Nỗ lực của những người làm báo ở vùng cao

Thanh Lê |

Không quản ngại khó khăn, vất vả, những người làm báo ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) hằng ngày luôn đam mê, sáng tạo, góp sức chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế để phản ánh qua các tác phẩm báo chí, từ đó giúp cấp ủy, chính quyền trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Đakrông là huyện miền núi có hơn 77% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, địa hình bị chia cắt nhiều bởi núi, đồi, sông, suối nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù nghề nghiệp, việc đi bộ hàng giờ, ăn mỳ gói qua bữa chỉ để hoàn thành một bản tin hay làm một phóng sự diễn ra thường ngày đối với những người làm báo nơi đây.

Những người làm báo của Trung tâm VHTT- TDTT huyện Đakrông tác nghiệp ở vùng cao. Ảnh: Tư Liệu
Những người làm báo của Trung tâm VHTT- TDTT huyện Đakrông tác nghiệp ở vùng cao. Ảnh: Tư Liệu

Chị Lâm Phương, Trung tâm Văn hóa thông tin- Thể dục thể thao (VHTT- TDTT) huyện Đakrông cho hay: “Để có những sản phẩm báo chí, tôi cùng các đồng nghiệp phải đến từng thôn, bản xa nhất để nắm thông tin, quay hình, viết bài. Chúng tôi thường xuất phát từ lúc trời mờ sáng bằng xe gắn máy, có hôm phải trèo đèo, lội suối, đi bộ hàng giờ mới đến được địa điểm làm việc. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng đặt chân đến các bản làng, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh khi nhận được những nụ cười thân thiện, tình cảm nồng ấm của người dân. Chính tình cảm chân tình ấy đã giúp chúng tôi có thêm động lực để vượt khó, sản xuất ra những sản phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống của đồng bào vùng cao hay phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khó khăn trên mỗi chặng đường tác nghiệp cũng giúp những người làm báo chúng tôi thêm trưởng thành hơn và thêm yêu nghề mình lựa chọn”.

Với đặc thù của một huyện vùng cao nên để sóng phát thanh, truyền hình phủ đến với tất cả mọi thôn, bản, Trung tâm VHTT- TDTT huyện Đakrông có thêm 4 trạm thu phát đặt tại các xã vùng sâu, vùng xa. Để đảm bảo hoạt động của các trạm, một đội ngũ kỹ thuật viên phát thanh- truyền hình đã bám bản để thực hiện nhiệm vụ. Anh Phạm Văn Cơ, kỹ thuật viên công tác tại Trạm thu phát lại đóng trên địa bàn xã A Vao có thâm niên trong nghề hơn 10 năm. Nhiệm vụ chính của anh Cơ là bám bản, phụ trách kỹ thuật tại các trạm thu phát lại, qua đó phát hiện sự cố kịp thời để khắc phục, đảm bảo nguồn thông tin thông suốt đến với mỗi bản làng. Làm việc ở nơi xa khu trung tâm hơn 70 km, mỗi tháng chỉ được về nhà từ 1-2 lần nên đối với anh Cơ, trạm chính là ngôi nhà thứ hai còn dân bản như những người thân yêu ruột thịt. Tuy không trực tiếp sản xuất ra các tác phẩm báo chí nhưng anh lại là cầu nối đưa thông tin đến với bà con vùng cao, kể cả những bản làng xa nhất.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Cơ cho biết: “Ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào nghề, tôi đã được phân công nhận nhiệm vụ tại trạm thu phát lại tại xã. Đang sinh sống ở nơi đông đúc dân cư bỗng dưng phải chuyển đến làm việc ở bản làng heo hút, dân cư thưa thớt, ngày đêm chỉ biết làm bạn với đống máy móc vô tri nên ban đầu tôi rất buồn, có những lúc muốn từ bỏ tất cả. Nhưng chính tình cảm của bà con dân bản, niềm vui của họ khi hằng ngày được tiếp thu những thông tin bổ ích qua đài phát thanh, truyền hình từ chính trạm thu phát của mình, rồi sự quan tâm, sẻ chia từ lãnh đạo cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp…đã tạo thêm động lực để tôi nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Được biết, ngoài nhiệm vụ đưa thông tin đến với người dân, anh Cơ còn là một tuyên truyền viên trực tiếp ở cơ sở để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân...

