Chiến tranh nhân dân địa phương trong cuộc tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972

Đỗ Phấn Đấu |

Nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, tháng 8/1971, Bộ Chính trị hạ quyết tâm đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua.

Ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Hội nghị xác định: Trị - Thiên là hướng chiến lược chủ yếu “nhằm tiêu diệt lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới”. Hội nghị quyết định thành lập Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên 1972 (gọi tắt là Bộ Tư lệnh 702). Ngày 22/3/1972, Bộ Tư lệnh 702 xác định quyết tâm: Trong khoảng 20 - 25 ngày tiến công tiêu diệt được 4 - 5 trung đoàn địch. Thực hiện quần chúng nổi dậy giải phóng Quảng Trị, sau đó tiếp tục phát triển vào hướng Thừa Thiên.

Quán triệt phương hướng nhiệm vụ của địa phương trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là phối hợp với tiến công của bộ đội chủ lực đẩy mạnh diệt ác phá kìm, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, thành lập chính quyền cách mạng, ổn định tình hình mới giải phóng. Ngày 19/3/1972, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị quyết định tổ chức lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thành hai cánh: Cánh Bắc và cánh Nam. Mỗi cánh tùy theo nhiệm vụ, mục tiêu, tính chất địa bàn mà chia thành các cụm, nhằm sử dụng lực lượng, tổ chức hiệp đồng giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, tiến công và nổi dậy… Với quyết tâm: Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, phát huy cao độ đòn nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp, hình thành mặt trận tiến công rộng khắp nhằm tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch, từng bước… tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 - Ảnh: TL
Quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 - Ảnh: TL

Ngay sau hội nghị Bộ Chính trị tháng 8/1971, các đơn vị, địa phương trên toàn miền Nam chủ động, khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Tỉnh Quảng Trị đã huy động hàng chục ngàn dân công làm đường vận chuyển vũ khí, đẩy mạnh chống bình định và tác chiến thường xuyên để bộ đội chủ lực làm công tác chuẩn bị. Cục vận tải, Đoàn 559 và đoàn vận tải Quân khu 4 cùng hàng chục ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình đã vận chuyển hơn 16.020 tấn hàng phục vụ chiến dịch an toàn và hết sức bí mật. Một tiểu đoàn của Đặc khu Vĩnh Linh gấp rút vượt sông Bến Hải tăng cường cho Tỉnh đội Quảng Trị. Các địa phương toàn tỉnh vừa hoạt động giữ địa bàn, tạo thế, vừa tích cực chuẩn bị.

Thực hiện kế hoạch nghi binh chiến dịch, Bộ Tư lệnh 702 ra lệnh cho mặt trận Thừa Thiên - mặt trận phối hợp, nổ súng trước. Đồng thời, đêm 19/3/1972, lực lượng cánh Nam của tỉnh tiến công quận lỵ Mai Lĩnh để lừa địch. Các lực lượng cơ động chuẩn bị chiến dịch hoàn toàn sử dụng hệ thống thông tin hữu tuyến. Mặt khác, tổ đài vô tuyến của Sư đoàn 304 tiếp tục hành quân vào Tây Nguyên, thường xuyên phát đi những chỉ thị, mệnh lệnh giả. Đến ngày 26/3/1972, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành mà quân địch không hề hay biết. Thậm chí tên Đại tá Phan Bá Hòa, tỉnh trưởng Quảng Trị còn huênh hoang tuyên bố “đã quét sạch cộng quân”.

11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, pháo ta bất thần đồng loạt dội bão lửa vào các cứ điểm 544, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn, Quán Ngang, Nhĩ Trung, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà, Ái Tử, La Vang... mở màn chiến dịch. Phối hợp với đòn tiến công của chủ lực, các mũi đặc công Quảng Trị đã bí mật luồn sâu vào hậu phương địch, mật tập một số mục tiêu ở Đông Hà, Ái Tử, khiến quân địch càng thêm bối rối. Rạng sáng ngày 31/3/1972, LLVT hai huyện Cam Lộ và Gio Linh đồng loạt tiến công Quán Ngang, Cửa Việt, Gio Lễ, Cùa, Cam Thanh… Đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, phá các khu tập trung, đưa dân về làng cũ. Lực lượng cách mạng ở Ba Lòng vận động quân địch ra đầu thú, tuyển chọn thanh niên lập đội vũ trang, thành lập chính quyền cách mạng. Đồng bào Gio Hải phối hợp nổi dậy, bắt sống 150 phòng vệ dân sự, thu 80 súng các loại. Đặc biệt, ở vùng Cùa, từ trước giờ nổ súng, Huyện uỷ Cam Lộ đã phát động trên 2.000 quần chúng tự trang bị vũ khí, sẵn sàng nổi dậy. Trong khu tập trung đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, lực lượng cách mạng đã vận động 3 trung đội dân vệ nổi dậy binh biến, cướp ô tô địch, cắm cờ mặt trận, chạy khắp nơi kêu gọi đồng bào phá khu tập trung, trở về làng cũ.

