Giáo dục Hướng Hóa, những bước tiến vững chắc

Khánh Ngọc |

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự nỗ lực vượt khó bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp để tổ chức lớp và dạy học hiệu quả của các thế hệ nhà giáo, giáo dục huyện miền núi Hướng Hóa đã có những bước tiến khá vững chắc.

Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Hoàng Văn Sơ cho hay, từ xuất phát điểm sau năm 1975 các lớp mầm non chỉ là các lớp nhỏ do hơp tác xã hoặc các cơ quan, đơn vị quản lý; cấp tiểu học (TH) từ lớp 1 đến lớp 5 mới định hình ở các xã vùng kinh tế mới dọc Quốc lộ 9, còn ở các xã vùng bản thì chỉ có đến lớp 3; cấp trung học cơ sở (THCS) mới có ở Khe Sanh, Tân Liên, Lao Bảo, đến nay quy mô trường lớp ở các cấp học, ngành học của giáo dục Hướng Hóa được phát triển, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cô và trò cùng vui chơi - Ảnh: K.N
Cô và trò cùng vui chơi - Ảnh: K.N

Việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp như: trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường mầm non tư thục, nhóm, lớp mẫu giáo độc lập… đã đáp ứng như cầu học tập của con em. Toàn huyện hiện có 26 trường mầm non; 34 trường phổ thông (trong đó có 11 trường TH; 7 trường THCS; 10 trường TH&THCS; 2 trường PTDTBT THCS; 3 trường PTDTBT TH&THCS, 1 trường PTDTNT huyện); 4 trường THPT và 1 trung tâm GDNN - GDTX huyện. Về huy động học sinh đến lớp, những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt từ năm học 1981-1982 đến 1985- 1986, tỉ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh chỉ đạt 1,3% đối với vùng bản và 58% đối với các trường vùng kinh tế mới. Đến nay, tỉ lệ huy động đối với nhà trẻ đạt 22,34%, mẫu giáo đạt 95,77% (riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt tỉ lệ huy động 100%); TH đạt 99,72%; THCS đạt 92,89%. THPT đạt trên 80%.

“Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, huyện Hướng Hóa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học năm 1998, đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS năm 2005 và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2006, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2021.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và của toàn xã hội đã tiếp tục đưa giáo dục Hướng Hóa phát triển về số lượng cũng như chất lượng, có những bước đi ngày càng vững chắc hơn; nhất là từ sau ngày lập lại tỉnh và trong thời kỳ đổi mới” , ông Hoàng Văn Sơ cho biết thêm.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với giáo dục huyện miền núi Hướng Hóa trong nhiều năm qua là tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, xóa phòng học mượn, phòng học tạm và xây dựng trường học đạt chuẩn nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngành giáo dục Hướng Hóa đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”.

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, huyện Hướng Hóa có 80% trường học bằng tranh tre, nứa lá, không có nhà công vụ cho giáo viên; đến nay nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa, tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện chiếm 37,93%. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Các nhà trường đã xây dựng trường học trở thành một môi trường sư phạm thân thiện, an toàn, hạnh phúc để thực sự “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; thầy cô mẫu mực, trách nhiệm, yêu thương quan tâm chăm lo, đầu tư chất lượng giáo dục mũi nhọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu… Những năm qua, tỉ lệ học sinh tham gia đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia của huyện liên tục tăng.

Tiêu biểu năm học 2020 - 2021, giáo dục Hướng Hóa đoạt 1 giải Nhất môn Ngữ văn, 1 giải Nhất môn Tiếng Anh, có 1 dự án học sinh THCS tham gia chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và đoạt giải Ba; năm học 2021 - 2022 đoạt 1 giải Nhất môn Tiếng Anh, có 1 dự án học sinh THCS tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đoạt giải Nhất. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của học sinh huyện Hướng Hóa chất lượng ngày càng cao, năm học 2021-2022 có một lớp học 100% học sinh đều trúng tuyển vào các trường đại học. Đây là những thành tích đáng tự hào của giáo dục vùng khó ở huyện miền núi Hướng Hóa.

Có thể khẳng định, mặc dù còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng giáo dục Hướng Hóa đã có những bước đi vững chắc, liên tục phát triển cả về quy mô và mạng lưới trường lớp học, chất lượng và hiệu quả GD&ĐT, đặc biệt là chất lượng giáo dục ở vùng bản ngày càng nâng lên, tạo cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Ông Hoàng Văn Sơ cho biết thêm: “Thời gian tới, GD&ĐT Hướng Hóa tiếp tục phát triển hợp lý quy mô mạng lưới trường lớp, coi trọng chất lượng là mục tiêu hàng đầu, là thương hiệu, sứ mệnh của các nhà trường. Đẩy mạnh phát triển giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của huyện Hướng Hóa trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Để giáo dục miền núi Hướng Hóa phát triển, ngoài sự nỗ lực của ngành GD&ĐT, rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội tiếp tục đầu tư nguồn lực, xóa phòng học mượn, xuống cấp; xây dựng thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, có cơ sở vật chất từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nỗ lực với giáo dục vùng khó

Phan Văn Đức |

Gặp thầy giáo Trần Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) ngay ở cổng trường, bằng cái bắt tay ấm áp, nghĩa tình và nụ cười trìu mến, chúng tôi nhận thấy sự thân thiện của thầy ngay khi gặp mặt. 

Cô giáo bộ môn giáo dục thể chất tài năng

Thu Hạ |

Cô giáo Phan Thị Thùy (sinh năm 1998), giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không chỉ được đồng nghiệp và học trò yêu mến bởi sự nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo đổi mới trong chuyên môn, mà còn tỏa sáng bởi tài năng thể thao khi vừa cùng với các thành viên của Đội bóng chuyền nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị xuất sắc đoạt giải Nhất Giải bóng chuyền ngành giáo dục các tỉnh Bắc Trung Bộ tranh cúp Báo Giáo dục và Thời đại lần thứ I. Bản thân cô Thùy còn đạt danh hiệu vận động viên nữ xuất sắc nhất giải.

Quan tâm nội dung giáo dục địa phương cho học sinh

Tú Linh |

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương mình (được hiểu là địa phương cấp tỉnh). Học sinh trên toàn tỉnh rất hứng thú khi được tiếp cận với nội dung giáo dục này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo

Thanh Mai |

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 5 nhóm chính sách trong Luật Nhà giáo, trong đó luật hóa các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng...