“Vườn Hòa bình” giữa lòng Thành Cổ

Đan Tâm |

Em từ một nước bên kia dãy Trường Sơn, có hỏi tôi, nếu đã đến một miền đất từng mơ ước đến rồi, thì nơi đâu ở Quảng Trị mà em cần đến trước tiên, tôi giới thiệu với em là di tích Thành Cổ. Biết em là một người học điêu khắc, tôi muốn giới thiệu một khu “vườn tượng” của quê hương tôi với em ngay trong lòng Thành Cổ Quảng Trị. Và tôi cũng tự đặt tên cho khu “vườn tượng” mà tôi tâm đắc đó là “Vườn hòa bình”.

Em đã đến đây rồi, nhìn ngắm đất trời Thành Cổ biếc xanh bằng ánh mắt của một người thanh xuân chưa chạm mốc tuổi ba mươi. Để trò chuyện với một người đến từ một quốc gia xa lạ mà gần gũi như em không hề dễ. Do vậy từ trước, tôi đã gửi email cho em biết nơi em đến đây, Thành Cổ Quảng Trị quê hương tôi với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm chống lại cuộc phản kích của quân xâm lược (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972) đã trở thành một địa danh nổi tiếng, đánh thức lương tri toàn nhân loại bởi cuộc đọ sức quyết liệt của quân và dân Việt Nam với kẻ thù. Đây là một trong những cuộc chiến khốc liệt bậc nhất của thế kỷ XX, nơi hàng vạn chiến sĩ đã xả thân bảo vệ từng tấc đất, góc phố, góp phần quan trọng vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam tại bàn đàm phán Hội nghị Paris năm 1973 và đại thắng mùa xuân năm 1975.

Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân trong khuôn viên “vườn tượng” tại di tích Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân trong khuôn viên “vườn tượng” tại di tích Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ đã viết lên khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành một di sản văn hóa tiêu biểu của đất nước. Ngày 9/12/2013, Thành Cổ Quảng Trị đã được Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Những thông tin này đã củng cố thêm quyết định giới thiệu những người trẻ như em đến khu di tích này của tôi như sự dẫn dắt, khai mở về một ý tưởng: “Hãy đến, hiểu và yêu những vùng đất mới” mà các bạn trẻ trên thế giới đang chia sẻ.

Tôi cũng dẫn em đi dọc dài theo những con đường nhỏ ven góc phố, tận hưởng ngọn gió lành từ Nhan Biều thổi qua, từ thượng nguồn Thạch Hãn thổi xuống, mang theo mùi hương mùa màng đôn hậu và chứng kiến mặt sông như nhíu lại, gờn gợn theo lối gió về. Tôi chỉ cho em xem, từ một nơi hoang tàn đổ nát trong chiến tranh, nay Thành Cổ Quảng Trị ngày càng được đầu tư, tôn tạo để xứng đáng với quy mô, tầm vóc và giá trị của một di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đặc biệt. Đài tưởng niệm trung tâm và các công trình văn hóa khác đã được nâng cấp, sửa chữa, phục vụ khách thập phương đến tri ân, tưởng niệm và đang phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ hết sức tích cực từ các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã góp phần rất lớn cho việc đầu tư, xây dựng các công trình, hạng mục nhằm tri ân, tôn vinh những giá trị lịch sử của quần thể di tích như: Tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca, tháp chuông, nhà hành lễ, bến thả hoa hai bờ Bắc, Nam sông Thạch Hãn…

Em có hỏi tôi căn nguyên nào mà ngay giữa lòng không gian linh thiêng Thành Cổ Quảng Trị lại xuất hiện một “Vườn hòa bình” đáng yêu hết sức vậy, tôi có nhắc lại cho em biết rằng, vào ngày 29/8/2014, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đề án: Trại sáng tác điêu khắc Thành Cổ Quảng Trị với chủ đề: “Thành Cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh” và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép tổ chức thực hiện. Bám sát nhiệm vụ của đề án được phê duyệt, ban tổ chức đã gửi thư mời rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời mời đích danh đến nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng trong và ngoài nước như Italia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… để hưởng ứng, gửi phác thảo tham gia trại sách tác. Kết quả, ban tổ chức đã chọn lựa được 22 sáng tác phác thảo để triển khai ra thực địa trong gần 60 phác thảo của 30 nhà điêu khắc trong và ngoài nước. Trại sáng tác điêu khắc Thành Cổ Quảng Trị chính thức triển khai thực hiện từ ngày 2/6 - 22/7/2016.

