Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng núi thuộc tỉnh miền Bắc Cajamarca, ông Pedro Castillo từng có hơn 20 năm dạy học tại một trường cấp 1 ở quê nhà, nơi chỉ có khoảng 400 người sinh sống.
Chiến thắng sít sao với cách biệt 44.000 phiếu trước ứng cử viên Keiko Fujimori trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai đã chính thức đưa đại diện của đảng cánh tả Peru Tự do (Peru Libre) Pedro Castillo trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Peru.
Việc nhân vật xuất thân là một thầy giáo có nguồn gốc thổ dân này đắc cử được coi là kết quả bất ngờ nhất trên chính trường Peru kể từ khi nền dân chủ được tái lập tại đất nước Nam Mỹ hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với đó là hàng loạt những thách thức đang chờ đợi nhà lãnh đạo cánh tả mà dư luận cho rằng chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm chính trường.
Đặc biệt, ông Pedro Castillo nhậm chức ngày 28/7 trong bối cảnh đại bệnh COVID-19 đang gây tác động lớn tới nền kinh tế và đời sống của người dân quốc gia Nam Mỹ này.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng núi thuộc tỉnh miền Bắc Cajamarca, ông Castillo từng có hơn 20 năm dạy học tại một trường cấp 1 ở quê nhà, nơi chỉ có khoảng 400 người sinh sống.
Ông bắt đầu được biết đến khi lãnh đạo nghiệp đoàn các nhà giáo ở Cajamarca trong một cuộc đình công kéo dài hơn 2 tháng vào năm 2017 trước khi trở thành Tổng Thư ký của Liên đoàn Quốc gia những người lao động ngành giáo dục Peru (FENATEP).
Mặc dù vậy, người thầy giáo cấp 1 này chỉ thực sự được dư luận chú ý vào đầu năm 2021 khi ông chính thức tham gia đảng Peru Tự do cùng với một số người bạn trong nhóm chính trị đang có ý tưởng thành lập một “đảng của các nhà giáo” để hướng tới cuộc bầu cử tổng thống.
Báo chí Peru ban đầu không mấy quan tâm đến ứng cử viên “vô danh” này, thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng người sáng giá nhất trong các đảng chính trị cánh tả có khả năng đi tiếp vào vòng hai để cạnh tranh với bà Fujimori chỉ có thể là đại diện của đảng Peru mới (Nuevo Peru) Veronika Mendoza, một ứng cử viên tên tuổi nhiều lần ra ứng cử tổng thống trong các kỳ bầu cử trước đây.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, ông Castillo đã tạo được tiếng vang trên chính trường Peru khi nhanh chóng kết nối được với những tầng lớp xã hội vốn bị “lãng quên” trong chương trình nghị sự chính trị quốc gia như người thổ dân, người da màu và người nghèo khổ chiếm đa số tại quốc gia Nam Mỹ này.
Với những ngôn từ giản dị, gần gũi nhưng hết sức thực tế, ông đã đưa ra những cam kết về một tương lai phát triển bao trùm tới mọi người dân Peru, tạo được sự ủng hộ lớn trong một xã hội có sự phân rẽ giữa tầng lớp người nghèo và người giàu hàng đầu khu vực.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, ông Castillo đã tạo ra bất ngờ lớn về sự xuất hiện của tầng lớp bình dân trên bản đồ chính trị Peru vốn chỉ giới hạn cho các chính trị gia truyền thống ở Lima.
Ông tiến thẳng tới vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước với thời gian xuất hiện trên chính trường ngắn kỷ lục đại diện cho một đảng chính trị có nguồn gốc bình dân. Dường như trọng tâm chính trị Peru bắt đầu chuyển đổi từ các cung điện tới những vùng quê dân dã.
Những cam kết ông Castillo trong quá trình vận động tranh cử cũng như những phát biểu đầu tiên sau khi giành chiến thắng luôn tập trung vào những định hướng xử lý các vấn đề trong nước, đặc biệt là nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo cánh tả này luôn cho rằng một đất nước giàu tài nguyên như Peru nhưng số người nghèo luôn ở mức cao là điều không thể chấp nhận được.