Hòa cùng chiến công của bộ đội chủ lực tiêu diệt quân địch ở điểm cao 544, 288, 365, Đồi Tròn, An Nha... đánh chiếm 2 căn cứ quan trọng là Đồng Toàn và Ba Hồ, tiến công căn cứ Tân Lâm, cố vấn Mỹ bỏ chạy, Trung đoàn trưởng 56 Việt Nam cộng hòa mang cả trung đoàn ra hàng. Ngày 2/4/1972, LLVT địa phương nhanh chóng giải phóng đồng thời hai huyện Cam Lộ, Gio Linh, đưa hơn 10 vạn dân ở các ấp chiến lược trở về làng cũ. Toàn bộ các vị trí địch trên 4 cánh cung “lá chắn thép”, “pháo đài bất khả xâm phạm” cùng hàng rào điện tử Mc.Namara của địch bị ta xóa sổ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hốt hoảng lập cầu hàng không cấp tốc đưa Lữ đoàn 369 ở Sài Gòn cùng 3 liên đoàn biệt động ở vùng 2, vùng 4 tăng viện cho Quảng Trị, sử dụng B52 cùng các loại máy bay, pháo hạm tăng cường đánh phá ngăn chặn sự tiến công của quân ta. Tổng thống Mỹ Ních - xơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc, đơn phương ngừng các phiên đàm phán ở Pa-ri và đưa không quân, hải quân trở lại tham chiến… Cuộc chiến đấu càng thêm khó khăn, ác liệt, nhưng không thể lay chuyển ý chí tiến công của quân và dân ta. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 702, các LLVT của tỉnh khẩn trương luồn xuống đồng bằng, vào sâu hậu phương địch, liên tục mở các cuộc tiến công nhỏ và vừa trên tất cả các hướng nhằm tiêu hao sinh lực địch, đánh chiếm và giữ vững vị trí đứng chân, đồng thời khẩn trương cùng lực lượng chủ lực chuẩn bị cho trận đánh lớn.

Sáng 27/4/1972, quân ta tiến công bước hai. 15 giờ ngày 28/4, quân ta giải phóng thị xã Đông Hà, đánh sập cầu Lai Phước, chặn đứng đường chi viện và thực hành chia cắt quân địch. Lực lượng cánh Nam của tỉnh vừa phối hợp với bộ đội chủ lực thọc sâu, đột phá hệ thống phòng thủ ven biển Triệu Hải, vừa vận động quần chúng nổi dậy, tạo thế áp đảo, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Quân địch hoang mang tột đỉnh. Suốt đêm 30/4, sáng 1/5/1972, chúng hốt hoảng dẫm đạp lên nhau tháo chạy. 11 giờ ngày 1/5/1972, thị xã Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Hệ thống phòng ngự kiên cố nhất, cùng bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - nguỵ từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo, Khe Sanh đến Cửa Việt đã bị ta quét sạch.

Đây là mốc son chói lọi của Quảng Trị và là “Thắng lợi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nuớc. Là kết quả của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn dân tộc, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, chiến tranh nhân dân địa phương có vị trí vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, để lại bài học vô giá trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam trong thời đại mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giới thiệu đại sách độc bản kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị

Trúc Phương |

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Quảng Trị năm 2022, sáng nay 20/4, tại Thành Cổ Quảng Trị, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tạp chí Việt Nam Hội nhập và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm giới thiệu đại sách độc bản kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972)”. 

Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972- nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”

PV |

Ngày 19/4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 - nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị; 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972-2022). Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị); Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam đồng chủ trì buổi họp báo.

Xây dựng Thành Cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng hòa bình

Ngọc Lan |

Năm 2022, dấu mốc 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022).

“Vườn Hòa bình” giữa lòng Thành Cổ

Đan Tâm |

Em từ một nước bên kia dãy Trường Sơn, có hỏi tôi, nếu đã đến một miền đất từng mơ ước đến rồi, thì nơi đâu ở Quảng Trị mà em cần đến trước tiên, tôi giới thiệu với em là di tích Thành Cổ. Biết em là một người học điêu khắc, tôi muốn giới thiệu một khu “vườn tượng” của quê hương tôi với em ngay trong lòng Thành Cổ Quảng Trị. Và tôi cũng tự đặt tên cho khu “vườn tượng” mà tôi tâm đắc đó là “Vườn hòa bình”.