Có lẽ không ít người đã đọc những bài chính luận thẳng thắn về hiện tình nóng bỏng của đất nước do tác giả Lê Kiên Thành viết và được đăng trên các tờ báo lớn.
“Âm thanh” là truyện của Lê Kiên Thành vừa được giới thiệu trang trọng lên đầu Tạp chí “Nhà văn và Cuộc sống” số 6 - Tết Nhâm Dần. Có thể xem đây là một truyện vừa, gồm 11 chương ngắn với dung lượng 23 trang tạp chí khổ lớn. Tôi đọc truyện, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác...Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết như thế sau khi đọc truyện "Âm thanh" của tác giả Lê Kiên Thành, con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Bất ngờ trước hết là tác giả. Đã đành, trong văn chương quan trọng nhất là những gì trải ra trên trang giấy (hình như có lý thuyết về vấn đề này, nhưng tôi không sành nên đành nói một cách nôm na như trên) nhưng với một tác giả “mới toanh” thì hẳn là ai cũng tò mò… Thấy ảnh tác giả gắn phù hiệu không quân, tôi đã yên chí đây là một cây bút mới, kiểu như Bình Ca (tác giả truyện “Quân khu Nam Đồng” đã được tái bản nhiều lần) và tình cờ trùng tên với một nhân vật có xuất thân đặc biệt - người mà tôi từng đọc những bài viết mạnh mẽ góp ý với lãnh đạo để xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh. Thế nhưng hỏi Tòa soạn Tạp chí thì hóa ra “hai trong một” - đúng hơn là “ba trong một” - vì Lê Kiên Thành, tác giả truyện “Âm thanh” chính là con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn, hiện là một doanh nhân thành đạt!
Bất ngờ nữa là đọc vài chương đầu, cứ nghĩ đây là một truyện tình yêu học trò dễ thương - Nam và Thu học cùng lớp, thầm yêu, rồi Nam thất vọng khi biết anh Dũng “đẹp trai - học giỏi - con… cán bộ rất to”, học trên hai lớp yêu Thu… Nhưng đến phần sau của truyện, bạn đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi tác giả mở không gian lên tận vùng dân tộc Cao Bằng và trại dạy các em khuyết tật câm điếc… Bất ngờ và xúc động đến rơi nước mắt trước tình cảm thật đẹp của Thu và Nam khi biết tin Dũng hy sinh lúc lái máy bay thử nghiệm dù biết đây là “hư cấu”, cũng như việc bà Mế ở Cao Bằng tặng Thu chiếc vòng cổ có phép lạ cứu người và chuyện Thu mù cả hai mắt sau khi cứu được bao em nhỏ câm và khiếm thị…
Định không viết gì nhiều với một truyện vừa của cây bút mới, nhưng có điều tôi muốn nói thêm, sau khi đọc lời giới thiệu của Tòa soạn (có lẽ do ấn tượng “bất ngờ” về xuất thân đặc biệt của tác giả?) nên đã nhấn mạnh “thế hệ con cái của lớp người đã mang trọn vẹn đời cống hiến cho đất nước […] giữ gìn được phẩm giá, truyền thống, để không xấu hổ với cha anh họ”. Thực ra, ấn tượng sâu đậm đọng lại trong độc giả, theo tôi là vẻ đẹp và sức mạnh kỳ diệu của nghệ thuật song hành cùng con người trong trắng, thánh thiện như Thu. Và ở đời, muốn “được” thường phải “mất”; cũng như mỗi chiến công đều phải trả giá! Hình như đây cũng là thông điệp quan trọng nhất mà tác giả gửi gắm - một thông điệp cho mọi thế hệ, nếu không ngại mang tiếng “đại ngôn” thì có thể nói đó là thông điệp có ý nghĩa muôn đời. Chính là Thu, đã tiết lộ với Nam lời Mế dặn khi trao truyền chiếc vòng cổ có thể cứu người nhưng“sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Và mình phải trong trắng thì điều đó mới linh nghiệm”.
