.K.L

Lập tức, ông Quý đặt đồng đội lên người mình và trườn từng chút một để đưa đồng chí mình ra khỏi trận địa đang bị đánh phá ác liệt. Trong đầu ông Quý lúc đó chỉ có một suy nghĩ: “Phải cứu đồng đội bằng bất cứ giá nào…”. Thế nhưng, khi đưa ông Miều đến nơi trú ẩn an toàn thì ông Quý lại đau đớn khi biết đồng đội của mình đã hy sinh. Những năm tháng ấy, đối với ông Quý, tình đồng chí, đồng đội là rất thiêng liêng, gắn bó như máu thịt.

Thắp nén nhang trên những ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Lăng, ông Quý kể rằng ngày hòa bình, trở về quê hương, chỉ cần có bất cứ thông tin gì liên quan đến đồng đội đã khuất là ông đều tức tốc lên đường. Nhiều năm qua, ông Quý cùng đồng đội đã tìm kiếm được 25 hài cốt liệt sĩ. Sau mỗi lần tìm thấy hài cốt, ông Quý báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương để phối hợp cất bốc, làm lễ truy điệu, an táng chu đáo, trang nghiêm. Có một câu chuyện mà ông Quý nhớ mãi, đó là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, quê ở xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, là du kích được tăng cường vào huyện Triệu Phong để chiến đấu và hy sinh tại xã Triệu Lăng.

Vào năm 2017, gia đình của liệt sĩ Xuân đã đến tìm gặp ông Quý để nhờ giúp đỡ việc tìm kiếm hài cốt. Khi ấy, ông Quý cùng nhiều đồng đội đi khắp nơi tìm kiếm thông tin, thì may mắn có một người dân biết về trường hợp hy sinh của ông Xuân. Thế nhưng, do địa hình thay đổi nhiều, giữa mênh mông cát trắng nên việc xác định vị trí cụ thể nơi chôn cất liệt sĩ rất khó khăn. Sau 2 tuần nỗ lực, niềm vui vỡ òa khi lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy hài cốt có thông tin chính xác về tên tuổi, quê quán của liệt sĩ Xuân. Những giọt nước mắt, những cái ôm, những cái siết tay vui mừng khôn xiết của những đồng đội, của gia đình khi tìm được hài cốt liệt sĩ khi ấy thật khó có thể diễn tả bằng lời.

“Phải là những người từng trải qua đạn bom, từng đổ xương máu cho đất nước mới thấm thía cái giá của hòa bình. Lòng tôi đau như cắt khi nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng vẫn còn nằm lại đâu đó. Chính vì vậy, mỗi lần tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ đưa về với gia đình, quê hương, là tôi cùng những đồng đội đều cảm thấy hạnh phúc, thanh thản và mãn nguyện vô cùng”, ông Quý xúc động nói.

Góp phần tái sinh vùng cát

Bao bận đi qua vùng Triệu Lăng, ám ảnh trong chúng tôi là cát bỏng chân người. Từ miền cát trắng, nắng lửa, con người phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Giờ đây, đã có những ngày đang khác. Đó là ngày mà ông Quý đưa mô hình nuôi tôm về quê hương, là ngày ông vận động người dân “khai sinh” ra bãi tắm Nhật Tân.

Trải lòng mình, ông Quý nói: “Ai đã từng qua cảnh dãi dầu, buôn bán từng mớ tôm, mớ cá, để lo từng bữa ăn ở vùng cát khắc nghiệt này thì mới hiểu nổi gian truân và vất vả của người dân nơi đây. Là một người lính bước ra từ cuộc chiến, tôi có một khát vọng mãnh liệt về sự phát triển nơi mình đang sống. Chính vì vậy, tôi quyết định phải đi nhiều nơi để học hỏi và tìm ra lối đi góp phần xây dựng quê hương”. Từ suy nghĩ đó, ông Quý một mình rong ruổi nhiều tỉnh, thành từ Nam ra Bắc, để tham quan những mô hình kinh tế mới, tiếp thu cách những địa phương có biển làm du lịch, dịch vụ.

Ông Quý bên mô hình nuôi tôm ở Triệu Lăng, Triệu Phong - Ảnh: V.K.L​
Ông Quý bên mô hình nuôi tôm ở Triệu Lăng, Triệu Phong - Ảnh: V.K.L​

Trở về quê hương, năm 2000, ông Quý cùng 12 cựu chiến binh trình bày ý tưởng với UBND xã Triệu Lăng để xin thành lập bãi tắm Nhật Tân và được chấp thuận. Những khát vọng của ông Quý dần thành hình bắt đầu từ những quán nhỏ đơn sơ của những cựu chiến binh chuyên bán các loại hải sản tươi ngon, chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ khách du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Để rồi tiếp nối là sự hưởng ứng của người dân bằng cách cùng nhau xây dựng bãi tắm Nhật Tân với những hàng quán nối dài. Đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về sự đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, đèn điện chiếu sáng...