Ông Castillo từng nhiều lần nhấn mạnh: “Một đất nước mà cứ 10 người thì có 3 người sống trong cảnh nghèo đói và hơn 70% người làm việc trong thị trường lao động phi chính thức," mặc dù thực tế nền kinh tế của nước này được coi là "phép màu kinh tế" do tốc độ phát triển nhanh chóng trong hai thập niên qua, thì cần phải có những sự thay đổi về cơ chế điều hành và phương thức phân phối tài sản một cách công bằng hơn.
Tân Tổng thống Peru cũng đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới với tên gọi “Kinh tế thị trường bình dân,” theo đó các doanh nghiệp tư nhân vẫn hoạt động tự do nhưng cần phải có yếu tố điều tiết lớn hơn từ phía nhà nước.
Ông Pedro Francke, cố vấn kinh tế của tân tổng thống và nhiều khả năng sẽ được đề cử giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ mới, cho biết ông Castillo sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy một nền kinh tế mở nhưng chú trọng nhiều hơn tới những tác động xã hội.
Chính phủ sẽ xem xét tăng thuế khoáng sản và đấu tranh kiên quyết với tình trạng trốn thuế, sử dụng nguồn tài chính từ các quỹ tái phân phối của cải để tăng đầu tư vào các lĩnh vực y tế và giáo dục, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ ở thành phố và nông thôn. Đây chính là sự khác biệt so với các chính phủ tiền nhiệm mà ông Castillo mong muốn hướng tới.
Về chính sách đối ngoại, tân Tổng thống Castillo khẳng định sẽ thiết lập các chiến lược đảm bảo quyền tự chủ của Peru trong việc phối hợp và hợp tác chung với các quốc gia khác trong khu vực.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng nhà nước Peru phải góp phần đảm bảo khu vực Mỹ Latinh được củng cố như một lãnh thổ hòa bình, không có sự can thiệp của nước ngoài và có bản sắc riêng.
Ông cũng cho rằng cần phải chú trọng mở rộng hội nhập và hợp tác với thế giới vì lợi ích quốc gia cũng như ưu tiên nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác.
Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia nhận định chính quyền của ông Castillo sẽ xem xét giải thể Nhóm Lima, một cơ chế được chính phủ tiền nhiệm thành lập với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực để giải quyết vấn đề Venezuela nhưng luôn bị chỉ trích là thực hiện theo những chỉ đạo từ Mỹ.
Tổng thống Castillo tuyên bố sẽ đề cử các nhà kỹ trị kết hợp với các chính trị gia thuộc các liên minh giúp ông thắng cử tham gia vào nội các đầu tiên của mình để minh chứng cho khát vọng hàn gắn những chia rẽ sâu sắc sau các cuộc bầu cử căng thẳng vừa qua.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới quan sát, tân Tổng thống Peru sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để triển khai những chính sách của mình khi không có được quyền kiểm soát tại quốc hội. Hiện đảng Peru Libre chỉ có 37 trong tổng số 130 ghế tại cơ quan lập pháp và họ sẽ phải thương lượng với các đảng phái khác để thiết lập một liên minh nếu muốn thông qua những luật mới do chính phủ đề xuất.
Cùng với đó là sự đối đầu của đảng Sức mạnh Nhân dân (Fuerza Popular) do bà Keiko Fujimori lãnh đạo, đặc biệt khi chính trị gia này chỉ thua sít sao trong cuộc bầu cử vừa qua và vẫn chưa chấm dứt những cáo buộc về gian lận bầu cử. Trên thực tế, nền chính trị Peru luôn có sự biến động khó lường.
Quốc gia Nam Mỹ này từng trải qua thời kỳ khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử vào cuối năm ngoái khi phải thay tới 3 nguyên thủ quốc gia chỉ trong vòng một tuần, bắt nguồn từ sự đối đầu căng thẳng giữa hai cơ quan hành pháp và lập pháp.
Rõ ràng chiến thắng của thầy giáo Castillo đã tạo tiếng vang lớn trên chính trường Peru, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho những năm tháng điều hành đất nước được dự báo vô cùng khó khăn và thách thức. Dư luận đang chờ đợi những dấu ấn mới của nhà lãnh đạo cánh tả này không chỉ đối với đất nước Peru mà cả với phong trào tiến bộ ở khu vực trong những năm tới đây.
(Nguồn: TTXVN)