Thầy cô là mùa xuân

Tây Long |

Mẹ mất sớm khiến nụ cười trên môi ba chị em: Phạm Nguyễn Trâm Anh, Phạm Nguyễn Nam Anh và Phạm Nguyễn Quốc Anh dường như không còn tươi vui như trước. Trong những ngày buồn nhất, sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (gọi tắt là iSchool Quảng Trị) đã sưởi ấm trái tim, mở ra cho các em nhiều điều tốt đẹp.

Ấm áp những món quà

Trong những ngày đầu năm mới 2023, em Phạm Nguyễn Trâm Anh, học sinh lớp 5A rất vui mừng khi được cô giáo hiệu trưởng trao tận tay một chiếc máy tính bảng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là ước mơ từ lâu đối với Trâm Anh.

Thế nhưng, vì biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không dám chia sẻ với ai. Điều khiến Trâm Anh rất ngạc nhiên là các thầy cô iSchool Quảng Trị đã nhìn thấu ước mơ ấy của mình. Sau khi trao đổi, thảo luận, lãnh đạo nhà trường đã đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ Trâm Anh một chiếc máy tính bảng. Đề xuất ấy nhanh chóng được thông qua ngay sau khi cán bộ sở biết về hoàn cảnh của chị em Trâm Anh.

Trâm Anh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ giáo viên iSchool Quảng Trị - Ảnh: T.L
Trâm Anh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ giáo viên iSchool Quảng Trị - Ảnh: T.L

Những năm qua, Trâm Anh và hai người em đã nhận được rất nhiều món quà ấm tình yêu thương đến từ cán bộ, giáo viên iSchool Quảng Trị cùng nhà hảo tâm. Trong đó, món quà đầu tiên, đầy bất ngờ mà nhà trường dành tặng đã mở ra cho các em nhiều điều tốt đẹp.

Món quà ấy đến vào những ngày gia đình Trâm Anh chìm trong nước mắt. Đêm 8/12/2018, giữa lòng TP. Đông Hà, con nước dữ đã phá toang tường nhà Trâm Anh, khiến mẹ và bà vĩnh viễn rời xa mấy chị em cô bé. Bấy giờ, dù còn nhỏ nhưng Trâm Anh đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau. Cô chị cả chỉ mới 6 tuổi không biết ngày mai sẽ ra sao. Với công việc bấp bênh, ba Trâm Anh khó đủ sức lo cho 3 người con nhỏ ăn học.

Trong lúc ai nấy đều hoang mang, lo lắng, cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo iSchool Quảng Trị và gia đình em như thắp lên niềm hy vọng. Lãnh đạo nhà trường đã trao tặng học bổng gần 1 tỉ đồng cho chị em Trâm Anh. Với suất học bổng của iSchool Quảng Trị, các em được miễn học phí trọn cấp.

Trâm Anh chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của nhà trường mà ba chị em có môi trường học tập tốt. Không chỉ truyền đạt kiến thức, các thầy cô còn thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ chị em Trâm Anh. Vào mỗi dịp lễ, tết, cán bộ, giáo viên nhà trường thường có những món quà nhỏ để sẻ chia với khó khăn, thiếu thốn của gia đình.

“Em biết rằng, ẩn sau mỗi món quà của thầy cô là rất nhiều tình yêu thương. Vì thế, mỗi lần nhận được quà từ thầy cô, em đều rất xúc động”, Trâm Anh chia sẻ.

Nâng bước em thơ

Chuyện trò trong bầu không khí ngập tràn sắc xuân, Hiệu trưởng iSchool Quảng Trị Trần Thị Ngọ không khỏi xúc động khi nhắc đến câu chuyện của chị em Trâm Anh. Cô Ngọ cho biết, Trâm Anh và các em chính là những học sinh đầu tiên của trường. Khi biết về sự việc đau lòng khiến ba chị em Trâm Anh không còn mẹ, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nhanh chóng tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người thân và các em.

Sau đó, lãnh đạo iSchool Quảng Trị đã báo cáo, đề xuất Tập đoàn Nguyễn Hoàng và Công ty iSchool hỗ trợ ba chị em Trâm Anh. Sự đồng ý của tập đoàn và công ty khiến cán bộ, giáo viên trong trường rất vui mừng. Không để mất nhiều thời gian, các thầy cô nhanh chóng hoàn thành những thủ tục cần thiết để Trâm Anh bước vào lớp 2 và hai em theo học bậc mầm non tại trường.

