Nhà báo Quảng Trị bén duyên văn

Xuân Dũng |

Để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi chỉ xin giới hạn thời gian đề cập trong bài viết là khoảng trên dưới ba mươi năm trở lại đây, tức là có thể lấy mốc từ khi tái lập tỉnh Quảng Trị năm 1989 cũng được.

Do đặc thù đào tạo ngày trước nên nhiều nhà báo vốn xuất thân là dân đại học văn khoa (chủ yếu là Khoa Ngữ văn-Đại học Tổng hợp Huế, nay là Đại học Khoa học Huế)  nên về sau dù thành ký giả chuyên nghiệp thì chất văn chương vẫn ảnh hưởng lâu dài trong công việc viết lách của mình. Nhiều người không chỉ làm báo mà còn sáng tác thơ, viết truyện, bút ký, phê bình tiểu luận, nghiên cứu lịch sử...

Bìa tập sách của nhà báo Nguyễn Hoàn
Bìa tập sách của nhà báo Nguyễn Hoàn

Quảng Trị tuy là tỉnh nhỏ nhưng có một đội ngũ nhà báo viết văn khá hùng hậu. Tuy mức độ đóng góp cho văn chương có khác nhau nhưng có thể kể tên: Y Thi, Lâm Chí Công, Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng, Hồ Chư, Lê Quang Thông, Lê Văn Trâm, Nguyễn Hoàn, Lê Đức Dục, Minh Tứ, Đào Tâm Thanh, Đinh Như Hoan, Trần Thu Hòa, Nguyễn Tiến Đạt, Hồng Thám, Phan Thị Thanh Minh, Phan Bùi Bảo Thy, Phạm Xuân Hùng (Từ Dạ Thảo), Lê Xuân Lãm, Đoàn Phương Nam... Còn lập nghiệp xa quê từ trước ngày tái lập tỉnh  có Trần Thanh Bình, Trần Đình Thu, Nguyễn Linh Giang, Trần Trình Lãm...

Xin bắt đầu bằng gương mặt văn nhân quá cố - nhà báo Nguyễn Tiến Đạt. Nhà báo Nguyễn Tiến Đạt trước khi qua đời tòng sự tại báo Quảng Trị. Anh viết báo sắc sảo, viết báo có văn từng đạt giải A giải báo chí toàn quốc. Nhưng ngoài nhà báo Nguyễn Tiến Đạt còn có một nhà thơ cũng tên như thế. Thời nay nhiều người kêu lên vì lạm phát thơ theo kiểu nói của Nguyễn Bảo Sinh: "Đêm nằm nghĩ mãi không ra/Tại sao người ấy lại là nhà thơ" nhưng đọc thơ Nguyễn Tiến Đạt thì chắc mọi người không thất vọng. Thơ anh dân dã mà phóng túng, bông phèng mà tài hoa. Nhiều người vẫn nhắc đến mấy câu như "Tuyên ngôn thi" của anh : " Vô vi thì buồn, viết thì sợ/Trời rộng đành nâng chén ngang mày..." Tôi mơ hồ nhận ra đó là tâm trạng thi sĩ đã ít nhiều kinh qua trường văn trận bút, từng chạm trán với án văn tự. Riêng tôi có kỷ niệm tình cờ khi đọc hai câu thơ anh viết, đến nay vẫn nhớ :  " Ơi người tóc bạc cùng tôi/Lại đây ta nói những lời bướm ong". Nguyễn Tiến Đạt ngoài sự có mặt trong tập thơ "Còn đây thương nhớ" cùng Hàn Nguyệt, Lê Đức Dục..., anh còn in chung với nhà thơ Nguyễn Văn Dùng tập thơ  "Tự tình"; anh cũng cho ra đời hai tập thơ riêng mình  : "Người đi nhặt cuội" (1996) và "Khúc hát tình tang" (1999). Anh cũng là tác giả tập phóng sự-bút ký:  " Soi mặt dòng Bến Hải".

 Nguyễn Tiến Đạt có một số bút ký báo chí nhưng vẫn có chất văn chương như "Ấn tượng một vùng đất", "Dòng sông của những thiên tình sử". Ở bài sau, đoạn cuối của anh thăng hoa bắt đầu từ sự cảm thương đoạn trường của một nhan sắc Ô Lâu từng là vương phi triều Nguyễn: "Tôi cúi chào hương hồn bà Ngọt ra đi mà lòng cứ bùi ngùi. Một đời lụa là gấm vóc rồi cũng trở về cát buị, về với bến sông Ô Lâu để lại cho đời một tình sử bi thương tiếc nuối. Tôi lặng nhìn Ô Lâu mà chẳng biết sông chảy về đâu nữa. Vâng, sẽ về biển thôi! Nhưng sao nước sông cứ phân vân đến thế. Phải nơi này ngày xưa Huyền Trân gạt nước mắt theo chồng để rồi: "Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi..." ? Có phải nơi này người con gái xứ Hải Sơn là Trần Thị Dương xin phép chồng để đội tang đi lấy đầu danh tướng Thái Phiên, Trần Cao Vân bị Pháp chém ở An Hòa để đem về chốn viên tịch. Tôi xin cúi lạy các anh chị, lạy Ô Lâu đã cho tôi biết thế nào là TÌNH YÊU! Hình như hư vô ghé tai tôi bảo: Dòng sông đang chảy! Về thôi!"

