Về làng tôi, hỏi thăm nhà thầy Diệm (Hoàng Ngọc Diệm), chắc hẳn ai cũng sẽ được người quê chỉ đường tận tình, nếu cần họ sẵn lòng đưa vào tận ngõ. Con người ấy đến nay gần tròn tuổi 90, lặng lẽ gieo chữ, gieo tình cho biết bao thế hệ học trò từ năm 1960…
Ngày ấy, trong làng có mỗi thầy làm nghề giáo. Thầy là nguồn trí thức, là vinh hạnh cho cả dòng tộc, làng xã. Ai cũng gửi con cái đến học nhà thầy, gọi là kiếm cái chữ để sau này cuộc sống đổi thay hơn, không lam lũ như cuộc đời cha mẹ. Nhiều gia đình khá giả trên phố cũng cho con về học. Tiếng tăm về một người thầy giáo làng rất mực tận tâm, yêu trẻ cứ thế lan xa, tự nhiên, thăm thẳm. Củ khoai, củ sắn quê hương thường đóng thay tiền học phí cho lũ trẻ vùng quê. Thế nào cũng được, miễn là các cháu muốn đến học nhà thầy. Chúng tôi, lũ trẻ trường làng đứa nào đứa nấy lem nhem nhưng phải nói là ham học, thích học với thầy. Miền quê ngày đó còn nghèo, luỹ tre làng xanh mát, che rợp cả con đường sỏi đá lô nhô, những mái nhà tranh lụp xụp... Mỗi mùa lũ về ngay ngáy những lo toan…
Bài học đầu tiên, thầy dạy về môn Toán. Qủa thật, đến tận bây giờ, hơn 30 năm đã trôi qua, vẫn không thể quên cái đề “Vừa gà vừa chó bó lại cho tròn…” . Cái cách thầy lấy ví dụ, so sánh thật gần gũi. Đó là những phép tính cộng, trừ, nhân, chia gắn với hình ảnh con gà, con vịt, mớ rau hay củ khoai, củ sắn… Lũ trẻ chúng tôi cứ tấm tắc, thích thú lắng nghe vì môn Toán không còn khô khan, xa vời nữa mà rất gần gũi, thiết thực.
Thầy dặn “Sai con toán, bán con trâu đó nghe”…Quan trọng thế đấy! Tôi về khoe với ba cách dạy của thầy rất dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ vận dụng. Ba cười, chuyện đó cả làng ai cũng biết. Thì ra thầy đã từng là Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên.
Những năm tháng chiến tranh, khó khăn chồng chất, thầy cùng trường vẫn cần mẫn đào tạo những đội ngũ giáo viên yêu nghề, yêu trẻ. Lớp lớp sinh viên Trường Trung học Sư phạm ngày đó ai cũng yêu kính và nghĩ về thầy bằng những tình cảm rất mực trân quý. Những tưởng thầy còn gắn bó với trường, ai ngờ đứa con gái út ốm đau, phải ôm con gái đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa trị nên thầy đã từ giã mái trường yêu quý. Ai cũng tiếc nuối khi chia tay với thầy…
Trở về cuộc sống đời thường, tất tả mưu sinh. Nhiều lần, bắt gặp thầy cặm cụi lật tìm trang giáo án, biết lòng thầy còn nhiều vấn vương với nghề, vợ thầy gợi khéo: “Hay là ba nó mở lớp dạy học, vừa giúp đỡ được con em làng xóm, vừa có niềm vui với nghề”. Vậy là, ngay tuần sau, lớp học đầu tiên được mở ra, học sinh đủ kiểu lớn bé. Ánh mắt thầy vui hơn mọi bận.
Hồi đó, trước khi vào lớp, tôi và mấy bạn thường gọi là bị kiểm tra kiến thức Văn học. Khi thì đố tìm ra câu ca dao, tục ngữ hay nói về thời tiết, mùa màng, khi thì ra vế đối và yêu cầu đối lại… Lần ấy, gặp trời mưa tầm tã, tôi bị ngã nên bẩn tèm nhem.
Đang ghé bể nước trời rửa chân, thầy bảo “Cô Thuỷ dụng thuỷ”. Chẳng biết ai móc miệng mà tôi nhanh nhảu ‘Thầy Sơn di sơn”. Giờ ngẫm lại chữ “dụng” chưa đối chuẩn với chữ ‘di” nhưng thầy cười, khen ổn. Vậy là tạm qua cửa ải để…bước vô lớp. Hầu như bữa nào cũng vậy. Hồi hộp thót tim nhưng cũng thú vị vô cùng! Thầy còn dạy chúng tôi bài hát bằng tiếng Pháp về tình yêu cuộc sống“Marche en avant/C’est la vie qui t’appelle…”.
