Thầy ơi…

Minh Đức |

Cách đây ngót 30 năm, tôi học lớp 2 trường làng thì chú Hải lúc đó là bộ đội phục viên. 

Nhìn đám trẻ con đứa quần thủng đít, đứa áo vá vai nhuốm màu đất, chỉ biết đuổi bắt nhau quanh ao làng, lại thi thoảng gây sự nhau u đầu mẻ trán, chú quyết định mở một “lớp học”. Tôi nghe mấy anh lớn hơn bảo, “sắp được chú Hải dạy múa quyền như Lý Tiểu Long…”. Hằng ngày đi học qua nhà cụ Tư - mẹ của chú, tôi luôn lén nhìn xem. Hôm thì thấy cái sân đã được đổ cát lên rồi rải gần xong. Hôm thì thấy chú đang loay hoay với mớ vải vụn… Tôi về nhà nhờ ba xin cho được đi “học múa quyền” như lời mấy anh nói. Ba tôi cười, bảo con nhỏ lắm chú không dạy đâu. Mà đúng vậy, ngày lớp tập trung, tôi thấy tầm 8-10 anh lớp 5 xếp hàng trước cái sân nhỏ nền cát, đi chân đất, nhưng mặt ai nấy háo hức lắm. Biết chú chỉ dạy các anh lớn, tôi buồn bỏ cả ăn. Thế nhưng, không hiểu vì đam mê được học cái mới hay đơn giản thích được ra oai với các bạn cùng lớp rằng tao biết võ mà tôi vẫn lén lút nhìn mỗi khi qua nhà chú.

Hôm ấy như thường lệ, tôi đi học và lại lén nhìn. Nép vào hàng râm bụt trước ngõ rồi thò đầu vào xem, đến mức tôi thuộc cả tiếng hô “nghiêm, nghỉ, trung bình tấn…”. Tôi nghe loáng thoáng các anh bảo chưa thuộc quyền, rồi tiếng chú Hải nói đây là lúc quan trọng để các em thể hiện bản thân. Tôi cố rướn đầu qua bụi cây, thấy lần lượt từng anh bước ra khỏi hàng lên trước mặt chú múa quyền, rồi đấm, đá… Có người được chú buộc một sợi dây vào ngang lưng, có người không. Mãi nhìn, tôi chẳng nhớ gì đến “nhiệm vụ” chính là phải cuốc bộ thêm 5 km nữa mới đến trường. Tôi bỏ cái cặp xuống đất cứ thế đứng ngẩn ra nhìn, khi thích chí còn quơ tay múa chân. Tôi nhắm tít mắt tưởng tượng mình đang đứng trước mặt chú mà múa. Bỗng tiếng nói to bên tai làm tôi giật thót: “Con nhà ai đứng nhắm mắt cười đây?”. Ôi chú Hải, tôi cuống cuồng xách cặp chui ra khỏi bụi cây. “Dạ, cháu…”. Chưa nói xong câu thì chú đã ngắt, tới xoa đầu tôi nói: “Vào đây, chú thấy được niềm đam mê và thích thú trong ánh mắt cháu, dù chỉ là trộm nhìn khi đi qua. Chú nhận cháu làm môn sinh nhỏ tuổi nhất, nhưng cái tội bỏ học thì vẫn phải báo với ba mẹ để phạt nhé!” . Tôi dạ thật to, dường như không có gì diễn tả hết được nỗi hân hoan và vui sướng đó.

 

Từ ngày được học cùng các anh, tôi khoái chí lắm. Cũng dăm ba bận rách toạc cả cái quần mẹ may riêng cho đi học võ. Cũng trên vài chục lần khóc vì chân không thể nào ép thẳng ra được. Tôi bé hơn nên nhiều lần các anh đá cát bay cả vào mắt, chú Hải cười: “Cố gắng lên, rồi sẽ lớn như họ thôi”. Lớn một chút, chú ra nguyên tắc tôi phải chăm học văn hoá rồi mới được đến lớp của chú học võ. Trong căn nhà chẳng có gì đáng giá của chú, ngoài cây đàn và vài bộ quần áo lính thì chỉ toàn những chiếc đai “tự chế” do chú gom vải vụn rồi nhờ cụ Tư may để làm đai cho chúng tôi. Cái “võ đường” đơn sơ là thế nhưng anh em chúng tôi vẫn có ngày thi “lên đai”, đổi màu đai, phân cao thấp. Tất cả đều do chú Hải tổ chức. Thứ võ thuật chúng tôi học là môn võ tổng hoà những cái chú biết, truyền lại cho. Một chút võ của lính đặc công, một chút Vovinam và còn kết hợp thêm Thiếu Lâm Tự. Cái cốt yếu, chú muốn anh em chúng tôi rèn được sức khỏe, ý chí, biết tự vệ và xa hơn là giúp đời, giúp người.