Khó có thể kể ra biết bao tâm sức và nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và ngành văn hóa để có thể triển khai “vườn tượng” đạt được kết quả như em đang chiêm ngưỡng. Với hơn 140 mét khối đá granit được lựa chọn, vận chuyển từ Bình Định, Nghệ An, Cao Bằng, Quảng Trị đã được đưa về Thành Cổ để chuyển tải những ý tưởng của 22 sáng tác phác thảo ra thực tế. Ban tổ chức đã huy động hơn 70 thợ điêu khắc lành nghề và công nhân chuyên nghiệp lao động cật lực, ròng rã suốt hơn 45 ngày dưới thời tiết nắng gắt của miền đất Quảng Trị.

22 nhà điêu khắc đến từ mọi miền trong cả nước tập trung hơn 10 ngày để cùng với các thợ điêu khắc hoàn chỉnh tác phẩm của mình để chuyển tải hết toàn bộ ý tưởng, tâm huyết vào các bức tượng. Toàn bộ chi phí của Trại sáng tác điêu khắc do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tài trợ chính và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đồng tài trợ.

Em đã ngồi trên thảm cỏ lau hàng giờ để nghe tôi phân tích, rằng Trại sáng tác điêu khắc hoàn thành trong không gian linh thiêng Thành Cổ Quảng Trị có ý nghĩa là công trình tưởng niệm, suy tôn các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm vang danh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam, giàu tính biểu trưng và suy tưởng, gợi thức sự bất tử của con người và ghi nhận sức hồi sinh của một vùng đất.

Do các tác phẩm trong trại sáng tác điêu khắc được thực hiện bằng loại hình tượng công viên, chất liệu đá granit bền vững, được dàn dựng hoàn chỉnh, hài hòa trong môi trường văn hóa đương đại, cảnh quan thiên nhiên của không gian di tích Thành Cổ Quảng Trị, nên đây còn là một địa chỉ văn hóa giúp địa phương quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Quảng Trị ra với bạn bè trong nước và thế giới.

Tất cả những tác phẩm điêu khắc tham gia trại có mặt tại khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị đều chuyển tải những ý tưởng mang đậm tính nhân văn sâu sắc, nội dung tư tưởng phù hợp với nơi từng là chiến trường ác liệt nhất, hy sinh mất mát nhiều nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cùng hướng đến chủ đề “Bất tử và hồi sinh”. Em đã nhìn ngắm rất lâu trước tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Liên do đã biết tên tuổi ông từ trước.

Tại “vườn tượng”, nhà điêu khắc Lê Liên với tác phẩm “Quyết tử” thể hiện cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị.

Hình tượng 3 chiến sĩ giải phóng quân đại diện cho ba miền Bắc - Trung- Nam vững vàng trên trận tuyến và những mảng phù điêu thể hiện khái quát, cô đọng niềm tin chiến thắng càng tôn vinh sự bất tử của những “tài hoa ra trận” trên mảnh đất Thành Cổ anh hùng. Tác phẩm “Nụ cười” của nhà điêu khắc Vương Duy Biên khắc họa nụ cười sảng khoái của người chiến sĩ quân giải phóng sau những trận chiến khốc liệt. Cách tạo khối thô ráp, chắc nịch của nhân vật kết hợp với hình tượng cây lúa đậm đà tình quê hương đã khiến cho “Nụ cười” luôn ánh tỏa thông điệp, người chiến sĩ sẽ nhận về mình sự hy sinh, mất mát để đất nước luôn được bình yên.

Tác phẩm “Sức sống” của nhà điêu khắc Mai Thu Vân, thông qua một mầm cây bứt lên đón nắng đã nêu bật sự vươn dậy đầy nội lực của đất và người nơi Thành Cổ Quảng Trị qua bao đau thương, gian khó. Ở một tác phẩm cùng tên, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim Liên lại gói ghém một ẩn dụ thú vị gửi đến người thưởng ngoạn, rằng chiến tranh dù tàn khốc đến đâu rồi cũng sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng bằng sự hy sinh vô bờ bến của những người yêu nước, và hòa bình, đó mới chính là khát vọng muôn thuở đã trở thành hiện thực trên mảnh đất này.

