Người thầy tình nguyện ở lại các điểm trường khó khăn

Nam Phương |

Trong chuyến công tác gần đây tại xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị), chúng tôi xúc động khi nghe thầy Nguyễn Hoài Phương (sinh năm 1979), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) A Vao tâm sự: “Nếu chúng tôi không xung phong lên dạy tại các điểm trường lẻ, những đứa trẻ tội nghiệp nơi miền biên giới này sẽ mãi không biết đến con chữ”. Có lẽ vì lý do đó mà suốt mười mấy năm qua, dù có cơ hội thuyên chuyển công tác nhưng thầy vẫn tình nguyện ở lại, nỗ lực bám bản, bám lớp để giúp học sinh vùng cao có một tương lai tươi sáng hơn.

Con đường lên điểm trường Pa Ling 1 những ngày mưa gió vô cùng lầy lội, khó đi, đặc biệt là sau nhiều trận mưa lũ liên tiếp trong 2 năm trở lại đây. Từ điểm trường chính, thầy Phương cùng đồng nghiệp phải tiếp tục leo bộ trên những con dốc cao cheo leo thêm chừng 4, 5 giờ đồng hồ nữa mới có thể đến được điểm trường dạy học. Vất vả, gian nan là thế nhưng mười mấy năm trời, thầy vẫn kiên trì bám bản, nỗ lực từng ngày vì người dân và những em học sinh nơi thâm sơn cùng cốc này. Năm 2007, thầy Phương được phân công công tác tại địa bàn xã A Vao, một trong những địa phương khó khăn nhất huyện miền núi Đakrông. Dù đã có kinh nghiệm dạy học vài năm ở các trường miền xuôi nhưng khi đặt chân đến điểm trường Pa Ling 1 ngày ấy, người giáo viên trẻ quê ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh vẫn không khỏi cảm thấy hụt hẫng, bất ngờ.

Đã 14 năm cắm bản nhưng thầy Phương vẫn tự nguyện ở lại điểm trường khó khăn để dạy học - Ảnh: T.P
Đã 14 năm cắm bản nhưng thầy Phương vẫn tự nguyện ở lại điểm trường khó khăn để dạy học - Ảnh: T.P

“Cuộc sống khi ấy thực sự rất khó khăn. Lớp học thô sơ được dựng lên bằng tranh tre, vách đất. Học sinh mỗi lớp chỉ từ 3 – 5 em. Người dân nơi đây cũng vì quá khổ nên chỉ nghĩ cách làm sao cho no bụng chứ không cần cho con em đến trường. Đối với họ, lên rẫy thiết thực hơn đến trường, vì lên rẫy là có cái ăn, còn đến trường thì chỉ… tốn thêm tiền mua sách vở”, thầy Phương nhớ về những ngày đầu mới đặt chân đến A Vao. Thầy cũng cho biết thêm, đường đi lối lại ngày ấy vô cùng gian nan, cách trở. Hành trang đến trường của các thầy, cô giáo ngoài sách vở, áo quần, còn có 10 kg gạo cõng trên vai bởi xác định phải ở lại bản dài ngày. Dọc đường sên, vắt nhiều vô kể. Lần nào vào đến trường, người cũng ướt đẫm mồ hôi. Thời điểm đó điện chưa về bản nên tối nào trong căn nhà tạm ghép bằng tre, nứa được người dân thương tình dựng cho, các thầy cô cũng phải chong đèn soạn giáo án, chuẩn bị bài dạy cho buổi học tiếp theo. Vất vả là thế nhưng thầy Phương chỉ cười hiền lành chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời đi bởi càng tiếp xúc với học sinh vùng cao, tôi càng thấy gắn bó và yêu thương các em. Niềm vui lớn nhất của tôi là mỗi ngày đến lớp thấy các em có mặt đầy đủ, không em nào phải nghỉ học đi rẫy. Đặc biệt là ngày càng có nhiều học sinh người Vân Kiều, Pa Kô tiếp tục học lên THPT, rồi vào đại học, tầm mắt các em phải nhìn xa hơn ngọn núi, rừng cây trước nhà”.

