Nhà văn, nhà báo Phan Quang - cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng Việt Nam

PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh |

Tôi vui mừng khôn xiết khi nhận được cuốn sách khổ rộng, bìa sáng, nội dung vô cùng đa dạng, có sức hút lớn ngay từ khi lướt qua từng trang sách.

Vẫn biết, đây là tác phẩm tập hợp những bài viết chủ yếu của hàng chục nhà báo, nhà văn, nhà khoa học, nhà chính trị… trong buổi tọa đàm khoa học về “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”, nhưng tôi vẫn dừng lâu say mê và suy ngẫm về tiêu đề của từng tham luận: Một tấm gương lao động không ngừng nghỉ; Cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta; Ngưỡng mộ một cây bút tài năng và nhân hậu; Phan Quang một tên tuổi lớn của làng báo Việt Nam; Mấy cảm nghĩ về nghề qua nhà báo lớn Phan Quang; Tấm gương mẫu mực về cuộc đời và nghề nghiệp; Qua những con người bắt gặp cả một thời đại; Cây bút vạm vỡ và đa tài; Sức sáng tạo thanh xuân; Người chép sử thời đại; Một tầm vóc văn hóa...

34 bài trong tập sách là 34 tít bài không chỉ hấp dẫn về câu chữ mà là sự gói ghém tất cả những phẩm chất đức - tài của một nhà báo, nhà văn đã sống hơn 90 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề bằng nhiệt huyết, đam mê cùng sự sáng tạo phi thường. Với Phan Quang, con số 70 trong nghề nghiệp gắn liền với 70 năm tuổi Đảng mà ông đã vinh hạnh được Thành ủy Hà Nội trao huy hiệu vào năm 2017. Một chặng đường không ít cam go, kể từ khi cậu thanh niên 17 tuổi được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà văn hóa lớn Chế Lan Viên dìu dắt, Phan Quang hăm hở đi theo cách mạng tình nguyện làm phóng viên Báo Cứu Quốc Liên khu IV, để lại một mốc son đáng nhớ đầu tiên trong đời cầm bút: Đó là viết truyện ngắn đầu tay mang tên "Lửa hồng” chỉ trong một đêm để kịp lên trang Văn nghệ cho số Tết năm 1949 - đúng lúc Phan Quang vào tuổi 20, được Chế Lan Viên đánh giá là "truyện ngắn rất được”.

 

Tôi dẫn ra hơi dài trong phần đầu này để muốn khẳng định rằng, dù tiếp cận ở góc độ nào, dù phân tích một tác phẩm cụ thể nào trong cả đời báo, đời văn đồ sộ của Phan Quang, các thế hệ làm báo đều có chung một nhận xét: Ông là một trong những cây đại thụ của làng báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng nhận vinh danh của Nhà nước là “Nhà báo tiêu biểu” nhân lễ trao Giải Báo chí Búa liềm Vàng vào năm 2020 vừa qua.

Đọc từng bài viết, điều đầu tiên tôi thấm thía là, sức hấp dẫn quan trọng nhất của báo chí là sự thật, vì sự thật là "sinh mệnh" của báo chí, mỗi người đọc chờ đợi ở nó những cơ hội tối đa để tiếp cận hiện thực nguyên khối đang hiện hữu. Nhưng qua ngòi bút tài năng, Phan Quang đã giúp bạn đọc khám phá đúng bản chất, chỉ ra chiều hướng vận động của sự kiện, qua đó gieo niềm tin vào tương lai. Chính vì vậy, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức - nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) viết: “Phan Quang hoạt động trên nhiều lĩnh vực ghi dấu ấn riêng và giá trị bền vững. Anh là nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác, nhà văn tài năng. Anh là con nước chảy giữa hai bờ báo chí và văn chương. Anh cũng là dịch giả đáng tin cậy với nhiều tác phẩm từ cổ đại đến hiện đại. Nhiều người coi Phan Quang là nhà văn hóa lớn, với kiến thức thông tuệ, uyên bác. Điều đặc biệt là, bất cứ đồng nghiệp nào từng làm việc với Phan Quang đều cảm nhận rõ sự kỹ càng, cẩn trọng và tôn trọng đến từng chi tiết nhỏ. TS Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin tâm sự: “Cách đây gần hai năm, Phan Quang viết một bài báo giới thiệu cuốn “Nơi ấy là chiến trường” tôi vừa gửi tặng. Đã ngoài 90 tuổi, anh vẫn lặn lội cầm bản thảo đến tận nhà đưa tôi và nói “xem có gì cần góp ý, sửa chữa, bổ sung”. Một việc làm để lưu cho nhiều người suy ngẫm và cảm phục về hành xử văn hóa vô cùng.