Hậu phương vững chắc của người làm báo

Cuối năm 2018, Trung tâm VHTT- TDTT huyện Đakrông được thành lập trên cơ sở sáp nhận Đài PT- TH, Trung tâm Thông tin TDTT và một bộ phận sự nghiệp văn hóa của huyện Đakrông. Một trong những chức năng quan trọng của trung tâm đó là thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, 1 tuần trung tâm sản xuất 5 chương trình phát thanh, thời lượng mỗi chương trình dài 30 phút gồm 7- 8 bản tin, 2 phóng sự và 1 bài tuyên truyền. Bên cạnh đó, còn cộng tác với Đài PT-TH tỉnh thực hiện chuyên mục “Đakrông hành trình giảm nghèo bền vững” bình quân 2 số/ tháng; thực hiện các chương trình hằng ngày trên trang thông tin của trung tâm; cộng tác với trang thông tin của huyện Đakrông; viết tin, bài cộng tác với Báo Quảng Trị và các cơ quan báo chí Trung ương. Khối lượng công việc khá nhiều nhưng đội ngũ làm công tác tuyên truyền của trung tâm chỉ có 10/ 20 cán bộ, viên chức, trong đó có 5 cán bộ thực hiện các chương trình hằng ngày. Nhân lực ít, địa bàn tác nghiệp khó khăn, hiểm trở nên để hoàn thành nhiệm vụ được giao đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của những người làm báo nơi đây.

Giám đốc Trung tâm VHTT- TDTT huyện Đakrông Hồ Thị Sáu cho biết thêm: “Đội ngũ những người làm báo của trung tâm luôn sẵn sàng có mặt trên mọi địa bàn để chuyển tải đến khán, thính giả thông tin kịp thời. Địa bàn tác nghiệp cả đi và về xa nhất là 200 km, có những quãng đường phải đi bộ mất hàng giờ mới đến nơi làm việc. Thế nhưng, bất kể ngày hay đêm, những người làm báo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tình yêu và niềm đam mê nghề nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thông qua hình thức lưu động, cổ động trực quan... cũng được trung tâm quan tâm thực hiện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm báo trong quá trình tác nghiệp, giúp họ có một hậu phương vững chắc, Trung tâm VHTTTDTT huyện Đakrông đã tạo điều kiện cho các cán bộ được học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị; tạo cơ chế phù hợp để động viên những người làm báo yên tâm công tác; xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó giúp mỗi phóng viên, kỹ thuật viên, biên tập viên… ngày thêm yêu nghề và có nhiều cống hiến vì sự nghiệp báo chí tại địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Già làng Hồ Vê nêu gương sáng

Trần Tuyền |

Ông Hồ Vê (sinh năm 1944) là già làng, người có uy tín ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Phát huy vai trò của đảng viên và người có uy tín nên sau khi về hưu, ông Hồ Vê là người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Học theo ông, người dân trong thôn cũng mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người nghèo hiến đất xây trường

Trúc Phương |

Tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành, một trong những địa phương vẫn còn nhiều khó khăn của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) , chúng tôi được nghe người dân kể về câu chuyện tình nguyện hiến đất xây trường của gia đình anh Phạm Đức Minh. Nhờ nghĩa cử cao đẹp đó, những đứa trẻ ở vùng quê này đã có ngôi trường rộng rãi, khang trang để học tập.

Nhiệt huyết cô giáo trẻ

Mỹ Nhị |

Không nhiều người ngạc nhiên khi danh sách các đại biểu vinh dự lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, năm 2020 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức có tên cô Ngô Phương Thảo (sinh năm 1988), giáo viên Trường THPT Cửa Tùng. Nhiều năm qua, cô Phương Thảo là tấm gương sáng cho mọi người, đặc biệt là các em học sinh noi theo.

Người gửi tuổi xuân cho núi rừng

Quang Hiệp |

Luôn tâm niệm “tuổi trẻ là tuổi cống hiến”, nhiều năm qua, anh Nguyễn Xuân Thắng đã dồn toàn tâm, toàn sức, cùng lãnh đạo và nhân dân xã A Bung, huyện Đakrông làm khởi sắc miền quê nghèo.