An toàn là ưu tiên số một để đón du khách trở lại

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ngành du lịch đã có điều kiện cần để bắt đầu quá trình phục hồi. Nhân dịp này, Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch LÊ MINH TUẤN về nội dung trên.

- Thưa ông! COVID-19 gây hậu quả nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân, trong đó có ngành du lịch. Đề nghị ông cho biết những ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 đối với ngành du lịch Quảng Trị trong thời gian qua như thế nào?

-Trong hai năm 2020-2021, COVID-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ trong nước mà ở phạm vi toàn cầu. Trong hoàn cảnh ấy, ngành Du lịch Quảng Trị cũng chịu những tổn thất nặng nề. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đa số là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, không có nguồn thu, nguồn dự trữ để tái đầu tư, duy trì, phát triển dịch vụ, cơ sở vật chất dần xuống cấp vì suốt thời gian dài không đón khách được.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chi thêm các chi phí phòng, chống dịch nên ảnh hưởng càng nặng hơn. Các đơn vị lữ hành dừng hoạt động hoàn toàn, trong đó có 3 doanh nghiệp phải xin rút giấy phép hoạt động (1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 2 doanh nghiệp lữ hành nội địa). Đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành bị tác động nghiêm trọng: Hướng dẫn viên du lịch đa số làm hợp đồng theo từng sản phẩm nên nghỉ việc không lương; lao động trong các khách sạn, nhà hàng cũng phải nghỉ việc không lương do doanh nghiệp không duy trì hoạt động. Một số lượng lớn lao động ngành du lịch chuyển sang ngành nghề khác. Các kế hoạch liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới đều bị ngưng trệ. Qua thống kê cho thấy, số lượt khách du lịch và doanh thu xã hội năm 2021 giảm đến 80% so với năm 2019.

- Trước tình hình đó, ngành du lịch đã có phương án, kế hoạch phục hồi phù hợp, hiệu quả nào để sẵn sàng chủ động đón du khách trở lại, thưa ông?

- Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các chuyên gia thì COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ then chốt; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”.

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Kế hoạch 3228 ngày 7/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), Sở VH, TT&DL Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch Quảng Trị trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Kế hoạch chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết 31/12/2021): Tập trung sửa chữa, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Quảng Trị với thông điệp “Người Quảng Trị đi du lịch Quảng Trị”, “Du lịch Quảng Trị an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới ”; chỉ cho phép tổ chức các chương trình tham quan du lịch khép kín (tour combo) đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy định.

Giai đoạn 2 (từ 1/2022 đến 12/2022): Khi tình hình COVID-19 được kiểm soát tốt, tập trung khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi các hoạt động dịch vụ - du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp.

Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2022); 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022); 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022); 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2022). Trước những sự kiện quan trọng, ý nghĩa này, Sở VH,TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và Lễ hội Vì Hòa bình năm 2022 với các phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo đó, các hoạt động lễ kỷ niệm, lễ hội gắn chặt với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu cho Nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về mảnh đất, con người, những tiềm năng và thế mạnh của Quảng Trị; kêu gọi xúc tiến đầu tư góp phần sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, sở chủ động liên kết với các địa phương trong khu vực để đề ra các giải pháp chung khôi phục hoạt động du lịch. Hiện nay, sở đã tham gia xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng để chuẩn bị ban hành triển khai trong năm 2022.

- Được biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, không ít doanh nghiệp du lịch của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết các doanh nghiệp du lịch đã có những kiến nghị, đề xuất gì để từng bước ổn định hoạt động trở lại?

- Để từng bước ổn định, sớm hoạt động trở lại, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có một số kiến nghị, đề xuất như: Giảm thuế suất VAT từ 10% xuống còn 0 - 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch. Tiếp tục thực hiện Thông tư số 47/2021/ TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.

Theo đó, giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2022 (hiện đang áp dụng đến hết ngày 31/12/2021). Tiếp tục giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất theo Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 của Chính phủ (tính đến 30/9/2021 đã hỗ trợ 136 cơ sở lưu trú du lịch với tổng kinh phí là 1,67 tỉ đồng).

Bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động (để giữ chân lao động có tay nghề cao), vay sửa chữa, duy tu cơ sở lưu trú du lịch, điểm du lịch xuống cấp do thời gian dài đóng cửa, tạm dừng hoạt động lâu ngày. Sớm triển khai thực hiện việc giảm 80% tiền ký quỹ ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được sửa đổi theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Lao động trong ngành du lịch là nhóm lao động đặc thù, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, đào tạo lại nhằm tạo việc làm cũng như cung ứng đủ nhân lực để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch.

Một vấn đề quan trọng nữa là các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị tỉnh nên ưu tiên sớm hoàn thành việc tiêm 2 mũi vắc xin cho lực lượng lao động trong lĩnh vực này để họ đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

Những kiến nghị này rất xác đáng nên đề nghị các ban, ngành cũng như cơ quan chức năng tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch từng bước vượt qua khó khăn, sớm hoạt động trở lại. Thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho 69 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn với số tiền gần 256 triệu đồng theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sở sẽ có những kiến nghị, đề xuất tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bằng những việc làm kịp thời, cụ thể.

Cồn Cỏ, điểm đến du lịch nổi tiếng của Quảng Trị - Ảnh: T.L
Cồn Cỏ, điểm đến du lịch nổi tiếng của Quảng Trị - Ảnh: T.L

- Ông có thể cho biết, để doanh nghiệp sớm đón du khách trở lại, sở có các hướng dẫn cụ thể như thế nào nhằm sẵn sàng đón đầu thị trường du lịch trong tình hình mới, tạo hành lang xanh giữa Quảng Trị và các điểm du lịch thuộc các tỉnh, khu vực và cả nước?

- Căn cứ Nghị quyết số 128 của Chính phủ và tình hình thực tế của dịch bệnh, Sở VH,TT&DL chủ động cập nhật, điều chỉnh kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Quảng Trị theo phương châm: “Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động và cộng đồng dân cư”. Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Phấn đấu đến hết quý 1 năm 2022 người lao động tại các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch được tiêm 2 mũi vắc xin, đạt tỉ lệ 100%.

Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đón khách du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VH, TT&DL. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch. Phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhất là phương án xử lý sự cố trong quá trình đón, phục vụ khách du lịch cho các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch nhằm nâng cao năng lực y tế phòng, chống COVID-19; thực hiện tốt quy định 5K.

Tổ chức khảo sát, xây dựng, công bố vùng xanh về điểm đến, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn và các cơ sở dịch vụ khác để đưa vào thí điểm đón, phục vụ khách du lịch theo lộ trình. Theo dự báo, trong khó khăn của COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch phải giải thể và dừng hoạt động, tuy nhiên sẽ có nhiều doanh nghiệp mới xuất hiện dựa trên sự nhận thức về các thay đổi và biến chuyển, chớp lấy cơ hội mới của ngành du lịch để phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sớm mở lại du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học

Đình Nam |

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn.

Quảng Nam đón khách du lịch nội địa từ tháng cuối tháng 10

Thế Phong |

Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch mở cửa đón khách trong thời gian tới. Theo đó, từ cuối tháng 10 này, tỉnh sẽ đón khách tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam là người địa phương, sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành phố gần kề.

Hướng dẫn viên du lịch làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ thế nào?

PV |

Ông Phương Văn Dần là hướng dẫn viên tiếng Nga đã được 15 năm, 3 lần đổi thẻ. Do dịch COVID-19, thẻ của ông đã hết hạn nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương ông hiện không tổ chức đợt học lấy thẻ mới. Ông Dần hỏi, trường hợp ông cần làm thủ tục gì để xin hưởng trợ cấp hướng dẫn viên?

Bộ VHTT&DL hướng dẫn việc đưa du lịch, giải trí hoạt động trở lại

Diệp Anh |

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ VHTT&DL đã có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.