Tôi được may mắn viết lời giới thiệu cho cuốn Hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” của Phan Quang, xuất bản vào tháng 8/2019. Tôi nhớ lại thời gian làm việc ở Báo Nhân Dân vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong thư viện vẫn giữ truyền thống lưu giữ các bài viết được cắt dán của từng phóng viên của báo, đặt vào các ô ở kệ gỗ trong phòng đọc. Chúng tôi, lớp người đi sau thường hay vào đây tìm đọc những bài viết của các thế hệ đàn anh. Thật ngỡ ngàng và ngưỡng mộ, trong “gia tài” ấy có hàng nghìn bài viết của Phan Quang - những sản phẩm kết tinh công sức và trí tuệ sung mãn của cây bút yêu nghề, luôn sáng tạo, đổi mới từ cách phát hiện vấn đề đến cách thể hiện sinh động, cuốn hút nhờ độ nhạy cảm chính trị, nghệ thuật nắm bắt xu hướng thời cuộc vận động cùng với sự chắt chiu làm giàu vốn ngôn ngữ. Đọc bài ông, người đọc nể trọng biệt tài giao hòa lửa báo với hơi văn, có sức hấp dẫn và thuyết phục lớn bạn đọc. Đúng như ông tâm sự: “Báo chí và văn học là hai thể loại rạch ròi, nhưng là con cùng một mẹ, nghề báo, nghiệp văn luôn gắn bó với nhau, trong báo có văn, trong văn có báo.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Phan Quang là một nhà báo kỳ cựu, một nhà văn, dịch giả tài năng. Với kiến văn rộng rãi, sự trải nghiệm sâu sắc và tầm nhìn xa rộng, Phan Quang viết về bất cứ lĩnh vực nào cũng gợi nên nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Ở nước ta, Phan Quang là một trong số những tên tuổi lớn đóng góp vào một sự thay đổi căn bản trong văn hóa đọc, hình thành một loại hình mới: “văn, báo bất phân”. Ông là người bạn thân thiết của nhiều trí thức hàng đầu Việt Nam: Tố Hữu, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, Hải Triều, Chế Lan Viên… Nói theo ngôn ngữ của các nhà tiểu thuyết, với các trí thức văn nghệ sĩ, Phan Quang là nhà văn “thuộc nhân vật” của mình. Ngòi bút của Phan Quang trở nên thoải mái, thân thiết, chất tự sự đan xen với trữ tình, thoáng một vài chi tiết hay cảm nhận, là anh đã làm nổi bật thần thái và tài năng độc đáo của từng người. Nhiều người đã say mê đọc các tác phẩm nổi tiếng như: Những ngôi sao ban ngày của Olga Bergholtz, Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Mười hai sử thi huyền thoại, Trà thư… do Phan Quang dịch, thậm chí họ đem theo suốt đời như một hành trang tinh thần.

