Chuyện về thầy giáo Hiển

Trần Tuyền |

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê hiếu học làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong(Quảng Trị) nhưng thầy giáo, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiển (sinh năm 1963) lại chọn miền rẻo cao Hướng Hóa để sinh sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Rất nhiều lần lên với các bản làng vùng cao dọc biên giới huyện Hướng Hóa để viết bài về lĩnh vực giáo dục hoặc tham gia các chuyến thiện nguyện, hỗ trợ giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn nơi đây, chúng tôi luôn được thầy Nguyễn Ngọc Hiển, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa hỗ trợ, đồng hành, kể cả những nơi xa xôi nhất. Ít ai biết rằng thầy Hiển từng là người lính tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận.

“Thuở ấy, mặc dù chiến tranh giặc giã nhưng tôi vẫn nỗ lực học tập và tốt nghiệp cấp 3, Trường Cấp 3a Triệu Hải (nay là Trường THPT thị xã Quảng Trị) vào năm 1982. Sau đó, tôi thi đỗ vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 1986, tôi ra trường và… nhập ngũ. Những năm đầu, tôi huấn luyện và công tác tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Đến tháng 2/1988 thì tăng cường cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 rồi sau đó tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho đến ngày ra quân năm 1989”, thầy Hiển nhớ lại.

Thầy Hiển (ngoài cùng, bên phải) trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: NVCC
Thầy Hiển (ngoài cùng, bên phải) trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: NVCC

Tháng 12/1989, thầy Hiển được ngành giáo dục điều động dạy môn Lịch sử tại Trường Phổ thông cơ sở Tân Liên, huyện Hướng Hóa. Từ năm 1993 đến nay, thầy công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa. Những ai đã từng tiếp xúc với thầy Hiển, hẳn sẽ có cảm nhận được sự nhiệt thành, cởi mở và yêu đời của thầy. Không chỉ cần mẫn, chuyên cần với công việc văn phòng, thầy Hiển còn “nặng nợ” với sự học vùng khó. Các giáo viên và học sinh trên địa bàn đã quen với hình ảnh thầy Hiển mang ba lô, miệng luôn tươi cười, không nề hà khó khăn, vất vả để đến thăm những trường học vùng sâu, vùng xa. “Sinh ra trong gia đình nghèo nên từ nhỏ, tôi đã biết như thế nào là cực khổ, từng đi học đầu trần, chân đất, mặc áo vá, ăn sắn khoai. Khi chọn Hướng Hóa là quê hương thứ hai, với đặc thù nghề giáo nên tôi có dịp đi nhiều, biết nhiều và thấu rõ hoàn cảnh của thầy, cô giáo miền cao “Mở mắt thấy núi đồi, mở nồi thấy muối”. Rồi mùa đông đến, từng cơn gió lạnh lẽo làm khô nứt da thịt học trò. Từ tình yêu thương học sinh và kính phục những thầy, cô giáo hiến trọn tuổi thanh xuân cho học trò vùng cao đã hối thúc tôi đi về phía núi, hướng đến những trường học vùng khó còn nhiều thiếu thốn”, thầy Hiển bộc bạch.

Những năm gần đây, thầy Hiển thường xuyên kêu gọi, vận động, kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, từ những món quà nhỏ như sách vở, áo quần, bánh kẹo đến các công trình phục vụ sinh hoạt, dạy học cho giáo viên và học sinh. Trong đó, phải kể đến 3 công trình giếng khoan cung cấp nước sạch cho giáo viên và học sinh xã Xy, xã Thuận được thầy và các nhà hảo tâm xây dựng. Ngoài ra, thầy còn kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Trong nhiều chuyến công tác đến với những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, kỷ niệm nào khiến thầy nhớ nhất- tôi hỏi. “Không biết đã có bao nhiêu chuyến công tác đến với những trường vùng sâu, vùng xa, và cũng không nhớ hết những kỷ niệm về sự kiên gan bám bản, bám dân, bám học sinh của các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên, đó là lần tôi suýt bị nước cuốn trôi ở bản Tà Lao (xã Tà Long, huyện Hướng Hóa cũ) vào năm 1996. Lần ấy, vì cứu tôi mà người bạn đồng hành bị mất luôn cái quần dài”, thầy Hiển cho biết.

Ngành giáo dục huyện miền núi Hướng Hóa nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Vậy, thầy mong muốn điều gì đối với nền giáo dục của huyện nhà trong thời gian tới? “Tôi chỉ mong các ngành, các cấp quan tâm đầu tư nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Đặc biệt là có chế độ đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm để góp phần hỗ trợ những trường học trên địa bàn huyện có điều kiện tốt hơn trong công tác dạy và học; giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”, thầy Hiển chia sẻ cùng tôi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tin mới vụ thầy giáo tử vong trong nhà nghỉ

Thu Thủy |

Liên quan tới việc một thầy giáo tử vong trong nhà nghỉ cùng phụ nữ, chủ nhà nghỉ cho biết lúc đến thầy giáo sức khỏe vẫn bình thường.

Người thầy xứ Nghệ nặng lòng với trẻ em nghèo vùng cao

Lê Trường |

Gần 13 năm gắn bó với huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), thầy giáo Phan Hoàng Bách, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã chứng kiến biết bao câu chuyện buồn vui cũng như những đổi thay ở vùng đất này. Công tác tại Trường THPT Đakrông từ năm 2008, thầy Bách thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn mà học sinh nơi đây phải gánh chịu. Chính vì lẽ đó, thầy luôn canh cánh trong lòng phải làm gì đó để giúp đỡ, hỗ trợ các em vơi bớt nhọc nhằn, chú tâm hơn trong học tập.

Phòng COVID-19, thầy cô “gõ cửa” từng nhà phát thưởng cuối năm cho học sinh

N.M |

Tổng kết năm học 2020-2021, để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch COVID-19, các thầy cô Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) đã đến “gõ cửa” từng nhà để phát thưởng cho các em.

Xúc động với lá thư của thầy hiệu trường gửi 61 thầy cô, học sinh cách ly tập trung

Thanh Mai |

Lá thư đã làm lay động trái tim nhiều học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh trong tình huống khó khăn.