Bìa tập sách của nhà báo Nguyễn Tiến Đạt
Bìa tập sách của nhà báo Nguyễn Tiến Đạt

 Lê Đức Dục là một trong những nhà báo năng động, xông xáo của báo Tuổi Trẻ, giành được nhiều giải thưởng báo chí quan trọng. Nhắc đến anh với vai trò ký giả bạn đọc sẽ nhớ nhiều đến một Lê Đức Dục luôn nóng hổi với những bài viết về biên giới, biển đảo; một Lê Đức Dục khác nữa lại cũng luôn đau đáu tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó, nạn nhân chất độc da cam và những mảnh đời cần những trái tim thiện nguyện. Nhưng anh còn là nhà thơ dù bản thân anh không hề tự nhận mình như thế. Thơ Lê Đức Dục thường man mác hồn quê và nheo mắt đa tình. " Bây giờ em đã thành nỗi nhớ/Mưa bão nằm quên cuối tháng mười/ Miền xuân về biếc ngoài song cửa/Ký ức hiền như dòng sông trôi/ Lòng anh hóa rộng dài bờ bãi/ Phù sa kỷ niệm ngấu đôi bờ/ Giêng hai trời đất mang áo mới/ Xuân này em còn mang áo xưa/ Có người ngồi giặt nơi bến cũ/ Nắng tầm xuân thơm áo Hà Đông/ Có giữ buồn vui thời thiếu nữ/ Hay thả trôi vời cuối mái sông?/ Có nghe ngọn nắng buồn hỏi nhỏ: / Còn nhớ hay quên thưở yêu người?/ Một phía dòng sông thương bến lở/ Một phía tình ai mãi đắp bồi... "(Nắng tầm xuân).

Ký Lê Đức Dục cũng thường ám gợi da diết hoài niệm, nhất là mỗi khi nhắc đến quê nhà. Anh từng được báo Văn Nghệ tặng thưởng bút ký hay năm 1996. Trong bút ký "Thương quá quê nhà" người đọc dễ đồng cảm với người viết sau khi nói về những món ăn nhà quê của dân Quảng Trị: "Hóa ra hạnh phúc nhiều khi không phải là dư dã áo cơm, tưng bừng cao lương mỹ vị. Chỉ cần biết quê nghèo đã chắt chiu từ mưa nắng đất đai cho ta những vị mặn mòi nồng ấm, như mẹ nghèo vẫn cho ta lớn khôn bằng hạt lúa, củ khoai và lời ru hời hỡi. Ngần ấy thôi, đủ ta lúc cô lẻ chốn đất khách quê người còn có một nơi để nỗi hoài hương ngược miền cố xứ, có cháo bột cá tràu, có chếnh choáng Kim Long, có người em gái nâu mắt thẳm huyền, có một nơi cho nỗi nhớ biết chốn đi về, ngược xuôi trong miền ký ức... là Kẻ Diên, là Quảng Trị quê nhà".

 Nhà báo Nguyễn Hoàn vốn là một sinh viên văn khoa học hành cần mẫn, giỏi giang được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Nếu anh không muốn xê dịch chắc chúng ta sẽ có thêm một nhà khoa học đầy đủ học hàm, học vị,  nghiên cứu phê bình văn chương đúng nghĩa. Nhưng nghề báo và quê hương đã vẫy gọi anh về làm ký giả. Nguyễn Hoàn thực sự là một nhà báo đa năng ngày càng ít đi trong làng báo. Anh có thể viết những phóng sự điều tra sắc sảo, những bài bình luận có chất lượng, những phản biện được dư luận chú ý.