Các em bé câm bỗng thốt lên gọi “mẹ”, các em mù bỗng nhận biết thế giới xung quanh, đâu chỉ nhờ chiếc vòng đá kỳ bí lóe ánh sáng xanh, mà trước đó phải cùng lặng yên, thành kính như một nghi lễ, để nghe tiếng hát kỳ diệu của Thu từng thu hết “hồn vía” bao bạn bè, bà con dân tộc cho đến các chiến sĩ biên phòng…
Hình ảnh Thu không ngại ngần dốc hết sinh lực đến mù mắt để đem lại ánh sáng cho đàn em khiếm thị gợi chúng ta nghĩ đến ngọn lửa Đan cô - chàng trai đem trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho đoàn người vượt qua đêm tối trong một tác phẩm của văn hào M.Gorki. “Ngọn lửa Đan-cô” là một chương trong cuốn sách đầu tay “Vì sự sống con đường” của tôi viết về cuộc chiến đấu hào hùng bảo vệ đầu mối quan trọng “đường mòn Hồ Chí Minh” dưới chân đèo Mụ Giạ đã được nhà văn Nguyễn Thành Long chọn đăng trên Báo Văn nghệ từ năm 1967. “Đan - cô” của tôi là những cô gái gác đèn phòng không suốt đêm này đến đêm khác, có thể làm mồi cho bầy phản lực bất cứ lúc nào, chứ không phải như Đan-cô dứt quả tim soi đường chỉ thực hiện được một lần trong đời. Tiếng hát có sức mạnh diệu kỳ của Thu cũng vậy, cứu chữa hết các em bị câm, đến các em khiếm thị - một sự hy sinh không dữ dội như Đan - cô nhưng lại mang một vẻ đẹp dịu dàng khiến lòng người rung động sâu xa…
Là một cây bút mới nhưng Lê Kiên Thành tỏ ra khá cao tay trong cấu trúc và cả trong sự chừng mực cần thiết khi miêu ta. Như trong đêm sấm sét kinh người ở Cao Bằng, khi Thu quá sợ phải chạy sang phòng Nam, chui vào chăn ôm riết lấy người bạn trai… Và từ đầu truyện, rồi nhiều đoạn tiếp theo như “điệp khúc, tác giả đã dành những dòng chữ đẹp nhất miêu tả giọng hát như trời cho của Thu với những ca khúc được bao thế hệ truyền tụng cùng bức tranh Nam vẽ đôi mắt Thu với biết bao tâm huyết. Đó là cách tác giả tạo tâm thế khiến người đọc khó cầm được nước mắt khi chứng kiến “cao trào” của truyện. Đó là lúc Thu cất tiếng hát bài “Trở về Surianto”, dân ca Ý. Không biết là ngẫu nhiên hay khi dẫn những ca khúc nổi tiếng mà Thu hát tặng mọi người, tác giả đã “nhập vai” những người con Quảng Trị xa cách quê nhà 20 năm bởi con sông giới tuyến Hiền Lương với lòng thương nhớ khôn nguôi? Bạn có để ý không, tác giả mở đầu truyện với bài “Xa khơi” đã hút hồn bao thế hệ bởi giọng ca Tân Nhân - một người con Làng Mai Quảng Trị - “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi!...” và kết thúc truyện, cũng là những lời ca nặng lòng với quê hương:
“Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la/Lòng ta như rộn vang ngàn câu ca/Ôi đất nước xinh tươi như mộng đời/Lưu luyến trong tâm hồn bao người…”. Thật bất ngờ đã nghe bạn hát bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ thấy giọng bạn trong, rung động, tình cảm đến thế […] Bạn lại lên thêm tông nữa khiến âm thanh cao vút như tận từ trời xanh vọng về. Tôi nhìn ra xung quanh và giật mình, hàng trăm con người đều chắp tay, quỳ xuống, mắt nhắm nghiền chờ đợi và hy vọng. Thu vẫn hát, vẫn hát, say sưa và nồng cháy như đây là lần cuối cùng vậy …”
Tác giả miêu tả từ góc nhìn của Nam và đã phải thốt lên: “Tôi thấy ruột gan như thắt lại”. Bởi đó chính là lúc một, rồi hai, ba đứa trẻ…khiếm thị mắt bỗng sáng lên, chạy đi tìm người thân và thét kêu gọi mẹ, goi bố, gọi bà; còn hai khóe mắt Thu chảy ra hai dòng máu; cô chưa biết mình đã mù nên thốt lên: “Sao đang vui mà mọi người lại tắt hết đèn thế hả Nam?”.
Như thế, nếu dùng thuật ngữ văn học, Lê Kiên Thành từ bút pháp hiện thực ở phần đầu truyện, đến phần sau đã chuyển sang nghệ thuật huyền ảo (hay huyền thoại) một cách khéo léo. Có thể là tác giả không ý thức việc vận dụng các lý thuyết văn chương khi viết truyện, nhưng cảm hứng trước số phận các nhân vật đã xô đẩy ông đến cách viết kỳ ảo. Là “tác giả mới” nhưng Lê Kiên Thành đã viết như một nhà văn thực thụ.
Một truyện vừa của cây bút mới có chi mà phải dài dòng. Chẳng phải vì xuất thân đặc biệt của tác giả, mà tôi vốn có cái thú muốn thử ngòi bút “tay trái” - nói vui thì có thể gọi là “phê bình ngoại hạng”, khi được bình luận những tác phẩm mới - tác giả mới như đã từng với Nguyễn Thế Quang khi anh công bố tiểu thuyết “Nguyễn Du” và “Thông reo Ngàn Hống”, với cô giáo Nguyễn Hải Yến khi tập truyện “Quán Thủy thần” và “Hoa gạo đáy hồ” vừa in xong, với bà lão Xuân Phượng khi “hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng” chưa được trao giải…
Được biết Lê Kiên Thành còn có những truyện khác nữa… Không biết đã có nhà xuất bản nào nghĩ tới việc “chắp cánh” cho những tâm hồn đẹp như Thu đến với bạn đọc cả nước hay chưa?
(Nguồn: Báo Quảng Trị)