Rộn ràng nhất là những dịp Hiến chương Nhà giáo, mỗi bạn phải nộp một bài thơ để làm báo tường. Nghe bảo, thầy vốn hay làm thơ, đặc biệt có sở trường viết văn tế rất mực cảm động. Vậy là lũ trẻ lại vây quanh thầy Diệm để xin thầy cho một bài thơ. Chúng tôi cứ há hốc nhìn vì sao thầy làm thơ xuất thần và hay đến thế? Mỗi đứa trẻ ra về hớn hở vì có thơ để khoe, để nộp. Các cô giáo trường làng đọc thơ, ai cũng nhận ra là của thầy Diệm vì họ chính là những học trò của thầy năm xưa. Mỗi trang thơ cứ chất chứa nỗi niềm yêu thương và cả sự nuối tiếc với nghề…
Tôi cũng không thể nào quên, khi tôi học lớp 2, năm 1984. Vào một buổi chiều sắp tan học, thầy Diệm bước vào lớp (con gái thầy cùng học lớp với chúng tôi nên thầy được bầu làm Ban đại diện Hội Phụ huynh), gặp chúng tôi rồi dặn dò. Thầy nói ngày 20/11 năm nay thầy sẽ dẫn chúng tôi đi thăm cô giáo chủ nhiệm - cô An - cũng là học trò năm xưa của thầy. Giờ tập trung, quả là không thiếu một ai. Những đứa trẻ nhem nhuốc đất quê mà ánh mắt sáng lên đến lạ. Mỗi đứa khoe một túi gạo. Dường như bạn nào cũng cố mang được nhiều hơn để làm quà cho cô giáo.
Vì qua lời thầy Diệm, chúng tôi biết chồng cô tôi mới mất, để lại mẹ già và hai cô con gái nhỏ. Em bé lại hay ốm đau. Cuộc sống của cô bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn. Thầy đưa chúng tôi đến nhà, mắt cô giáo ngân ngấn nước “Dạ, thưa thầy, em xin lỗi vì chưa đến thăm thầy. Vậy mà…”. Cho đến bây giờ, khi mình cũng là cô giáo, tôi càng trân quý tấm lòng thầy hơn. Bởi tình yêu thương và sự quan tâm, dõi theo của thầy dành cho những người học trò nghèo khó.
Những học trò năm nào giờ đã trưởng thành theo năm tháng. Trong lớp học làng quê ngày ấy, đã có không ít bạn bè cùng tôi và con gái thầy đã theo nghề giáo, tiếp bước thầy gieo chữ và thắp lên ngọn lửa yêu thương. Mỗi lần có dịp bên nhau, hàn huyên chuyện cũ, làng quê, ai cũng nhắc nhớ đến thầy với lòng kính trọng. Lũ trẻ ngày ấy mang theo bài học đầu đời về tình yêu thương, về sự nỗ lực cố gắng vươn lên để thoát khỏi khó nghèo, lam lũ. Ánh mắt thầy ánh lên khi kể về những học trò ngày xưa giờ thành đạt, những học trò về thăm thầy mỗi dịp tri ân; ánh mắt ấy chợt trầm ngâm, suy tư khi hay tin những học trò gặp mệnh đời bạc bẽo…
Năm nay thầy đã gần tuổi 90, hơn cả cái tuổi “xưa nay hiếm”. Bước chân của thầy giờ chậm chạp hơn, mắt thầy cũng mờ đi nhiều nhưng trí nhớ thì dường như vẫn còn minh mẫn. Về quê, ghé thăm thầy, vẫn câu chuyện xưa, ăm ắp kỷ niệm. Cơn gió vô tình lật giở quyển sổ cũ nhàu thầy để trên bàn, tôi nhận ra những dòng chữ thân thương của thầy. Hình như thầy đang viết hồi ký cho cuộc đời mình: “Tôi là giáo viên giỏi miền Bắc, vinh dự được Bác Hồ khen thưởng vào năm 1964; được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cấp Bằng khen năm 1965; được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân tặng Bằng khen vì đã có công lao xây dựng và phát triển ngành sư phạm trong nhiều năm; được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010. Tôi đã có 11 năm là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, vinh dự nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào năm 2017...”.
Tôi đã khóc vì không thể ngờ, ngàn lần không hề hay biết, thầy giáo làng quê của tôi tuyệt vời đến thế! Bao năm tháng trôi qua, người con ưu tú ấy vẫn sống thanh bần, giản dị, bình yên với cuộc đời, với làng quê nghèo khó…Nắm tay thầy, hơi ấm yêu thương lan toả, ấm áp. Lòng cầu mong sức khỏe, bình yên và hạnh phúc ở mãi bên người thầy đáng kính của tuổi thơ tôi…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)