Như một cuộc chạy tiếp sức, từ người tiên phong là ông Quý, đến người dân, rồi đến chính quyền, mà đích đến là sự đổi mới của quê hương. Vùng bãi ngang ngày ấy, nơi cập bến của những chiếc thuyền đánh bắt nhỏ lẻ, nơi người dân tần tảo mưu sinh bằng gánh cá, mớ tôm hằng ngày, nay đã phát triển thêm các loại hình dịch vụ du lịch mới đem lại hiệu quả cao.

Đứng trưa, gió thổi ràn rạt từ phía biển, ông Quý dẫn tôi tham quan mô hình nuôi tôm của mình. Ông bảo rằng con tôm cũng đã giúp cuộc đời ông bước sang một trang mới và góp phần làm cho người dân quê ông bớt khổ. Cách đây gần 20 năm, khi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lần đầu tiên được ông Quý đưa về địa phương, mọi thứ còn quá mới mẻ với người dân. Mặc cho nhiều câu hỏi được đặt ra về tính khả thi của một mô hình kinh tế mới ở vùng cát, ông Quý vẫn kiên định với những khát vọng của mình. Bởi ông nói: “Đặt câu hỏi bao giờ cũng dễ hơn chỉ ra câu trả lời!”. Thế rồi đáp án thuyết phục nhất mà ông đưa ra, đó chính là việc hồ nuôi tôm của ông “trúng mùa” nhiều năm, năm cao nhất thu lãi được 700 triệu đồng.

Từ sức thuyết phục mạnh mẽ này, người dân bắt đầu đón nhận những cái mới và mô hình ngày càng được nhân rộng. Anh Lê Văn Linh, ở Thôn 5, xã Triệu Lăng bộc bạch: “Sau khi nhìn thấy mô hình nuôi tôm của ông Quý mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cùng nhiều người dân địa phương đến học hỏi và được ông hướng dẫn rất tận tình. Từ việc tiến hành xây dựng hồ nuôi tôm như thế nào, lựa chọn tôm giống, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thức ăn cho tôm ra sao, cho đến xử lý ao nuôi và chữa bệnh cho tôm đúng cách. Tất cả những quy trình kỹ thuật được ông Quý chia sẻ một cách tường tận. Sau đó, người dân chúng tôi bắt tay vào làm và thành công. Từ đó, đời sống cũng được cải thiện hơn trước”.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Đặng Quang Hải nhận định: “Ông Quý là một cựu chiến binh tiêu biểu, là người đi đầu trong phát triển kinh tế và tiên phong góp phần hình thành, phát triển bãi tắm Nhật Tân. Trong cuộc sống, ông là người có uy tín, được dân nghe, dân tin, dân làm theo. Những đóng góp của ông đã thúc đẩy sự phát triển của địa phương, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Đặc biệt, ông Quý còn có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Ông được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen, tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8…”.

Tiềm năng, thế mạnh của xã Triệu Lăng vẫn đang được đánh thức từ việc mở mang các loại hình dịch vụ và những mô hình kinh tế mới. Trong hành trình làm đổi thay diện mạo vùng cát, có những đóng góp lặng thầm của những cựu chiến binh như ông Trần Xuân Quý và những người dân nặng lòng với quê hương…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cựu chiến binh nỗ lực phát triển kinh tế

Hiếu Giang |

 

Trở về đời thường, những cựu chiến binh (CCB) năm xưa lại bám đồng đất quê nhà cần cù lao động, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Người cựu chiến binh và hành trình đi tìm đồng đội

Nguyễn Ngọc Chiến |

Những ai từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, nhất là các cựu chiến binh, nhiều người biết anh. Người ta biết anh, vì anh là người trong nhiều năm qua đã bỏ bao công sức cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Anh là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thanh Bình ở đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thị xã Quảng Trị.

Cựu chiến binh xã Hải Thái thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước

Hoài Diễm Chi |

5 năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm hay, mới mẻ, sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, qua đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Thanh Lê |

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB). Từ phong trào này, ông Đặng Bá Trá, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp ở vùng thấp trũng để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương.