Thầy tôi dạy chữ, dạy người

Nguyễn Hoàn |

Những sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế đã từng được học thầy Nguyễn Đình Thảng, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, dạy môn Hán văn không ai là không nhớ, không ấn tượng về thầy.

Và có lẽ, không ai là không chịu ảnh hưởng ít nhiều của thầy Thảng, thầy dạy tôi những năm 80 của thế kỷ trước. Thầy đã học ở Trung Quốc, ở Đức, sau đó về nước học lớp Văn khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1964 - 1967). Con người thầy hấp thu văn hoá của nhiều nước.

Có người nói trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ đây chuyển sang dạy làm người. Thực ra, giáo dục đúng nghĩa thì không phải vậy. Giáo dục mà chỉ dạy chữ, quên dạy người là giáo dục đi lùi. Đối với thầy tôi, dạy chữ, dạy người là hai việc gắn quyện nhau, hai trong một.

Thầy có dáng người to đậm, vẻ quắc thước, tính nghiêm, hồn có chút kiêu bạc với dâu bể của đời, giọng hào sảng ăn sóng nói gió. Sinh viên đều nể và sợ thầy. Những anh nào vắng học, trốn học, không ôn kỹ bài cũ khi lên lớp… thấy thầy đều sợ đến xanh mắt, tái mặt. Thầy dạy chữ không cần dựa vào giáo trình Hán văn đã xuất bản có sẵn.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng với chữ Tâm của một đời tận tụy với nghề - Ảnh: NTP CUNG CẤP
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng với chữ Tâm của một đời tận tụy với nghề - Ảnh: NTP CUNG CẤP

Thầy còn phê bình giáo trình có chỗ viết dở. Thầy lên lớp đi tay không. Phong thái ung dung, đĩnh đạc. Giáo trình ở trong óc thầy, thầy gọi chữ nào chữ ấy tuôn ra dạt dào như từng đợt sóng. Nét phấn thầy viết như múa từng con chữ, từng dòng chữ Hán thẳng tắp, chân phương nhưng bay bướm, đẹp đẽ. Thầy dạy chữ, cốt để dạy người. Vì như Khổng Tử đã nói, làm người là khó (vi nhân nan). Dạy chữ, thầy dạy cho trò “vỡ chữ” ra, để trò được thấm lẽ đời.

Dạy người, thầy mượn chuyện hổ để dạy. Thầy dạy chuyện “hà chính mãnh ư hổ” (chính trị hà khắc còn tàn bạo hơn hổ), chuyện “hồ giả hổ uy” (cáo mượn uy hổ). Dạy chuyện đời phải biết điểm dừng, biết tiêu diệt lòng tham, thầy dạy câu “nhi chỉ tri chỉ thánh hiền cư thân sở trân” (biết chỗ dừng để dừng lại, bậc thánh hiền lấy đó để giữ thân mới là điều trân quý).

Dạy để bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần, mỹ cảm cho sinh viên, thầy giảng nhiều bài thơ hay, giảng sâu những chỗ khó, nhất là đối với thơ thiền: “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác thiền sư, “Thiên Trường vãn vọng” (Buổi chiều ở phủ Thiên Trường trông ra) của Phật hoàng Trần Nhân Tông… “Thiên Trường vãn vọng” của Phật hoàng Trần Nhân Tông là một bài thơ hay vừa tả cảnh đẹp làng quê thôn dã, vừa mang đậm chất thiền.

Ai yêu khói lam chiều, ai nhớ tuổi thơ cưỡi trâu thổi sáo, nhớ cánh cò chấp chới trắng trong ca dao, ai thích an nhiên, tự tại với tâm thiền “sắc sắc không không”, không vọng tâm, vọng động (điều phục được tâm, cưỡi tâm về chỗ ban sơ như cưỡi trâu về nhà) sẽ nhớ lại bài thơ này. Như tôi nhớ giọng thầy tôi đọc, vẫn hào sảng như mọi khi, nhưng thầy chú tâm nhấn nhá bổng trầm, tha thiết hơn, trên từng “nhãn tự” của Trần Nhân Tông:

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền”

Dịch thơ (Ngô Tất Tố dịch):

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có, dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”

Thời học với thầy, tôi làm cán bộ lớp, nên thỉnh thoảng lên nhà thầy để liên hệ, hỏi ý kiến thầy. Nhà thầy nhỏ, tài sản không có gì, gia bảo nhiều hơn gia sản. Cuộc sống thanh đạm, an nhiên, tự tại của một nhà nho giữa thời hiện đại. Thầy sống cùng đứa con trai nhỏ. Khi biết được hoàn cảnh riêng của thầy, tôi càng thương và cảm phục thầy hơn. Khi thầy tập kết ra Bắc, vợ thầy ở lại trong Nam.