Để giúp học sinh đến trường đầy đủ, đều đặn vào mỗi sáng sớm, thầy Phương lại cùng các già làng, trưởng bản lội suối, vượt núi đến từng nhà, ra tận ruộng, nương gặp gỡ và thuyết phục gia đình để các em được đi học. Không phụ lòng thầy cô, các em học sinh nơi đây rất ham học và nhận thức khá rõ ràng về việc học chữ đối với tương lai của mình. Nhờ thế mà đến nay, tỉ lệ trẻ đến trường tại thôn Pa Ling nói chung và toàn xã A Vao nói riêng đạt trên 90%. Em Hồ Tiêu Cương, học sinh lớp 9B Trường PTDTBT TH&THCS A Vao cho hay, nếu không có sự động viên của thầy Phương, có lẽ em đã không thể đến trường như bây giờ.

“Gia đình em rất khó khăn lại đông anh em. Trước đây, em thường xuyên nghỉ học để giúp bố mẹ trông em và làm việc nhà. Nhưng thầy Phương đã nhiều lần về tận nhà thuyết phục bố mẹ cho em đi học. Em thực sự rất biết ơn thầy”, Tiêu Cương tâm sự. Không chỉ động viên phụ huynh, học sinh mà thầy Phương còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ đã từng công tác tại vùng khó của xã A Vao. Thầy vẫn luôn nói với các đồng nghiệp rằng: “Chúng ta chưa phải là người khổ nhất. Nếu chúng ta bỏ cuộc, người dân nơi đây mới là người khổ nhất. Họ sẽ bị sự nghèo đói, thất học bám riết suốt cuộc đời”. Chính vì thế mà suốt nhiều năm liền, dù có cơ hội thuyên chuyển công tác ra các điểm trường thuận lợi hơn, thầy Phương vẫn tình nguyện ở lại điểm trường khó khăn nhất xã này để giúp đỡ học sinh.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn song những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân hảo tâm mà đời sống của người dân xã A Vao đã phần nào được cải thiện. Giáo dục miền núi cũng vì thế mà được quan tâm nhiều hơn. Điểm trường Pa Ling 1, nơi thầy Phương đang công tác từ năm 2011 đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Hiện điểm trường có 5 giáo viên với gần 70 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Pa Ling bây giờ như là ngôi nhà thứ 2 của thầy Phương. Người dân nơi đây cũng xem thầy như con em của bản. Hái được mớ rau tươi hay có được ít trứng gà đều mang đến cho thầy cô. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô tại điểm trường còn tranh thủ tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống dù thiếu thốn nhiều thứ nhưng chưa bao giờ thiếu tình yêu thương, niềm vui và những tiếng cười. “Tôi chẳng có mong muốn gì khác ngoài hy vọng học trò vùng khó sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để có điều kiện học tập tốt hơn”, thầy Phương nói. Người thầy 14 năm cắm bản trả lời nhẹ tênh như vậy khi chúng tôi hỏi ước mơ của thầy bây giờ. Ngay cả ước mơ thầy cũng không dành cho mình…

Nhận xét về thầy giáo Nguyễn Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS A Vao Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Thầy Phương là một giáo viên được đào tạo bài bản, có chuyên môn giỏi, luôn có ý thức tự học và tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Gần 15 năm công tác tại trường, tất cả các bản làng của xã A Vao đều có dấu chân của thầy, mỗi người dân A Vao đều quý mến thầy. Những cống hiến đó đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của giáo dục xã A Vao”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thủ tướng: Đội ngũ thầy thuốc trong cả nước đã tích cực vào cuộc với trái tim nhân ái

Tây Long |

Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống COVID-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Hoàng Nam tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

Từ một thầy giáo làng đến cương vị nguyên thủ quốc gia Peru

PV |

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng núi thuộc tỉnh miền Bắc Cajamarca, ông Pedro Castillo từng có hơn 20 năm dạy học tại một trường cấp 1 ở quê nhà, nơi chỉ có khoảng 400 người sinh sống.

Chuyện về thầy giáo Hiển

Trần Tuyền |

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê hiếu học làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong(Quảng Trị) nhưng thầy giáo, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiển (sinh năm 1963) lại chọn miền rẻo cao Hướng Hóa để sinh sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Người thầy xứ Nghệ nặng lòng với trẻ em nghèo vùng cao

Lê Trường |

Gần 13 năm gắn bó với huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), thầy giáo Phan Hoàng Bách, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã chứng kiến biết bao câu chuyện buồn vui cũng như những đổi thay ở vùng đất này. Công tác tại Trường THPT Đakrông từ năm 2008, thầy Bách thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn mà học sinh nơi đây phải gánh chịu. Chính vì lẽ đó, thầy luôn canh cánh trong lòng phải làm gì đó để giúp đỡ, hỗ trợ các em vơi bớt nhọc nhằn, chú tâm hơn trong học tập.