Có thể dẫn ra nhiều “lời có cánh” từ các bài viết của nhiều tác giả, xuất phát từ đáy lòng cảm phục và kính trọng Phan Quang nên đã có những nhận xét xác đáng về tài nghệ viết báo, viết văn; về phong cách, đức độ lịch lãm; về tính khiêm tốn, bình dị; về tình thương và trách nhiệm dẫn dắt, động viên các thế hệ đi sau tiếp nối con đường Phan Quang đã đi liền mạch. Chúng ta khó có thể dùng hết ngôn từ để nói về những đóng góp to lớn của ông đối với nền báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam. Hơn 70 năm, dù ở cương vị nào, ông luôn đam mê, sáng tạo. Với tư cách là người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, ông cùng các thế hệ lãnh đạo hội đã xây dựng và đặt nền móng vững chắc cho những hoạt động chủ yếu, tạo hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng, mà đóng góp nổi bật là người chủ yếu đề xuất và soạn thảo Luật Báo chí năm 1989; Xây dựng Quy ước Đạo đức nghề nghiệp người làm báo cách mạng; tổ chức và định hướng hoạt động cho các ấn phẩm báo chí của hội, trong đó có Tạp chí Người Làm Báo - Cơ quan chính trị, lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang (thứ 6, trái sang) và các đại biểu dự tọa đàm - Ảnh: H.V​
Nhà văn, nhà báo Phan Quang (thứ 6, trái sang) và các đại biểu dự tọa đàm - Ảnh: H.V​

Phan Quang là nhà văn hóa lớn, nhưng trong buổi tọa đàm, ông chân thành tỏ lòng biết ơn Giáo sư Hà Minh Đức, người thầy giáo đáng kính đã dạy ông ở bậc đại học, dù về tuổi đời giáo sư trẻ hơn ông. Ông tâm sự, cõi người có hạn, tâm người vô cùng.”Trăm năm trong cõi người ta” - thi hào Nguyễn Du viết như vậy. Cõi người giới hạn trăm năm, nhưng cái tình giữa người với người, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp; cái nghĩa của người với bạn; cái tâm cái đức trong nghề báo, nghiệp văn… luôn cần được gìn giữ, xới vun, không thể để xâm hại, rạn nứt. Mỗi đề tài, mỗi câu chữ sao có thể đi ngược lại lợi ích của Đảng và Nhân dân? Ông đã nghĩ, làm như vậy và vào tuổi 93 hôm nay, với dòng suy nghĩ chủ đạo ấy, Phan Quang vẫn tiếp tục “nhả” cho đời những “sợi tơ vàng óng”, nêu một tấm gương sáng về tài năng và phẩm hạnh của người cầm bút cho thế hệ trẻ noi theo.

Thành tâm chúc ông trường thọ, tiếp tục viên mãn với cây bút và trang sách!

Hà Nội, 20/4/2021

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ông Trương Đức Minh Tứ tái cử chức Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Quảng Trị

Hưng Thơ |

Hội nhà báo tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 26.9.

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị qua các kỳ đại hội

Trần Đăng Mậu |

Sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại (1/7/1989), ngày 22/12/1989, Thường vụ Tỉnh uỷ ra Quyết định số 87QĐ/TV thành lập Hội Nhà báo Quảng Trị, để tập hợp những người làm báo trong tỉnh vào một “mái nhà chung”. Đến nay Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị đã trải qua 6 kỳ đại hội.

Nhà báo Quảng Trị bén duyên văn

Xuân Dũng |

Để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi chỉ xin giới hạn thời gian đề cập trong bài viết là khoảng trên dưới ba mươi năm trở lại đây, tức là có thể lấy mốc từ khi tái lập tỉnh Quảng Trị năm 1989 cũng được.

Khi nhà báo làm…thơ

Hoàng Hải Lâm |

Trời đất có 4 mùa, nhưng Trần Hoài thuộc mùa thứ... 5. Ngoài xuân, hạ, thu, đông ra anh còn có nguyên một mùa… chán chết! Nói như thế vì tôi quá hiểu anh, con người cô đơn giữa mênh mông con người. Trong thiên hạ, số này ít, và có khi, đó là nghệ sĩ đích thực.