Nhiều năm làm công tác giáo dục, cô Ngọ và các cán bộ, giáo viên iSchool Quảng Trị hiểu sâu sắc tâm lý, tình cảm của trẻ sau khi mất mẹ. Cú sốc quá lớn có thể khiến một số em thu mình lại, ngại giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Việc học của các em rất dễ bị sao nhãng, bê trễ. Vì thế, ngay những ngày đầu, cán bộ, giáo viên nhà trường đã dành rất nhiều tình thương, sự quan tâm cho ba chị em Trâm Anh. Nhờ thế, các em nhanh chóng vượt qua sự bỡ ngỡ, lo âu.

Cô Ngọ cho biết, sau khi Trâm Anh và các em đã hòa nhập tốt, cán bộ, giáo viên iSchool Quảng Trị vẫn luôn dõi theo, nâng bước cho các em. Ngoài giờ lên lớp, mỗi khi Trâm Anh gặp khó khăn trong tiếp thu bài vở, các thầy cô đều nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ. Ở bậc mầm non, hai em của Trâm Anh được chăm sóc chu đáo, kỹ lưỡng như các bạn khác. Với sự hỗ trợ đắc lực từ giáo viên, các em có thêm nhiều trải nghiệm, kỹ năng...

Tuy nhiên, sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên iSchool Quảng Trị dành cho Trâm Anh và các em luôn được thể hiện một cách khéo léo, tế nhị. Các thầy cô không muốn ba chị em cảm thấy mình khác biệt so với những học sinh khác trong trường.

So với ngày đầu bước chân vào trường, chị em Trâm Anh đều đã có những sự đổi thay đáng mừng. Các em luôn xem ngôi trường là mái nhà thứ hai. Ở đây, chị em Trâm Anh không chỉ có điều kiện học tập tốt mà còn được sống trong tình yêu thương. Hiện tại, Trâm Anh và Quốc Anh vẫn đang theo học ở trường. Vì suất học bổng miễn học phí trọn cấp đến hạn nên Nam Anh đã chia tay các thầy cô, chuyển về một ngôi trường gần nhà.

Chuyện trò ngoài giờ lên lớp, Trâm Anh chia sẻ, sau ngày mẹ mất, em tưởng chuỗi ngày tươi vui của chị em mình sẽ không còn. Thế nhưng, cùng với tình yêu thương của người thân, vòng tay các thầy cô đã làm thay đổi suy nghĩ của em. Vì thế, Trâm Anh vẫn thường ví, cán bộ, giáo viên iSchool Quảng Trị là mùa xuân của cuộc đời mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những thầy thuốc của người nghèo

Quang Đăng |

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh được người dân trong tỉnh trìu mến gọi là “thầy thuốc của người nghèo”. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các cán bộ, hội viên vẫn giữ chữ “tâm” ngời sáng, miệt mài giúp đời, giúp người.

Người thầy của nhà nông

Trúc Phương |

Cũng là thầy giáo, nhưng suốt 14 năm qua, “bục giảng” của thầy Lê Đức Hậu (sinh năm 1982), hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vĩnh Lĩnh lại là... những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bằng lòng yêu nghề và trái tim khao khát cống hiến, người thầy đặc biệt này đã giúp cho hàng trăm người nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung “gỡ rối” trong chăn nuôi, từ đó vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Người Thầy gieo chữ, gieo tình...

Hoàng Thủy |

Về làng tôi, hỏi thăm nhà thầy Diệm (Hoàng Ngọc Diệm), chắc hẳn ai cũng sẽ được người quê chỉ đường tận tình, nếu cần họ sẵn lòng đưa vào tận ngõ. Con người ấy đến nay gần tròn tuổi 90, lặng lẽ gieo chữ, gieo tình cho biết bao thế hệ học trò từ năm 1960…

Người thầy tâm huyết với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Quảng Trị là tỉnh có số lượng người dân tộc Bru - Vân Kiều định cư đông, chiếm khoảng 70% người dân tộc Bru - Vân Kiều của cả nước. Dân tộc Bru - Vân Kiều có tiếng nói, chữ viết riêng nhưng qua thời gian dần bị mai một. Trong số những người dành tâm sức học tập, nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giảng dạy ngôn ngữ này có có thầy Hồ Quang Tuyến (sinh năm 1976), ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Thầy đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với di sản văn hóa phi vật thể “Bảo tồn và phát huy tiếng dân tộc Bru - Vân Kiều”.