Hồi đó, mỗi lần đi học sớm tôi lại thấy chú ngồi đánh đàn trên chiếc võng, trông hiền và lãng tử như chưa dạy đánh đấm cho ai bao giờ. Chú Hải nói với tôi, người học võ mà có được một tâm hồn nghệ sĩ thì đòn tung ra sẽ điêu luyện và nhân bản hơn. Chính chú là người dạy tôi các âm sắc đầu tiên trên chiếc đàn guitar, cũng là người khơi dậy trong tôi niềm đam mê âm nhạc. Cụ Tư hay bảo chú: “Khoai không có mà ăn, cứ ngồi nghêu ngao có no được không hở con”. Chú chỉ cười. Khó là thế, vậy mà chú không bao giờ lấy tiền công dạy võ. Có người xấu miệng bảo chú vẽ đường cho tụi trẻ con đánh nhau chứ hay ho gì. Nhưng với một người điềm tĩnh như chú, bao nhiêu tiếng xấu cũng như gió thoảng qua tai…

Tuổi thơ trôi qua như chớp mắt, xong cấp 3 tôi thi đỗ đại học, đúng như lời hứa với chú. Ngày chia tay đi học, chú dặn tôi rằng hãy nhớ “văn không võ, văn thành nhu nhược; võ không văn, võ hóa bạo tàn”. Đi học nhưng cứ mỗi lần về tôi ghé nhà chú chuyện trò tới khuya. Có lần chú bảo lớn tuổi rồi, cái chân đau từ chiến trường giờ tái phát. Lần gặp hồi năm cuối đại học, tôi nhìn rõ vẻ mệt mỏi trên gương mặt chú, chỉ trừ đôi mắt vẫn rất tinh anh. Tôi tốt nghiệp, về quê tính qua nhà thì nghe mẹ kể sau khi cụ Tư mất, chú khăn gói bảo đi ra Bắc thăm bạn bè, thăm chiến trường xưa rồi bặt vô âm tín. Nhiều học trò cũ tìm và liên lạc nhưng không được. Tôi lặng người. Cả một đời dạy dỗ biết bao người, làm việc tốt cho đời, giờ đời mình chú nỡ bỏ ngỏ vậy sao? Tôi nhận ra rằng những tháng năm được học chú tôi chưa bao giờ gọi chú một tiếng “thầy”. Phần vì quen gọi chú, phần vì lúc đó tôi cứ nghĩ chỉ ai đứng trên bục giảng cầm phấn mới được gọi là thầy, là cô.

Giờ đây, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, qua không biết bao nhiêu lớp học, có thêm rất nhiều người thầy. Nhưng người thầy đặc biệt nhất, người mà tôi luôn đau đáu một niềm thương vô hạn chính là chú Hải. Tin chắc rằng ở nơi xa xôi nào đó chú vẫn sẽ sống một cuộc đời tự do tự tại, lãng du như cánh chim trời. Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước được gặp lại và gọi chú một tiếng: Thầy ơi!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

‘Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi’

Nguyễn Đức |

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để các em nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt..."

Chia sẻ cùng thầy cô - Tôn vinh những hy sinh thầm lặng

Nhật Nam |

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay tập trung tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch COVID-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Nguyễn Hồ Tây Phương - Người thầy đặc biệt

Nguyễn Trang |

Giáo viên mầm non là công việc của nữ giới, điều đó không có quy định nhưng gần như là mặc định. 

Người thầy tình nguyện ở lại các điểm trường khó khăn

Nam Phương |

Trong chuyến công tác gần đây tại xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị), chúng tôi xúc động khi nghe thầy Nguyễn Hoài Phương (sinh năm 1979), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) A Vao tâm sự: “Nếu chúng tôi không xung phong lên dạy tại các điểm trường lẻ, những đứa trẻ tội nghiệp nơi miền biên giới này sẽ mãi không biết đến con chữ”. Có lẽ vì lý do đó mà suốt mười mấy năm qua, dù có cơ hội thuyên chuyển công tác nhưng thầy vẫn tình nguyện ở lại, nỗ lực bám bản, bám lớp để giúp học sinh vùng cao có một tương lai tươi sáng hơn.