Thầy mẫu giáo mến thương ở A Ngo

Hiếu Giang |

Là giáo viên nam hiếm hoi hiện đang giảng dạy bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thầy giáo Hoàng Đình Lộc, 26 tuổi, Trường Mầm non A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông) với tình yêu nghề, mến trẻ, đang ngày ngày dành tâm huyết nuôi dạy con em của bản làng.


Tốt nghiệp ngành học giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Huế, sau một thời gian làm việc ở TP. Đà Nẵng thì năm 2019 thầy Lộc thi đỗ và được biên chế về Trường Mầm non A Ngo. Nói về cơ duyên khiến mình lựa chọn học ngành giáo dục mầm non, theo thầy Lộc tâm sự thì đó xuất phát từ sự yêu mến trẻ con. Lộc bảo ban đầu đi học đại học, nhiều người hỏi học ngành gì thì anh đều lảng tránh bảo là học ngành giáo dục tiểu học cho đỡ ngượng.

“Hồi đầu mình cũng ngại lắm chứ, bởi định kiến việc là thầy giáo mà học mầm non, dạy mầm non cũng kỳ lắm. Ngay sau đó mình cố gắng vượt qua định kiến đó. Mình thường xuyên tham gia văn nghệ, hát múa, giao tiếp với các em mầm non rồi trải qua mấy kỳ kiến tập, thực tập làm quen với môi trường mầm non… thì thật sự không còn e ngại vấn đề thầy giáo dạy trẻ nữa. Mình đã tự tin và vượt qua tất cả rào cản để phấn đấu theo nghề”, thầy Lộc chia sẻ.

Thầy giáo trẻ Hoàng Đình Lộc trong giờ lên lớp ở Trường Mầm non A Ngo, xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: H.G
Thầy giáo trẻ Hoàng Đình Lộc trong giờ lên lớp ở Trường Mầm non A Ngo, xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: H.G

Chính thức bước vào nghề, thầy Lộc nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng của những giáo viên đi trước và tập làm quen với trẻ để có thể hoàn thành tốt công việc của mình.

“Ban đầu các cháu nhỏ thấy thầy giáo thì sợ sệt lắm vì thấy lạ. Nhưng dần dần, mình cố gắng gần gũi trò chuyện, thân thiện và thể hiện những tài lẻ, bày các trò chơi thu hút các em khiến các em cảm thấy an toàn và cởi mở giao tiếp. Đến nay thì các em đã quen và mến mình lắm rồi, việc giảng dạy cũng thuận lợi hơn vì nhận được sự tin tưởng các em, phụ huynh cùng sự khích lệ của tập thể nhà trường”, thầy Lộc bộc bạch.

Việc nuôi dạy trẻ vốn đã khó khăn, áp lực đối với các cô giáo thì với thầy Lộc lại càng gian nan hơn nhiều, khi công việc này đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Nhưng bằng tình yêu nghề, mến trẻ một cách nghiêm túc, thầy Lộc đã dành tâm huyết lặng lẽ ngày ngày chăm sóc, dạy dỗ những trẻ mầm non nơi vùng cao còn lắm gian nan này nên người. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đến bây giờ thầy Lộc đã có thể tự làm thành thạo các loại đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ, tết tóc cho các cháu nữ, vệ sinh các cháu nam...

“Điều khó khăn nhất đối với giáo viên nam như mình khi chăm sóc trẻ đó là vệ sinh cho trẻ nữ, việc này may có giáo viên nữ chia sẻ giúp. Hay như việc bất đồng ngôn ngữ với các cháu vốn đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng là rào cản, mình sẽ cố học thêm tiếng trên này để thuận lợi hơn. Còn những việc khác của một giáo viên mầm non thì hầu như mình làm được hết, từ việc lau phòng trẻ mỗi ngày đến… 5 lần, cho trẻ ăn, dỗ dành trẻ, vệ sinh cho trẻ. Miễn là mình dành tình yêu thương cho trẻ thì mọi việc đều vượt qua được”, thầy Lộc tâm sự.

Năm học trước thầy được phân công dạy lớp nhỡ nhưng hiện nay do dịch bệnh, số trẻ giảm nên thầy Lộc được phân xuống dạy lớp bé 3 tuổi. Các cháu nhỏ cũng đồng nghĩa với việc dạy dỗ sẽ khó khăn hơn nhiều bởi phải rèn ý thức tự lập cho các cháu ngay từ lứa tuổi này.

