Người thầy tâm huyết với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Quảng Trị là tỉnh có số lượng người dân tộc Bru - Vân Kiều định cư đông, chiếm khoảng 70% người dân tộc Bru - Vân Kiều của cả nước. Dân tộc Bru - Vân Kiều có tiếng nói, chữ viết riêng nhưng qua thời gian dần bị mai một. Trong số những người dành tâm sức học tập, nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giảng dạy ngôn ngữ này có có thầy Hồ Quang Tuyến (sinh năm 1976), ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Thầy đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với di sản văn hóa phi vật thể “Bảo tồn và phát huy tiếng dân tộc Bru - Vân Kiều”.

Với sự quan tâm đặc biệt dành cho ngôn ngữ dân tộc, từ thời còn học phổ thông thầy Tuyến đã chủ động, kiên trì tìm hiểu về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hóa, tập quán người Bru - Vân Kiều thông qua các nguồn tư liệu; những hội thảo, chuyên đề; thường xuyên gặp gỡ già làng, trưởng bản, bậc cao niên tại nhiều địa phương trong tỉnh. Việc tiếp cận, nghiên cứu ngôn ngữ Bru - Vân Kiều không hề đơn giản bởi rất ít tài liệu liên quan.

Thầy giáo Hồ Quang Tuyến nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều -Ảnh: N.T
Thầy giáo Hồ Quang Tuyến nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều -Ảnh: N.T

Ngôn ngữ này đa âm, chữ viết ra đời muộn, chưa được phổ biến rộng rãi nên người dân chủ yếu lưu truyền bằng miệng, nhiều từ gốc bị mất đi nên phải vay mượn từ ngôn ngữ khác để thay thế. Vì vậy, việc truyền giữ ngôn ngữ này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tâm huyết nghiên cứu của mình, thầy Tuyến đã nắm vững được nguyên tắc về tiếng nói lẫn ngữ âm, từ vựng, kết cấu ngữ pháp trong chữ viết Bru - Vân Kiều.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh), năm 2003, thầy Tuyến được phân công về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Linh. Dù không có trong chương trình giảng dạy nhưng mong muốn truyền thụ ngôn ngữ Bru - Vân Kiều, thầy Tuyến tích cực dạy tiếng nói và chữ viết Bru - Vân Kiều cho cả học sinh lẫn giáo viên nhà trường qua sáng kiến “20 từ Bru - Vân Kiều/1 bảng tin/1 tuần”, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường giao tiếp cho học sinh, giáo viên; xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn giữa học sinh dân tộc Bru - Vân Kiều với đội ngũ cán bộ, giáo viên người dân tộc Kinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Năm 2011, thầy Tuyến được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị điều động tham gia Hội đồng bộ môn tiếng Bru - Vân Kiều và bắt đầu trực tiếp giảng dạy nhiều lớp dành cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh…

Từ năm 2013- 2019, thầy tham gia chỉnh sửa, biên soạn nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến ngôn ngữ Bru - Vân Kiều như tài liệu giảng dạy cho học sinh người Bru - Vân Kiều trong các trường học; bồi dưỡng tiếng Bru - Vân Kiều dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh chủ trì; tự học tiếng Bru -Vân Kiều do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì…

Cũng từ kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ Bru - Vân Kiều, thầy Tuyến có cơ hội đi sâu tìm hiểu mạch nguồn văn hóa của chính dân tộc mình với những nét đặc trưng riêng. Thầy có thể tự làm đàn Bót “Plưaq”, đàn Talư “Achúng”, tự sáng tác điệu hát giao duyên “Ta-ũaiq”, thu hút học sinh cùng luyện tập, trình diễn tại các buổi giao lưu, hội thi, hội diễn.

Thầy Tuyến cho biết, thầy ấp ủ dự định sẽ phối hợp thực hiện giới thiệu văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều thông qua mạng xã hội để phản ánh một cách cụ thể, chân thực về dân tộc Bru - Vân Kiều từ nguồn gốc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội đến phong cảnh, đời sống, trang phục, ẩm thực, làn điệu dân ca… Qua đó, lưu giữ những nét đẹp cho thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn, khơi dậy ý thức, tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống dân tộc.

30 năm gắn bó, nặng lòng với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, thầy Tuyến trăn trở: “Ngoài những chương trình, chính sách ưu tiên phát huy giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Bru - Vân Kiều nói riêng đã và đang được thực hiện, tôi rất mong muốn các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giữ gìn tiếng nói và chữ viết dân tộc Bru - Vân Kiều.

Cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp, như đào tạo chuyên sâu đội ngũ giảng dạy, biên soạn; tạo điều kiện, hỗ trợ công tác nghiên cứu phát triển ngôn ngữ Bru - Vân Kiều; đưa vào giảng dạy rộng rãi ngôn ngữ Bru - Vân Kiều trong các trường học miền núi”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lê Ánh Khánh - thầy giáo trẻ tiêu biểu

Phương Nga |

Liên tiếp trong 2 năm 2021 và 2022, thầy giáo Lê Ánh Khánh (sinh năm 1989), Trường THPT Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) được vinh danh là “Gương mặt trẻ tiêu biểu” của huyện, tỉnh nhờ sự sáng tạo, tận tâm trong công tác giảng dạy và nhiệt tình, tâm huyết với phong trào đoàn trong trường học.

Thầy tôi dạy chữ, dạy người

Nguyễn Hoàn |

Những sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế đã từng được học thầy Nguyễn Đình Thảng, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, dạy môn Hán văn không ai là không nhớ, không ấn tượng về thầy.

Thầy giáo 23 lần hiến máu nhân đạo

Lê Cảnh Thu |

“Mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn vì biết rằng giọt máu của mình sẽ giúp được một người không may nào đó đang rất cần máu để điều trị bệnh, duy trì sự sống”, đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm, giáo viên dạy môn Vật lý, Bí thư Đoàn Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Cảm giác ấy cũng là động lực để thầy thực hiện 23 lần hiến máu nhân đạo trong thời gian qua.

Thầy giáo góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Long |

Lớn lên ở miền núi và có gần 20 năm dạy học tại vùng bản nên thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, hiện công tác tại Trường THCS Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gắn bó và có tình cảm đặc biệt với đồng bào Vân Kiều và Pa Kô.