74 là con đường tỉnh lộ nối giữa Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh nhánh đông, thuộc địa phận huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Trong giai đoạn chống Pháp, chiến thắng Đường 74 đã làm nức lòng chiến sĩ đồng bào cả nước, kinh động quân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, những chiến công của quân giải phóng đã làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Ngày nay, Đường 74 tiếp tục sứ mệnh giao thương, mở ra sự phát triển của một thị tứ Nam Đông ở miền Tây Gio Linh.
Sau chiến dịch Lê Lai năm 1950, thực dân Pháp tập trung xây dựng ở Nam Đông, Gio Linh thành một cụm cứ điểm quân sự với hệ thống đồn bốt kiên cố.
Thực hiện chủ trương tiêu diệt cụm căn cứ này, Bộ Chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 95 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Gio Linh tổ chức đánh vào Nam Đông. Sáng ngày 18/3/1952, địch đã huy động 80 xe chở 1.200 quân, một đại đội pháo 75 mm, 2 chiếc máy bay L.19, 4 chiếc máy bay Hen - cát lên cứu viện.
Ông Nguyễn Đình Vân, Cựu chiến binh trung đoàn 95, người trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử này cho biết: “Chúng ta đã thiết lập trận địa phục kích trên Đường 74, cách vị trí Nam Đông 3 km về phía Đông. Sau 5 giờ chiến đấu quyết liệt, dũng cảm, ta tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá huỷ 15 xe cơ giới và xe bọc thép, thu phần lớn vũ khí, quân trang quân dụng của địch khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy”.
Chiến thắng 74 Nam Đông đã đi vào câu ca dao in sâu vào lòng người bao thế hệ: “Nam Đông cho chí Hà Thanh/Con đường 74 hôi tanh máu thù”. Sau thực dân Pháp, nhận thấy đây là con đường chiến lược, Mỹ tiếp tục sử dụng con đường 74 để nối hệ thống khu căn cứ Cồn Tiên, trong đó có trận địa pháo trên đỉnh cao này nhằm khống chế phía Bắc Quảng Trị và bắn ra Vĩnh Linh. Đường 74 và vùng Nam Đông - Cồn Tiên tiếp tục là những địa danh máu lửa ghi dấu các trận đánh ác liệt giữa ta và địch.
Sau ngày nước nhà thống nhất, vùng dọc theo Đường 74 ngổn ngang vật liệu nổ và hố bom chằng chịt. Huyện ủy Gio Linh có chủ trương đưa Nhân dân vùng Đông của huyện lên đây thành lập vùng kinh tế mới. Bà Dương Thị Sành, nguyên Bí thư Chi bộ xã Gio Hòa, chia sẻ: “Những ngày đầu lên đây xây dựng vùng quê mới, cán bộ và Nhân dân gặp vô vàn khó khăn, vừa rà phá bom mìn, vừa cải tạo đất đai để trồng trọt, không ít người đổ máu trên mảnh đất này. Thực hiện quyết tâm bám trụ, vừa ổn định cuộc sống, vừa phát triển kinh tế, các thôn thống nhất lấy chữ Hòa chung cho tên gọi các thôn, thứ tự là “Đại Hòa, Đồng Hòa, Tâm Hòa, Nhất Hòa, Trí Hòa, Tiến Hòa”, với ý nghĩa đại đồng tâm, nhất trí tiến.
Thực hiện chủ trương sáp nhập các địa phương, hiện nay 2 xã nằm dọc theo tuyến đường 74 là Gio Sơn và Gio Hòa nhập lại với tên gọi mới: xã Gio Sơn. Ông Nguyễn Văn Lạc, Phó Chủ tịch xã Gio Sơn, cho biết: “Với lợi thế vùng đất đỏ ba dan phù hợp cho các loại cây ăn trái, cây công nghiệp, cùng với nỗ lực của chính quyền và người dân đã mang lại những kết quả khả quan, với những vườn cây trái sum suê hoa lợi. Cán bộ và Nhân dân xã Gio Sơn ngày nay bắt tay vào việc làm giàu cho gia đình và quê hương”.
Để ghi nhớ sự kiện này, ngày nay tại địa điểm xã Gio Sơn, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã xây dựng bia công tích làm nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ mai sau.
Chính từ mảnh đất mang dấu ấn này đã có những con người góp phần làm nên những lát cắt oanh liệt của lịch sử dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm. Ngày nay, thế hệ đi sau tiếp tục vẽ nên bức tranh về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)