Nhưng mặt khác anh còn là cây bút phê bình tiểu luận vững vàng, với sở học căn bản, cách viết linh hoạt, có những phát hiện bất ngờ, thú vị của một người "nhiều chữ", có những khái quát đủ độ thuyết phục người đọc. Hàm lượng thông tin, tri thức và chất xám vẫn thường có mặt trong những tác phẩm của anh. Một số bài viết tiêu biểu của anh như: "Mẹ Gio Linh- mẹ Việt Nam", "Festival Huế 2002- từ một góc nhìn", "Hoàng Phủ Ngọc Tường  "về nguồn xưa gối tay nằm bệnh", "Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng", "Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ", " Cố đô Hoa Lư và bài học giữ bước"...Trong bút ký "Mẹ Gio Linh- mẹ Việt Nam" người đọc khoái cảm, hứng thú và đồng tình với giọng văn hào sảng và thi vị: "Xuân làng Mai đã trổ màu", câu thơ của nhóm Bích Khê Hoàng gia thi phái (nhóm thơ họ Hoàng làng Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong) gửi báo "Xuân làng Mai", tờ báo viết tay của người làng Mai ra đời thời tiền khởi nghĩa quả đã ứng vận với hôm nay. Đình Mai Xá Chánh đang được trùng tu lại và đề nghị công nhận di tích lịch sử của tỉnh. Cả đến con rùa trong đình này cũng có một số phận hy hữu lạ thường. Năm 1968, lính Mỹ đưa xe về húc tan đình làng và lấy đi con rùa trong đình, con rùa quý, trên thân mạ sắc vàng có có hai con hạc đứng. Năm 1995, chính người lính Mỹ lấy rùa đình làng sang trả lại cho làng. Người Mỹ cũng đã biết lỗi trước văn hóa làng Mai vậy. Người làng Mai không những đánh giặc dũng khí có thừa mà còn chuộng tài hoa văn chương, học vấn hết mực. Một sớm anh Tùng dẫn tôi băng vào một vùng cây cối nguyên sinh rậm rạp, đó là lòi Mai Xá Chánh, nơi người làng Mai đã dựng nên Văn Thánh vào năm 1910 nhằm tôn vinh những người học hành đỗ đạt. Ngày trước cạnh Văn Thánh có một cây trầm nguyên sinh to lớn, mình chảy nhựa đầy. Làng làm lễ "khuyến học" tại Văn Thánh trong hương nhựa trầm xông ngào ngạt. Anh Tùng và tôi bâng khuâng bước trên nền Văn Thánh, lần tìm những viên gạch cũ, bóc gỡ lớp rêu phong của thời gian vẫn thấy hiện nguyên màu sắc nâu hồng được nung đúc từ bầu máu nóng của ông cha. Năm 1980, nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng đã đến đây để khảo sát, cho đào hố khai quật. Ông đề nghị cho rào lại khu vực Văn Thánh để bảo vệ trong khi chưa phục chế. Thời chiến dùng võ công. Thái bình dùng văn trị. Hương mai, hương trầm làng Mai thêm ngát lừng".

 Nguyễn Hoàn giành được nhiều giải thưởng báo chí, văn học nghệ thuật của tỉnh và trung ương. Ngoài sự góp mặt trong nhiều tập phóng sự - bút ký, anh còn in riêng hai tập sách phóng sự- bút ký: "Một cõi vĩnh hằng" (Hội VHNT tỉnh Quảng Trị 2002) và "Mai sau dù có bao giờ" (NXB Thuận Hóa 2007). Nếu không bận rộn với công việc quản lý văn học nghệ thuật và truyền thông, chắc có lẽ Nguyễn Hoàn sẽ có thêm nhiều bài viết thú vị.

  Sẽ còn có không ít tác giả và nhiều điều chưa thể nào nói hết trong bài viết này. Mong rằng sẽ được tiếp tục vào một dịp khác.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Nỗ lực của những người làm báo ở vùng cao

Thanh Lê |

Không quản ngại khó khăn, vất vả, những người làm báo ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) hằng ngày luôn đam mê, sáng tạo, góp sức chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế để phản ánh qua các tác phẩm báo chí, từ đó giúp cấp ủy, chính quyền trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Nồi cháo tình thương” ấm lòng người bệnh của nữ nhà báo hưu trí

Phương Nga - Kỉnh Ngọc |

Cứ như thường lệ, đúng 5h30 sáng những suất cháo thơm ngon, nóng hổi lại được gia đình nữ Nhà báo Ngô Phương Mai mang đến phát tận tay cho những người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Dấu ấn của những người lính trẻ

Bảo Hà |

Chương trình tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và trao giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị” năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức vừa qua đã để lại nhiều xúc động và tự hào về tuổi trẻ quê hương - những người tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, dám dấn thân từ học tập, nghiên cứu, đến lao động sản xuất kinh doanh, giữ vững quốc phòng - an ninh. Và trong đó, hình ảnh những người lính trẻ nỗ lực, cống hiến vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân luôn là những hình ảnh nổi bật, đẹp đẽ nhất.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lĩnh - đam mê và hạnh phúc với nghề dạy học

Minh Đức |

Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) luôn năng động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, làm nguồn cảm hứng để truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh.