Từng bước xây dựng A Túc thành trung tâm cụm xã vùng Lìa

Công Điền |

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, xã A Túc là cái nôi cách mạng của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đây cũng là nơi sản sinh ra những người con ưu tú cho Đảng bộ, chính quyền huyện Hướng Hóa. 

Hòa bình lập lại, từ một xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, A Túc đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế- xã hội.

Thế hệ trẻ của A Túc hôm nay
Thế hệ trẻ của A Túc hôm nay

Trong ký ức của già làng Côn Giới và các cựu chiến binh từng sống và chiến đấu ở đây, cho đến bây giờ, A Túc vẫn vẹn nguyên là mảnh đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống cách mạng hào hùng. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965 - 1968, vùng đất bên dòng Sê Pôn này đã từng là căn cứ địa của cách mạng. Lịch sử Đảng bộ xã A Túc ghi rõ, trong giai đoạn trên, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn xã đã sát cánh cùng với lực lượng du kích, bộ đội chủ lực đánh bại hàng chục cuộc hành quân lấn chiếm và bình định có trọng điểm của địch.

Đồng bào đã tham gia sôi nổi phong trào chế tạo vũ khí thô sơ như cung tên, bẫy chông để chống lại súng đạn của quân thù. Tính đến cuối năm 1966 đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở A Túc đã vót trên 500 nghìn cây chông, đào, đặt hơn 1.000 hầm chông, thiết kế và bố trí 3.000 bẫy chông các loại, 20 bẫy đá phân bố rải rác khắp các nẻo đường của bản làng, nương rẫy, ngăn không cho địch đổ bộ vào căn cứ địa cách mạng. Khi chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa diễn ra vào năm 1968, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân A Túc đã tham gia dẫn đường, vận chuyển vũ khí đạn dược, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch và ngày toàn thắng của dân tộc.

Sau năm 1975, vùng Lìa là một trong những địa bàn trọng điểm kinh tế mới miền núi của tỉnh Bình Trị Thiên. 7 xã vùng Lìa trong đó A Túc nằm ở trung tâm, bên hồ nước lớn Lìa. Đến năm 1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, từ đây xã A Túc đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội, bản làng đổi thay từng ngày. Anh Hồ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã A Túc cho biết: Đến nay 100% thôn bản trong xã đều có điện lưới quốc gia; hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa về tận bản làng, tạo điều kiện cho các hoạt động giao thương buôn bán của người dân.

Trên địa bàn xã hiện có 4 cấp học, trong đó 1 trường THPT, 1 trường THCS, 1 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo và 1 trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân trong xã và các địa bàn lân cận. Đặc biệt, từ khi tuyến đường Lìa dài gần 40 km kết nối từ Quốc lộ 9 đi qua trung tâm A Túc vào tận xã Ba Tầng được nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, việc giao thương, đi lại trở nên thuận lợi. Con đường này trở thành huyết mạch kết nối 7 xã vùng Lìa với các xã dọc đường 9 và 2 thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, xuôi về đồng bằng.

Các loại vật liệu xây dựng và nhiều mặt hàng tiêu dùng trước đây người dân phải đi bộ mấy chục cây số ra tới thị trấn mới có thể mua được thì nay chỉ cần có nhu cầu là thương lái đã chở vào tận nơi. Rồi sắn, chuối, lúa, ngô, heo, gà và nhiều loại nông, lâm sản khác cũng nhờ đó mà được đưa đi tiêu thụ khắp nơi thuận lợi hơn. Với lợi thế về đất đai, khí hậu cùng sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, hiện toàn xã đã phát triển được gần 450 ha sắn KM94, 27 ha lúa nước và một số cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê, cao su…mang lại thu nhập khá cho người dân trên địa bàn. Theo quy hoạch phát triển các khu vực trọng điểm kinh tế của huyện Hướng Hóa, trong tương lai, ngoài xã Hướng Phùng được chọn làm trung tâm cụm cho các xã phía Bắc huyện thì về phía Nam, A Túc sẽ được đầu tư xây dựng thành trung tâm cụm xã cho vùng Lìa.

Thời gian không xa nữa, A Túc sẽ trở thành thị tứ, là “đòn bẩy” giúp các xã vùng Lìa vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, sớm hội nhập vào sự phát triển chung của toàn huyện. Hiện nay, A Túc cũng đã được người dân bản địa và cán bộ, giáo viên công tác ở vùng Lìa mặc nhiên xem là “thị tứ” của các xã phía Nam huyện. Bây giờ ở A Túc đã có nhiều cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán xá, các đại lý vật liệu xây dựng mọc lên san sát chẳng kém gì ở những xã có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Người dân vùng Lìa khi có nhu cầu tiêu dùng chỉ cần đến trung tâm xã A Túc là đã được đáp ứng khá đầy đủ, không cần phải ra tới thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo như trước đây.

Đêm đêm, khi ánh điện vừa được thắp sáng, trai gái từ các bản làng xa xôi, nhiều cán bộ, giáo viên vào công tác ở vùng Lìa đều chọn A Túc làm nơi vui chơi, giải trí sau những ngày lao động, công tác mệt nhọc. Dáng dấp một thị tứ A Túc bên dòng Sê Pôn đang dần rõ hình hài. A Túc đang chuyển mình đi lên trong sự phát triển chung của huyện miền núi Hướng Hóa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Làng biển thiếu người đi biển

Quang Bửu - Công Điền |

Lao động trên các tàu đi biển tuổi ngày càng lớn, không có người trẻ nối nghiệp khiến nghề biển Quảng Trị đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng.

Sức sống mới ở huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng

Nguyên Lý |

Chiến dịch lịch sử Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi vẻ vang, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Xây dựng Gạo sạch Triệu Phong trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện

Cảnh Thu |

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang sau khi kiểm tra diện tích lúa sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên và tình hình thiệt hại lúa do ảnh hưởng của không khí lạnh trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vào ngày 15/4/2020.

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chế biến

Trần Anh Minh |

Thực hiện chủ trương phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều cơ sở chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty nhỏ. Các cơ sở sản xuất này ngày càng khẳng định tính hiệu quả nhờ phát huy được thế mạnh nguyên liệu sạch của địa phương để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.