Người thầy xứ Nghệ nặng lòng với trẻ em nghèo vùng cao

Lê Trường |

Gần 13 năm gắn bó với huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), thầy giáo Phan Hoàng Bách, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã chứng kiến biết bao câu chuyện buồn vui cũng như những đổi thay ở vùng đất này. Công tác tại Trường THPT Đakrông từ năm 2008, thầy Bách thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn mà học sinh nơi đây phải gánh chịu. Chính vì lẽ đó, thầy luôn canh cánh trong lòng phải làm gì đó để giúp đỡ, hỗ trợ các em vơi bớt nhọc nhằn, chú tâm hơn trong học tập.

Một ngày đầu tháng 6/2021, giữa cái nắng gắt của mùa hè miền Trung, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của vợ chồng thầy giáo Phan Hoàng Bách ở thôn Phú Thành, xã Mò Ó, ngay bên cạnh con sông Đakrông. Cứ vào mỗi dịp nghỉ hè, tầm cuối buổi chiều, trên dòng sông này có rất đông trẻ em đến tắm. Sông thì sâu, nhiều ghềnh đá nguy hiểm, nhưng chỉ vài em có áo phao và không có người lớn đi kèm. Chứng kiến những nguy hiểm rình rập, thầy Bách đã nảy ra ý tưởng chế phao cứu hộ cảnh báo an toàn cho các em tập bơi. Để thực hiện, thầy tìm đến các vựa ve chai trên địa bàn huyện mua lại ít bon nhựa loại 5 lít. Tiếp đó, thầy dùng dây gấc loại lớn buộc các bon nhựa lại, giăng qua đoạn sông mà lũ trẻ hay tắm, rồi một đầu cố định lại bằng cộc sắt ngay trên bờ đầu kia buộc chặt vào mỏm đá ở giữa sông. Mỗi ngày mỗi đoạn, cứ thế thầy Bách giăng các bon nhựa thành một vòng khép kín, tạo ra một “vùng an toàn” trên sông rồi khuyên lũ trẻ vào tắm trong khu vực đó. Nếu em nào không biết bơi có thể tắm ở gần bờ rồi ôm lấy bon nhựa để tập bơi. Lúc tắm, nếu có vấn đề gì thì cứ hướng đến đoạn phao nổi rồi bám lấy. “Đoạn sông này các em học sinh quanh vùng đến tắm rất nhiều mà xung quanh toàn là đá nhô, đáy sông không được bằng phẳng, có chỗ sâu chỗ cạn, nên mỗi lần bơi các em rất khó để định vị được vị trí an toàn. Do đó, khi giăng các dây có buộc bon nhựa làm phao cứu hộ nổi ở những vị trí nước sâu như thế này sẽ giúp các em nhận biết được khu vực nguy hiểm để tránh khi bơi. Đồng thời, phao nổi này cũng giúp các em chưa bơi thành thạo cầm để tập bơi an toàn hơn”, thầy Bách cho biết.

Thầy giáo Phan Hoàng Bách buộc bon nhựa làm dãy phao cảnh báo trên sông Đakrông cho trẻ em tập bơi-Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Thầy giáo Phan Hoàng Bách buộc bon nhựa làm dãy phao cảnh báo trên sông Đakrông cho trẻ em tập bơi-Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Cứ chiều chiều, thầy Phan Hoàng Bách lại ghé xuống đoạn sông xem em nào muốn tập bơi, thầy sẽ nhiệt tình hướng dẫn; nếu đoạn phao nào bị hỏng, thầy sẽ khắc phục. May mắn, đoạn sông mà thầy Bách giăng phao có nhiều đá, thuyền bè không đi ngang qua nên cũng yên tâm cho các em tập bơi ở đây. “Biết tin thầy Bách làm dãy phao cảnh báo ở khu vực này nên bọn em cũng yên tâm và thường ra đây để tập bơi. Với lại, ra đây được thầy hướng dẫn cụ thể cách bơi nên bọn em rất vui”, em Nguyễn Văn Hữu, ở thôn Phú Thành, xã Mò Ó chia sẻ.

Ý tưởng căng dây gấc kẹp bon nhựa làm phao nổi cảnh báo nguy hiểm cho các em hoàn cảnh khó khăn có nơi học bơi trong dịp hè là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Mong muốn của thầy giáo Phan Hoàng Bách cũng như học sinh, phụ huynh ở những vùng quê là làm sao có được những điểm vui chơi, giải trí và học kỹ năng an toàn cho các em vào mỗi dịp nghỉ hè.

Không chỉ thiếu thốn điểm vui chơi, giải trí, nhiều trẻ em ở vùng cao Đakrông, Hướng Hóa còn thiếu sách vở, áo quần đến cả miếng ăn hằng ngày. Đồng cảm và thấu hiểu, thầy Bách đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với các em, để những chương trình từ thiện “ATM gạo cho trẻ vùng khó’’ xuất hiện lần đầu tiên ở Quảng Trị năm 2020; “Sách cũ đổi sách mới”; “Áo ấm mùa đông cho trẻ nghèo” hay “Bảo trợ sữa cho trẻ em mồ côi”… sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ các cá nhân hảo tâm, để thầy Bách có thêm động lực chung tay với cộng đồng nâng bước các em trên con đường đến trường mỗi ngày.

Hoàng hôn dần buông xuống phía sau dãy núi, lũ trẻ theo tiếng còi của thầy Bách cũng tự giác lên bờ trở về nhà. Chúng tôi cầu chúc cho thầy Bách và trẻ em ở xã Mò Ó nói riêng, trẻ em nghèo nói chung sẽ sớm có những địa điểm vui chơi, học tập an toàn, đầy đủ hơn; mong cho người thầy xứ Nghệ luôn nặng lòng với trẻ em ở vùng cao Quảng Trị hoàn thành những tâm nguyện của mình trong thời gian không xa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phòng COVID-19, thầy cô “gõ cửa” từng nhà phát thưởng cuối năm cho học sinh

N.M |

Tổng kết năm học 2020-2021, để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch COVID-19, các thầy cô Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) đã đến “gõ cửa” từng nhà để phát thưởng cho các em.

Xúc động với lá thư của thầy hiệu trường gửi 61 thầy cô, học sinh cách ly tập trung

Thanh Mai |

Lá thư đã làm lay động trái tim nhiều học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh trong tình huống khó khăn.

Hoa gạo bung nở đỏ rực rỡ bên góc sân chùa Thầy

PV |

Những ngày tháng Ba, về dưới chân núi Sài Sơn (Hà Nội) sẽ thấy hoa gạo nở đỏ rực cả khoảng trời. Nơi đây trở thành điểm đến được phái đẹp tìm về ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng hoa và áo dài.

Bắt tạm giam thầy giáo giao cấu với nữ sinh lớp 9

Nguyên Anh |

Được giao phụ trách bồi dưỡng cho học sinh giỏi, một thầy giáo ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã nảy sinh tình cảm với một nữ sinh lớp 9 (sinh năm 2005) do mình trực tiếp giảng dạy, và nhiều lần giao cấu với nữ sinh này. Sau đó người thầy từ chối trách nhiệm dẫn đến hậu quả nữ sinh này tự tử.