Biết thông tin nhà văn Sơn Tùng - tác giả 'Búp sen xanh' qua đời, nhiều nhà văn, nhà thơ, độc giả đã bày tỏ sự xúc động, tiếc thương.
Nhà văn Sơn Tùng, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Búp sen xanh” đã qua đời vào hồi 23 giờ 5 phút ngày 22/7 tại nhà riêng, (ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, thành phố Hà Nội), hưởng thọ 93 tuổi.
Thương tiếc nhà văn “Búp sen xanh”
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều vừa chia sẻ thông tin và bày tỏ niềm thương tiếc đối với nhà văn có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nổi bật nhất là “Búp sen xanh.”
“Búp sen xanh” (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1982) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng, người đã dành trọn cuộc đời mình để viết về Bác Hồ và các vị anh hùng, những nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc. Tác phẩm kể về thời thơ ấu và một phần tuổi trẻ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở làng quê Nghệ An, rồi kinh đô Huế, nơi đã nuôi dưỡng ý chí, tâm hồn và nhân cách của một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại.
Với tiểu thuyết này, nhà văn Sơn Tùng thực sự đã trở thành người đầu tiên mở một hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, một người con xứ Nghệ. Tác phẩm đã được tái bản hàng chục lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. “Búp sen xanh” cũng đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh
“Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Biết thông tin, nhiều nhà văn, nhà thơ, độc giả cũng bày tỏ sự xúc động, tiếc thương. Nhà thơ Phạm Thu Yến viết : “Kính cẩn bái biệt nhà văn, Anh hùng lao động vô cùng đáng kính trọng về nhân cách và tài văn.”
Nhà văn Minh Chuyên thì nhắn gửi: “Cầu cho hương hồn ông về cõi thiêng nơi cửa Phật. Vĩnh biệt một tấm gương lao động nghệ thuật đặc biệt, một nhà văn anh hùng cũng rất đặc biệt.”
Với nhà văn Đỗ Xuân Thu, ông gửi lời vĩnh biệt nhà văn Sơn Tùng và khẳng định rằng "Búp sen xanh" sẽ còn tỏa hương thơm mãi.
Kiên cường trên trang viết
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh năm 1928 trong một gia đình nhà nho tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Từ 1944 đến 1971, trước khi trở thành nhà văn, là 27 năm ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên. Năm 1944, khi mới 16 tuổi, Sơn Tùng đã sớm tham gia Cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên Thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong.
Năm 1965, nhà văn Sơn Tùng là đặc phái viên của Báo Tiền Phong tác nghiệp chủ yếu tại vùng chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng. Ông cùng đồng nghiệp bám sát các mặt trận, các đợt trinh sát, gần gũi dân, đến nhiều địa điểm nóng bỏng để phản ánh kịp thời cuộc sống và chiến đấu của bộ đội, đồng bào. Từ thực tế chiến trường, ngoài tin tức, bài vở đăng trên các số báo Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài Bắc với bút danh Sơn Phong và miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm dày dặn sau này.
Ngày 15 tháng 4 năm 1971, tại căn cứ Tà Nốt ở chiến khu Đ (thuộc tỉnh Tây Ninh), khi Sơn Tùng cùng đồng đội đang chuẩn bị lên khuôn cho kỳ báo đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì bị máy bay Mỹ tấn công. Ông bị thương rất nặng, mảnh đạn M79 găm khắp thân thể, chấn thương sọ não, vỡ xương vai, nửa người bên phải hầu như bị liệt không đi lại được, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn hai ngón, thị lực còn 1/10, tai bị rách phải khâu lại không biết bao nhiêu lần, trí nhớ sụt giảm.
Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4 nhưng vẫn tiếp tục cầm bút. Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà Cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc. Bệnh tật và những vết thương hành hạ nhà văn hàng ngày nhưng ông kiên cường làm việc, với sự hỗ trợ tận tụy như một thư ký của vợ, bà Phan Hồng Mai, người vốn là một y tá từng chữa trị cho ông từ mặt trận. Theo lời kể lại từ nhà thơ Hữu Thỉnh, có lúc vợ của nhà văn còn phải buộc ông vào ghế khi viết để tránh những cơn co giật xúc động làm cơ thể bị liệt của ông ngã xuống bàn viết.
Từ năm 1974 tới nay, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện.
Nhà văn Sơn Tùng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Ông là nhà văn Việt Nam thứ hai, sau nhà văn Chu Cẩm Phong, được phong danh hiệu anh hùng.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Sơn Tùng:
“Bên khung cửa sổ” (Nhà xuất bản Lao động, 1974) “Nhớ nguồn” (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1975)
“Con người và con đường” (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1976) “Trần Phú” (Nhà xuất bản Thanh niên, 1980)
“Nguyễn Hữu Tiến” (Nhà xuất bản Thanh niên, 1981)
“Bông sen vàng” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1990; NXB Kim Đồng, 2016)
“Trái tim quả đất” (Nhà xuất bản Thanh niên, 1990)
“Hoa râm bụt” (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1990)
“Mẹ về” (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1990)
“Vườn nắng” (Nhà xuất bản Thanh niên, 1997)
“Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh” (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2005)
“Bác ở nơi đây” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2005)
“Chung một tình thương của Bác” (Nhà xuất bản Thông tấn, 2006)
“Lõm” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2006)
“Tấm chân dung Bác Hồ” (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2013)
“Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2015)
“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2016)
(Nguồn: Vietnam+)