Công việc bình thường mỗi ngày của thầy Lộc diễn ra, gồm: Sáng đón trẻ, cho ăn, đến khoảng 8 giờ cho các cháu hoạt động thể dục, học ngoài trời, trò chơi dân gian - trưa, vệ sinh cho cháu ăn, ngủ - chiều cho các cháu ôn luyện, khám phá thiên nhiên, phát triển năng khiếu, nhận thức… Là giáo viên trẻ mới ra trường lại chưa lập gia đình, việc chăm sóc cả vài chục trẻ là một thử thách không hề nhỏ đối với anh. Tuy vậy, với niềm đam mê nghề và tình yêu thương với trẻ, thầy đã vượt qua định kiến đàn ông mà làm giáo viên mầm non để hoàn thành sứ mệnh trồng người của người giáo viên “cắm bản”.

Sự yêu mến của con trẻ mỗi lần thầy đến lớp cũng chính là nguồn động viên để anh gắn bó hơn với những đứa trẻ miền núi này. Bên cạnh những năng khiếu của bản thân, thầy giáo trẻ này còn không ngừng trau dồi chuyên môn, các kỹ năng như hát, múa, vẽ, sử dụng thành thạo máy tính để thiết kế các trò chơi trên Power Point, cắt ghép nhạc, cắt ghép ảnh, video đưa vào giảng dạy... Nhờ đó, lớp học của thầy luôn thu hút đối với trẻ. Dù gắn bó chưa lâu với nghề, nhưng nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết, nỗ lực trong giảng dạy mà 2 năm học liền (2019 - 2020; 2020 - 2021), thầy giáo Hoàng Đình Lộc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Năm học 2021 - 2022 này, thầy Lộc được cử tham gia dạy giỏi cấp tỉnh và hiện đang chờ kết quả. Với sự năng nổ, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một “người thầy giáo mầm non”, thầy Lộc nhận được sự yên mến của các giáo viên trong trường, của phụ huynh và các cháu mầm non nơi miền biên giới A Ngo…

Hiệu trưởng Trường Mầm non A Ngo, huyện Đakrông Nguyễn Thị Quy cho biết: “Thầy Lộc là người có năng lực chuyên môn và được đồng nghiệp đánh giá cao, được học sinh yêu quý và phụ huynh tin tưởng. Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy cũng tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt động, phong trào đoàn thể của nhà trường”.

Hiện nay thầy Lộc đang tiếp tục học lên Thạc sĩ ngành học giáo dục mầm non tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Nhà ở xã Tân Lập và người yêu cũng đang dạy học tại xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa nên sau mỗi tuần hoặc trong tháng tùy tình hình công việc, thầy Lộc thường tranh thủ chạy xe máy vượt quãng đường hơn 75 km để về thăm. Dù chỉ mới gắn bó công việc nuôi dạy trẻ nơi vùng cao A Ngo hơn 2 năm nhưng thầy giáo trẻ Hoàng Đình Lộc nói rằng mình đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với trường lớp, với người dân nơi này.

Thầy Lộc chia sẻ thêm: “Em biết những khó khăn vẫn còn nhiều nhưng luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết mình để tiếp tục nuôi dạy những măng non của bản làng, nhằm giúp các em có những kỹ năng, những con chữ đầu đời để lớn lên và có tương lai tươi sáng…”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập

Đình Nam |

Ngày 15/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH và một số bộ, ngành về hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập.

Bàn giao đưa vào sử dụng Trường Mầm non Triệu Trung

Kăn Sương |

Ngày 9/11, tại xã Triệu Trung, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc - Hóa dầu Bình Sơn tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng Trường Mầm non Triệu Trung.

Giáo viên mầm non nghỉ dịch được nhận gói hỗ trợ nào?

PV |

Bà Vũ Thị Loan là giáo viên mầm non tại phường Phú Thuận, Quận 7, TPHCM, đã nghỉ việc không lương do dịch từ ngày 10/5 đến nay nhưng không nhận được gói hỗ trợ nào. Bà Loan hỏi, tiêu chí xét hưởng trợ cấp COVID như thế nào?

Trường Mầm non Phong Bình 1 làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc trẻ

Hoài An |

Xác định tầm quan trọng của môi trường giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ, Trường Mầm non Phong Bình 1 (xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm sóc cho trẻ; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy theo hướng chuẩn hóa; xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, tâm huyết với nghề, yêu mến trẻ… Từ đó, chất lượng giáo dục và uy tín của nhà trường ngày càng nâng cao, đảm bảo cho trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.