Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Hà Phương |

Tới viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới văn chương như nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Đỗ Chu, Nguyễn Văn Thọ, Hữu Thỉnh…

Sáng nay 24/3, đông đảo văn sĩ, trí thức và người hâm mộ văn chương đã đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi vòng hoa đến viếng.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 14h30 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi. Ông mắc bệnh hồi tháng 3 năm ngoái, từ đó chỉ nằm trên giường hoặc ngồi dựa, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình. Những lúc khỏe, nhà văn có thể chống gậy đi một đoạn ngắn. Ngoài ra, ông vẫn viết thơ, vẽ tranh cho khuây khỏa trên giường bệnh. Thế nhưng từ khi vợ qua đời cuối năm ngoái, sức khỏe, tinh thần ông sa sút.

Sáng nay 24/3, đông đảo văn sĩ, trí thức và người hâm mộ văn chương đã đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Sáng nay 24/3, đông đảo văn sĩ, trí thức và người hâm mộ văn chương đã đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20/4/1950 ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì - Hà Nội. Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc.

Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1968, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Hơn 50 năm cầm bút, ông có 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý.

Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn "Tướng về hưu" (chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988), "Những ngọn gió Hua Tát" (tập truyện ngắn và kịch, 1989), "Tuổi 20 yêu dấu" (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động ghi sổ tang.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động ghi sổ tang.

Mới đây, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021 với 2 tác phẩm "Tướng về hưu" và "Những ngọn gió Hua Tát".

Hội nhà văn Việt Nam đứng ra cùng gia đình tổ chức lễ tang cho cố nhà văn. Tới viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới văn chương như nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Đỗ Chu, Nguyễn Văn Thọ, Hữu Thỉnh…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động rơi nước mắt khi viết sổ tang. "Thiệp ơi, bạn ơi, nhà văn tài năng của tôi ơi. Thôi đi nhé - Mưa tháng ba - Hà Nội tiễn bạn, bao người thương yêu tiễn bạn đây. Hẹn sau nơi xa ấy... "Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt" của một "Thương nhớ đồng quê" Việt Nam". Bạn văn Nguyễn Văn Thọ. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery ghi sổ tang: "Gửi đến tác giả 'Tướng về hưu' lời tạm biệt. Sự mất mát của ông là vô cùng to lớn cho văn đàn Việt Nam cũng như những thiện cảm, đóng góp mà ông dành cho các tác phẩm của Pháp".

Trong điếu văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều một lần nữa khẳng định giá trị văn chương Nguyễn Huy Thiệp: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá bút pháp của cố nhà văn "trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật", "văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người", "văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người".

 

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.

Nguyễn Quang Thiều nói trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ, khiêm nhường, im lặng trước mọi khen chê, đố kỵ, khiêu khích. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để không ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông có một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu, giải phẫu nó. "Với những gì ông đã viết cho cuộc đời, ông được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình", ông Nguyễn Quang Thiều kết thúc điếu văn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn.

Giây phút mặc niệm ông, giai điệu ca khúc “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn vang lên qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Văn Minh.

Sau lễ viếng, thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống Nhà hoá thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được đưa vễ nghĩa trang gia đình thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội dự kiến từ 15 giờ 30 đến 17 giờ cùng ngày.

(Nguồn: vov)

Đồng nghiệp xúc động chia sẻ kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Gia Vũ |

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, nhiều đồng nghiệp của ông đã chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ.

Nhà văn Kim Lân được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Thanh Giang |

Trong hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật được Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị, nhà văn Kim Lân có 3 truyện ngắn là “Con chó xấu xí,” “Ông lão hàng xóm,” “Ông Cả ngũ.”

Nhà văn Hoàng Hải Lâm và những cơn mơ giữa miền nắng rát

Nguyễn Phú |

Mỗi khi nhớ đến Tiến (tên thật của nhà văn Hoàng Hải Lâm), người bạn miền Trung của mình, hiện lên trong tôi là hình ảnh người đàn ông trung niên đứng lặng buồn dưới gốc cây ô môi giữa khoảng sân nhà. Người đàn ông ấy nhớ mạ, nhớ những mùa ô môi bung nở, mạ quét xác hoa bời bời đỏ trong cái gió nóng quê nhà.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của dân tộc

PV |

Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước; nhà văn hóa lớn của dân tộc, con người rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.