Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa ở Cam Lộ

Khánh Ngọc |

Trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có 31 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được xếp hạng các cấp, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia là Thành Tân Sở ở xã Cam Chính và Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ. 

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh “về việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020”, các di tích được huyện Cam Lộ quản lý, bảo tồn, tôn tạo một cách có hệ thống, bài bản, phát huy được các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh trong cộng đồng, xã hội; một số di tích bước đầu thu hút được khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương là một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước ở huyện Cam Lộ - Ảnh: N.T.H
Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương là một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước ở huyện Cam Lộ - Ảnh: N.T.H
Nét nổi bật trong đầu tư, bảo tồn, chống xuống cấp các điểm di tích ở huyện Cam Lộ là địa phương thường xuyên quan tâm kiểm tra, đánh giá thực trạng của các di tích; có kế hoạch đầu tư kinh phí để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân và toàn xã hội cùng chung tay bảo tồn, tôn tạo các di tích. Đến nay, huyện Cam Lộ đã rà soát, kiểm kê 31/31 điểm di tích, đạt tỉ lệ 100%. Việc cắm mốc chỉ giới các điểm di tích cấp tỉnh là 17/29 di tích, đạt tỉ lệ 58,6%; các di tích được xây dựng bia, biển là 12/29 di tích, đạt tỉ lệ 41,4%.

Trong các di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện, di tích Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh quản lý hiện đang trong quá trình đầu tư, tôn tạo để chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập (1973-2023).

Di tích quốc gia Thành Tân Sở giao cho huyện quản lý, sử dụng, thời gian qua đã đầu tư xây dựng Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương; tiến hành xây dựng chủ trương đầu tư Nhà trưng bày phong trào Cần Vương để trưng bày các hiện vật, tư liệu về phong trào Cần Vương tại khu di tích này. Các di tích cấp tỉnh tiêu biểu trên địa bàn huyện, gồm có Nhà Tằm Tân Tường và Miếu An Mỹ, năm 2019-2020 đã đầu tư nâng cấp hệ thống tường rào, mái ngói, điện chiếu sáng, cổng, sân…

Chùa Cam Lộ (ẢNH: IT)
Chùa Cam Lộ (ẢNH: IT)
Bên cạnh đó, đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận nâng hạng di tích Đình làng - Chợ Phiên Cam Lộ thành di tích quốc gia. Giai đoạn 2013 -2020, huyện Cam Lộ đã đầu tư 9,880 tỉ đồng để tôn tạo, chống xuống cấp di tích, trong đó nguồn xã hội hóa 370 triệu đồng.

Cùng với quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, huyện Cam Lộ chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội, thăm viếng, về nguồn, hội trại truyền thống tại các điểm di tích nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của Nhân dân về bảo tồn, chống xuống cấp các điểm di tích. Một số di tích tiêu biểu của huyện được Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Đội TNTP Hồ Chí Minh nhận chăm sóc định kỳ, trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, đội viên.

Huyện cũng đã tổ chức các hoạt động lớn nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, nổi bật như lễ rước Long vị vua Hàm Nghi và bài vị các tướng sĩ Cần Vương, các lễ hội nhân các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước. Đặc biệt, các di tích Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thành Tân Sở nơi đặt Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương… không chỉ quảng bá vùng đất Cam Lộ giàu truyền thống yêu nước, nơi từng hai lần được chọn làm “kinh đô kháng chiến” chống giặc ngoại xâm, mà còn là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách gần xa.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị Lê Đức Thọ cho hay, Cam Lộ là huyện có cách làm hay, bài bản trong đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Đơn cử như di tích quốc gia Thành Tân Sở phân cấp giao cho huyện quản lý, từ những ngày đầu lập lại huyện đã quy hoạch dành quỹ đất cho di tích; khi chưa có nguồn vốn đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích thì huyện xây dựng Lễ hội Cần Vương và tổ chức các giải thể thao mang tên Cần Vương để phát huy giá trị di sản văn hóa tinh thần của di tích; tiếp đến đầu tư xây dựng Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương… Trong điều kiện nguồn lực đầu tư, bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích có hạn, việc ứng xử với di tích như cách làm của huyện Cam Lộ thể hiện niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trao gửi lại cho thế hệ trẻ, đồng thời đưa văn hóa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bình Định xin đón khách quốc tế từ tháng 11

Minh Trang |

Mong muốn sớm phục hồi kinh tế, tỉnh Bình Định xin Thủ tướng Chính phủ cho đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11.

Lào xem xét thiết lập bong bóng du lịch

Tổng hợp |

Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào vừa công bố lộ trình phục hồi ngành du lịch giai đoạn 2021-2025 hậu Covid-19.

Số lượng voi ở Savannakhet tăng

Tổng hợp |

Số lượng voi châu Á trong Khu bảo tồn quốc gia Phou Xang Hae ở tỉnh Savannakhet đã tăng 12%.

An toàn là ưu tiên số một để đón du khách trở lại

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ngành du lịch đã có điều kiện cần để bắt đầu quá trình phục hồi. Nhân dịp này, Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch LÊ MINH TUẤN về nội dung trên.