Làng biển thiếu người đi biển

Quang Bửu - Công Điền |

Lao động trên các tàu đi biển tuổi ngày càng lớn, không có người trẻ nối nghiệp khiến nghề biển Quảng Trị đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng.

Từ đầu năm 2020, hàng loạt tàu cá của các huyện Gio Linh, Triệu Phong và Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị đã thu về mỗi tàu hàng trăm triệu đồng nhờ được mùa cá cơm, cá trích… Tuy nhiên, các ngư dân của tỉnh này đánh giá đây chỉ là được mùa “nóng” do chi phí mỗi chuyến ra khơi đang ngày càng đắt đỏ. Điều họ lo âu nhất là nhân công đi biển ngày càng hiếm, khiến nhiều chủ tàu cá phải chi trả một số tiền lớn để thuê lao động ở các tỉnh khác hoặc chấp nhận đưa lao động non tay đi biển.

Nhiều tàu cá phải nằm bờ do không có nhân lực đi biển. Ảnh: Công Điền.
Nhiều tàu cá phải nằm bờ do không có nhân lực đi biển. Ảnh: Công Điền.

Chị Hồ Thị Huệ tại KP3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh bày tỏ, gia đình chị sở hữu tàu cá xa bờ chuyên đánh bắt cá thu, cá ngừ đại dương dài ngày với 7 nhân công làm việc thường xuyên trên tàu. Tuy nhiên, trong đó có 4 lao động chị phải tìm thuê ở các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh… qua lời giới thiệu của các ngư dân khác. Kiếm lao động tại chỗ hiện tại gần như không có, do người trẻ không còn mặn mà đi biển hoặc có thì họ chỉ làm cho các tàu của gia đình. Trên thực tế, người trẻ nhất trên tàu của gia đình chị Huệ cũng đã ngấp nghé tứ tuần, già nhất trên tàu là người anh họ nay cũng đã 65 tuổi. Chị Huệ chia sẻ gia đình chị đã nhiều đời sống bằng nghề biển, nếu mãi như thế này thì chưa đến mười năm nữa, khi những người trên tàu này ngày càng già đi, không thể đi biển được thì lúc đó chẳng biết tìm ai để nối nghiệp.

Trong tình trạng lo âu, anh Nguyễn Thanh Hiếu, một ngư dân ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh băn khoăn chia sẻ, để giữ được lực lượng lao động cho chuyến ra khơi tiếp theo thì các chủ tàu thường phải cho ngư dân ứng trước tiền lương để yên tâm ở lại tàu, không thì các chủ tàu khác lôi kéo mất lao động có tay nghề của mình. Thực tế, ngư dân đi biển ngày càng ít đi, lại cao tuổi, sức yếu; trong khi đó số trẻ lại có xu hướng thích đi xuất khẩu lao động hơn. Để giải quyết khó khăn này, một số chủ thuyền phải tìm mọi cách, đi đủ các địa phương tìm người có tay nghề cho tàu của mình ra khơi, nếu không tàu phải nằm bờ. Một số chủ tàu ở đây cho biết nếu như trước đây mỗi năm đi biển từ 10-14 chuyến thì trong hai năm vừa qua chỉ đi phân nửa số này. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay có tàu chỉ đi một hai chuyến. 

Ông Hoàng Xuân Hùng trú tại KP7, TT. Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết: từ đầu năm 2020, giá bán các loại cá, tôm giảm mạnh do ảnh hưởng của COVID-19 khiến doanh thu của các chủ tàu giảm sút rõ rệt, nhiều tàu ra khơi phải nợ tiền dầu, tiền nhân công, lương thực, thực phẩm, tiền mua đá lạnh trữ cá của các nhà cung cấp dịch vụ... Song lo nhất là thiếu hụt nhân lực lao động trên biển. Trước đây, ngư dân cần tàu thì hiện nay tình hình hoàn toàn ngược lại, tàu đang khát ngư dân.

