Thầy giáo góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Long |

Lớn lên ở miền núi và có gần 20 năm dạy học tại vùng bản nên thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, hiện công tác tại Trường THCS Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gắn bó và có tình cảm đặc biệt với đồng bào Vân Kiều và Pa Kô.

Hình ảnh về nhịp sống thường ngày của bản làng đã in sâu trong tâm trí thầy. Càng yêu thích văn hóa bản địa, thầy càng có mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Tốt nghiệp phân môn Mỹ thuật của Khoa Nhạc - Họa, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, năm 2003 thầy Hùng được bố trí dạy học tại Trường THCS Thuận cho đến nay. Công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng ngày được ngắm nhìn nét đẹp hùng vĩ của núi rừng, sự mộc mạc của những bản làng, lòng hiếu khách, giàu tính cộng đồng và những nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều và Pa Kô đã trở thành chất xúc tác đặc biệt, tạo cho thầy nguồn cảm hứng sáng tác những tác phẩm điêu khắc.

Để cho tác phẩm của mình thêm phần sống động, có hồn và đậm chất vùng cao, mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, thầy Hùng về với bản làng, cùng ăn cùng ở, gần gũi trò chuyện và tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của người dân. Quá trình tìm hiểu thực tế đã giúp thầy có được nguồn tư liệu quý giá, những cung bậc cảm xúc chân thật nhất.

Thầy giáo Hùng (bên phải) bên tác phẩm đoạt giải B tại cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” 1972 - 2022 - Ảnh: M.L
Thầy giáo Hùng (bên phải) bên tác phẩm đoạt giải B tại cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” 1972 - 2022 - Ảnh: M.L

Thầy Hùng chia sẻ: “Tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa, tôi nhận thấy có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô cần được giữ gìn và giới thiệu rộng rãi cho mọi người. Do đó, tôi đã cố gắng thể hiện những gì mình biết thông qua các tác phẩm điêu khắc, với mong muốn được giới thiệu với bạn bè khắp nơi về bản sắc độc đáo của người dân nơi đây. Mặc dù có những lúc khó khăn như giá vật liệu quá cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm điêu khắc hạn chế… nhưng tôi vẫn quyết không từ bỏ đam mê, bởi tình yêu dành cho văn hóa vùng cao được tôi gửi gắm qua các tác phẩm điêu khắc”.

Từ những vật liệu gỗ thô, có khi chỉ là những gốc cây, tấm gỗ mà người dân không còn sử dụng nhưng thầy Hùng đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc mang hơi thở và đậm hồn cốt của văn hóa vùng cao. Khai thác về lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động của cuộc sống thường ngày, thầy đã sáng tác nhiều tác phẩm mang tính đặc trưng như: “Nhịp điệu vùng cao”, “Hồn Việt”, “Tĩnh lặng”, “Bản sắc vùng cao”, “Người Vân Kiều”, “Cô gái vùng cao”…

Nhờ tính riêng biệt và độc đáo của các tác phẩm điêu khắc, thầy Hùng được mời tham gia triển lãm tác phẩm nghệ thuật nhiều nơi. Năm 2018, thầy được kết nạp hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị; năm 2019 trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó, mở ra cho thầy rất nhiều cơ hội để tham gia các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội khắp các tỉnh, thành phố và dự thi các cuộc thi mỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc đem về nhiều giải thưởng danh giá.

Tiêu biểu, tác phẩm “Hồn Việt” đoạt giải A tại triển lãm Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị lần thứ Nhất, chủ đề “Quảng Trị 30 năm đổi mới và phát triển”; tác phẩm “Nhịp điệu vùng cao” đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2016 và một số giải thưởng khác. Vừa qua, tác phẩm “Tĩnh lặng” và tác phẩm “Bản sắc vùng cao” của thầy đều đoạt giải B cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” 1972 - 2022.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, thầy Hùng cho biết: “Hiện tại tôi đang tập trung sáng tác tác phẩm điêu khắc tham dự giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc được tổ chức vào tháng 8 năm nay với đề tài về bản sắc văn hóa vùng cao. Tôi cũng đang ấp ủ dự định sẽ phối hợp với một số người bạn mở các cuộc triển lãm quy mô nhỏ tại địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hóa Vân Kiều và Pa Kô. Đồng thời, tôi cũng sẽ nghiên cứu để lồng ghép giới thiệu các tác phẩm này cho học sinh địa phương để các em hiểu hơn, thêm yêu quý và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thầy mẫu giáo mến thương ở A Ngo

Hiếu Giang |

Là giáo viên nam hiếm hoi hiện đang giảng dạy bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thầy giáo Hoàng Đình Lộc, 26 tuổi, Trường Mầm non A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông) với tình yêu nghề, mến trẻ, đang ngày ngày dành tâm huyết nuôi dạy con em của bản làng.

Người thầy ươm mầm những ước mơ xanh

Sỹ Phùng - Văn Đức |

Với sự tận tâm, nỗ lực hết mình, thầy giáo Hoàng Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã có nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục. Thầy trở thành người truyền cảm hứng theo đuổi “giấc mơ con chữ” cho nhiều thế hệ học trò ở huyện miền núi nghèo.

Thầy ơi…

Minh Đức |

Cách đây ngót 30 năm, tôi học lớp 2 trường làng thì chú Hải lúc đó là bộ đội phục viên. 

‘Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi’

Nguyễn Đức |

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để các em nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt..."