Tác phẩm “Khoảng trống” của nhà điêu khắc Vũ Ngọc Thành sử dụng hình tượng những vệt bom liên tiếp trút xuống Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, tạo ra khoảng trống của sự đổ nát do đạn bom và khói lửa chiến tranh. Khoảng trống đó như một dấu tích, luôn nhắc nhớ chúng ta về một trong những cuộc chiến đấu khốc liệt nhất để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc trong thế kỷ XX.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành đến với trại điêu khắc đá “Thành Cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh” bằng tác phẩm “Sức mạnh Việt Nam” gây ấn tượng với người chiêm ngưỡng. Hình tượng bức tường Thành Cổ vững chắc khái quát truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hình tượng nắm tay thể hiện sức mạnh vô song và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của thế hệ trẻ thời chống Mỹ, cứu nước. Khối sắt thép nặng nề bị bẻ cong cho thấy một chân lý là sức mạnh bạo tàn không thể nào khuất phục được ý chí và tinh thần đoàn kết của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Với nhà điêu khắc Nguyễn Hiên qua tác phẩm “Gạch đá đã hồi sinh”, như một lời tự sự: “Người hy sinh cho cuộc sống bình yên hôm nay không thể sống lại thêm một cuộc đời nữa. Họ đã hóa thân và hồi sinh cùng với gạch đá, đất đai nơi họ nằm xuống, yên nghỉ, sống mãi trong ký ức và sự tưởng vọng của những người đang sống hôm nay”.

Với tác phẩm “Vượt sông”, nhà điêu khắc Võ Ngọc Lân đã thể hiện hình tượng chủ đạo về cánh chim hòa bình hướng về phía trước. Mảng phía sau là cách điệu Thành Cổ Quảng Trị. Những vết tích chiến tranh khắc dấu trên hình tượng khối âm là ngôi sao, khối lưng là bóng dáng các chiến sĩ cầm súng vượt sông Thạch Hãn vào thị xã Quảng Trị đánh giặc. Hai khối này được bố cục tách rời nhau tạo một khoảng trống ngăn cách bởi “dòng sông thiêng”, gợi nhớ sự khốc liệt, bi tráng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ nửa thế kỷ trước.

Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam đặt tất cả tâm huyết của mình vào tác phẩm “Mầm sống”, biểu đạt một hạt giống đang nở mầm sự sống trên vết tích hoang tàn của chiến tranh. Ẩn trong khối đá tươi nguyên, khuôn mặt của đôi trai gái hiện ra trong trẻo như chỉ dấu một tình yêu đang lan tỏa. Mặt sau bức tượng, những vết khắc thời gian như sự trầm tích từ quá khứ, thôi thúc hiện tại và đồng vọng đến tương lai của một vùng đất mang gương mặt hòa bình…

...Chia tay, người bạn trẻ, một điêu khắc gia trong tương lai đã chép tặng tôi trong sổ tay mấy vần thơ xưng tụng Việt Nam của Menelaos Lountemis (1912 - 1977), nhà thơ Hy Lạp, người từng đến Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ: “Ôi đất nước những căn nhà nhỏ/ Những người tầm vóc không cao/ Nhưng chiến công hiển hách lớn lao/ …Việt Nam… Sẽ có ngày tôi đi tìm trái tim tôi trở lại…/ Việt Nam ơi! Chào nhé, thôi chào!”…

Rất nhiều người trên thế giới đã đến Quảng Trị, đã đến Thành Cổ, đã đứng nơi em đã đứng đây và đã nghiêng mình trước sự hy sinh lớn lao vì độc lập, tự do cho quê hương, đất nước mình của con người Việt Nam. Qua từng bức tượng, viên gạch, lá cây, ngọn cỏ… hiện diện nơi Thành Cổ là thông điệp của người Quảng Trị muốn gửi đến muôn sau: Mong cho hòa bình, thịnh vượng mãi mãi ngự trị trên trái đất này…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trường Quốc Học Huế được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt

Thanh Mai |

Trường Quốc học Huế nằm bên bờ sông Hương là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo học sau khi thi đỗ kỳ thi vượt cấp.

Thừa Thiên Huế: 100% di tích, bảo tàng cung cấp dịch vụ thực tế ảo vào năm 2030

LC |

Đó là một trong những mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 339/KH-UBND triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành văn hóa và thể thao (VHTT) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 mới được UBND tỉnh ban hành.

Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa ở Cam Lộ

Khánh Ngọc |

Trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có 31 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được xếp hạng các cấp, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia là Thành Tân Sở ở xã Cam Chính và Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ. 

Sẽ nâng cấp, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

Thế An - Trần Tú |

Ngày 8/1, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã có buổi kiểm tra và bàn phương án đầu tư xây dựng và nâng cấp, tôn tạo một số công trình thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.