Lênin - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Đinh Hồng Giang |

V.I.Lênin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), qua đời ngày 21/4/1924 ở làng Gorki, gần thủ đô Mátxcơva. Thi hài được lưu giữ trong lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Mátxcơva cho tới nay. Với 54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp cao cả, V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người.

Cống hiến vĩ đại của Lênin đối với lịch sử thế giới hiện đại

Khẩu hiệu của Mác “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” đã được Lênin phát triển thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Xô Viết và hệ thống XHCN thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) tan rã. Tên tuổi của Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.

Tượng đài Lênin trên đường Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội - Ảnh: TL​
Tượng đài Lênin trên đường Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội - Ảnh: TL​

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã nhiều lần bị bắt, bị tù đày, bị trục xuất ra nước ngoài, bị mưu sát, nhưng Người luôn là tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng kiên trung, về ý chí quyết tâm giải phóng giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, về phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả, về lối sống giản dị, trong sáng, gần gũi Nhân dân. Di sản Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn trên cả phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và tư tưởng lý luận. Lênin là người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản (CNTB) chuyển sang giai đoạn CNĐQ; người sáng lập nhà nước Xô Viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và lãnh đạo Nhân dân Liên Xô bắt tay vào xây dựng CNXH hiện thực, giải phóng giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống CNĐQ, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc...

Về di sản tư tưởng lý luận, Lênin là người đã kế tục, bảo vệ và phát triển một cách xuất sắc, toàn diện chủ nghĩa Mác cả triết học, kinh tế chính trị học mácxít và chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện mới. Người đã phê phán một cách khoa học, thuyết phục những quan điểm tư tưởng, trào lưu lý luận sai lầm, như phái “dân túy” Nga, phái “mácxít hợp pháp”, khuynh hướng “tả” khuynh, “hữu” khuynh trong phong trào công nhân, chủ nghĩa cơ hội, xét lại… để bảo vệ chủ nghĩa Mác; đồng thời bổ sung, phát triển nhiều luận điểm cụ thể của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như sự phát triển của khoa học đương thời. Nhiều vấn đề ở thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, thực tiễn lịch sử chưa đặt ra, nhưng được đặt ra trong thời đại mới đã được Lênin tìm ra câu trả lời đúng đắn, phát triển hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác:

Thứ nhất, sáng lập học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, đội tiên phong chiến đấu được vũ trang bởi lý luận tiên phong, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội loài người, chống CNTB, CNĐQ, xây dựng xã hội tương lai XHCN và cộng sản chủ nghĩa (CSCN) trên nền tảng tư tưởng lý luận Mác - Ăngghen đã đặt nền móng.

Thứ hai, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại, khai sinh ra CNXH hiện thực với nước Nga Xô Viết, làm cho Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội mà ông gọi là Đảng chấp chính. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ TBCN, từng bước quá độ lên CNXH, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu XHCN và CSCN.

Thứ ba, đề xướng cải cách XHCN với “Chính sách kinh tế mới” (NEP) thay thế “chính sách cộng sản thời chiến” vào đúng thời điểm, nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, trong tình cảnh nước Nga Xô Viết non trẻ vừa mới ra đời đã bị 14 nước tư bản đế quốc bao vây hòng bóp chết CNXH, giúp chính quyền Xô Viết đứng vững và nước Nga XHCN nhanh chóng hồi sinh. Với “Chính sách kinh tế mới”, Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và mọi người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng, kiến thiết chế độ mới mà sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của CNXH, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển.

Tư tưởng của Lênin đối với cách mạng Việt Nam

Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường cho Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin”. Người nói: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và Nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Từ đó, Người đi theo Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa MácLênin về với cách mạng Việt Nam. Nhờ đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tổng kết, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, tư tưởng lý luận của Lênin nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Nhưng chính sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch càng chứng tỏ tinh thần khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của tư tưởng Lênin. Dù hiện nay trên thế giới, sau sự tan rã ở Liên Xô và các nước Đông Âu, một số người tỏ ra hoang mang, dao động, thậm chí từ bỏ hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng tinh thần khoa học, tính cách mạng, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn mãi trong trái tim, khối óc của hàng triệu người trên toàn thế giới. Điều khẳng định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1927: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng của mình, những người cộng sản Việt Nam khẳng định rằng, những vấn đề cơ bản nhất trong học thuyết của Lênin là không gì bác bỏ được, vẫn giữ nguyên giá trị khoa học và cách mạng trong thời đại ngày nay. Lênin đã đi xa, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các dân tộc trên toàn thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chiến tranh nhân dân địa phương trong cuộc tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972

Đỗ Phấn Đấu |

Nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, tháng 8/1971, Bộ Chính trị hạ quyết tâm đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua.

Một số hình ảnh về Đông Hà những ngày đầu lập lại tỉnh và hôm nay

PV |

Một số hình ảnh về Đông Hà (Quảng Trị) những ngày đầu lập lại tỉnh và hôm nay.

Có một nhà văn Lê Kiên Thành

Nguyễn Khắc Phê |

Có lẽ không ít người đã đọc những bài chính luận thẳng thắn về hiện tình nóng bỏng của đất nước do tác giả Lê Kiên Thành viết và được đăng trên các tờ báo lớn. 

Đường 74 xưa và nay

Nguyễn Việt Hà |

74 là con đường tỉnh lộ nối giữa Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh nhánh đông, thuộc địa phận huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.