Theo năm tháng, bà đã lần lượt lấy hai người đàn ông, có ba con. Khi đất nước thống nhất, thầy trở về nối duyên chồng vợ lại với bà, sinh được một đứa con trai. Thầy còn hỗ trợ, phụ giúp cùng bà nuôi một đứa con riêng trước đó của bà nữa. Bà mất, khi đứa con trai sau cùng mới lên 4 tuổi, đứa con của tình duyên thầy và bà tái hợp sau đằng đẵng cách xa, đứa con của “hậu vận” tình nhà, tình nước, thầy một mình gà trống nuôi con.

Ảnh: NTP CUNG CẤP
Ảnh: NTP CUNG CẤP

Sau này, tôi được biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng là bạn học cùng lớp với thầy hồi học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng được thầy giới thiệu vào Đảng. Lúc đó, với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ lớp, thầy đã theo dõi, giúp đỡ và cùng tập thể tổ chức kết nạp Đảng cho người bạn học Nguyễn Phú Trọng. Khi thầy mất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đã gửi tấm liễn phúng viếng, phân ưu.

Để xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có một số Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, sĩ quan cấp tướng… có sai phạm nghiêm trọng đã bị xử lý, theo đúng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được nhân dân tin tưởng gọi là “người đốt lò” đã nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Lò nóng, dân tin. Nhưng làm sao với thời gian, lò càng đốt thì củi càng ít dần chứ không phải càng nhiều củi lên. Nghĩa là phải “hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, làm sao để cán bộ “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Khi pháp luật nghiêm minh, người ta sẽ “không dám tham nhũng”.

Khi cơ chế quản lý đảm bảo chặt chẽ, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, người ta sẽ “không thể tham nhũng”.

Còn để đạt mức độ cao hơn, “không muốn tham nhũng”, đây là câu chuyện của đạo đức. Pháp luật - Cơ chế - Đạo đức, phải có đủ 3 chân kiềng này để diệt trừ tham nhũng. Nhưng đạo đức là giải pháp có tính căn cơ, bền vững và lâu dài. Vì pháp luật là đạo đức tối thiểu, mà đạo đức là pháp luật tối đa.

Ở cõi vĩnh hằng, chắc thầy tôi đắc ý với một ý tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người bạn học, người mà thầy tôi giới thiệu vào Đảng, rằng phải hướng tới làm sao để cán bộ “không muốn tham nhũng”. Vì cả đời dạy học, thầy tôi dạy chữ cốt để dạy người, dạy đức. Khi người ta biết “nhi chỉ tri chỉ”, khi người ta coi việc thực hiện đạo đức chính là thực hiện “mệnh lệnh tuyệt đối”, bắt buộc phải làm, theo như triết học Kant đã nêu, người ta sẽ “không muốn tham nhũng”.

Và tôi nghĩ, những dòng sau đây trong một cuốn sách của Kant chắc thầy tôi và người được thầy giới thiệu vào Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ cùng chia sẻ với nhau, dù âm dương cách biệt: “Việc xây dựng ý thức luân lý và lương tâm cá nhân để con người không chỉ không dám làm việc xấu (vì sợ luật pháp trừng phạt) và không thể làm (vì bị kiểm soát nghiêm ngặt) mà còn không muốn làm do động lực nội tâm” (Immanuel Kant, Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý, NXB Hồng Đức, 2021, tr. 8).

Thầy tôi, khi dạy chữ thánh hiền, thầy đã truyền cho học trò mình “động lực nội tâm” ấy. Thầy đi xa, nhưng thầy đã có bao đệ tử chân truyền, chịu ảnh hưởng nhân cách và trí tuệ của thầy. Đó là niềm vui, là hạnh phúc truyền đời của thầy tôi!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thầy giáo 23 lần hiến máu nhân đạo

Lê Cảnh Thu |

“Mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn vì biết rằng giọt máu của mình sẽ giúp được một người không may nào đó đang rất cần máu để điều trị bệnh, duy trì sự sống”, đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm, giáo viên dạy môn Vật lý, Bí thư Đoàn Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Cảm giác ấy cũng là động lực để thầy thực hiện 23 lần hiến máu nhân đạo trong thời gian qua.

Thầy hiệu trưởng hết lòng với học sinh vùng khó

Nguyễn Trang |

Dù đang là thời gian nghỉ hè nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1977), Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), vẫn miệt mài bám bản, bám trường, xây dựng kế hoạch cho năm học mới.

Thầy giáo góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Long |

Lớn lên ở miền núi và có gần 20 năm dạy học tại vùng bản nên thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, hiện công tác tại Trường THCS Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gắn bó và có tình cảm đặc biệt với đồng bào Vân Kiều và Pa Kô.

Lênin - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Đinh Hồng Giang |

V.I.Lênin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), qua đời ngày 21/4/1924 ở làng Gorki, gần thủ đô Mátxcơva. Thi hài được lưu giữ trong lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Mátxcơva cho tới nay. Với 54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp cao cả, V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người.