Những chiếc tàu ngày càng thưa bóng ngư dân. Ảnh: Công Điền.
Những chiếc tàu ngày càng thưa bóng ngư dân. Ảnh: Công Điền.

Thời điểm thuận lợi nhất để các ngư dân miền Trung làm ăn và vươn khơi xa là mấy tháng đầu năm. Theo các chủ tàu cá, các năm trước thời điểm này rất nhộn nhịp nhưng năm nay thật sự ảm đạm. Các chủ tàu không chỉ thông báo tuyển người mà còn trực tiếp đi tìm bạn thuyền, tìm lao động nhưng vẫn không đủ. Trung bình mỗi tàu trên 100 mã lực vươn khơi xa cần 7-8 người cùng chủ tàu đi đánh bắt. Nếu chỉ có 4-5 người thì không hiệu quả. Để vươn khơi bám biển, các chủ tàu thường phải bỏ ra khoảng chi phí ban đầu luôn trên cả trăm triệu đồng, tuy nhiên nếu không thể ra khơi thì các chủ tàu lại phải đối diện với một khoản nợ khổng lồ.

Huyện Gio Linh là địa phương có nghề cá phát triển mạnh nhất, chiếm hơn một nửa sản lượng khai thác hàng năm của tỉnh Quảng Trị, đây cũng là địa phương có đội tàu đông đảo nhất. Một số lượng lớn sản lượng khai thác cá ngoài việc xuất khẩu, bán lẻ thì còn là nguồn nguyên liệu cho hơn 120 cơ sở sản xuất cá hấp, sấy khô xuất khẩu trên địa bàn. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, nhiều tàu cá không thể ra khơi do thiếu lao động, kéo theo tình trạng không đủ nguyên liệu cho các cơ sở sấy, hấp cá tại đây.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ một cơ sở cá hấp sấy khô tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết: gia đình tôi mọi năm sản xuất đến hơn trăm tấn cá thành phẩm nhưng bây giờ nhiều tàu không ra khơi nên không đủ cá để hấp. Cộng thêm việc không thể xuất bán hàng qua cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến gia đình chị Hồng cùng nhiều cơ sở hấp, sấy cá khô lao đao.

Đánh bắt thủy hải sản xa bờ là nghề mang lại thu nhập khá lớn cho ngư dân Quảng Trị từ lâu nay nhưng hiện tại họ đang gặp cảnh éo le. Thực tế nhiều chuyến tàu ra khơi vì không may mắn gặp được đàn cá nên nhiều tàu tay trắng trở về, trong khi chi phí mỗi chuyến đi biển là rất lớn. Theo tính toán của các chủ tàu cá tại thị trấn Cửa Việt, tiền trả công cho mỗi lao động đi biển phải tốn 12 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Cùng với đó, trong thời gian tàu cập bến, chuẩn bị hậu cần ra khơi, các lao động còn được các chủ tàu cá lo chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt nên tiền chi phí đội lên. Nếu mỗi lần đi biển trúng cá thì các chủ tàu sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 20 đến 30 triệu đồng, đen quá thì coi như tay trắng trở về. 

Chủ tịch thị trấn Cửa Việt Trần Đình Cảm thừa nhận, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt trầm trọng nhân công lao động, nhưng ngư dân của thị trấn cũng như các địa phương của Quảng Trị vẫn chấp nhận chi một số tiền lớn để thuê nhân công các tỉnh khác về đi biển nhằm giữ cái nghề lâu đời này của cha ông để lại và góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.

TAGS

Xây dựng Gạo sạch Triệu Phong trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện

Cảnh Thu |

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang sau khi kiểm tra diện tích lúa sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên và tình hình thiệt hại lúa do ảnh hưởng của không khí lạnh trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vào ngày 15/4/2020.

Cam Lộ, huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM của Quảng Trị

Thanh Lê |

Hôm nay 16.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 520/QĐ-TTg về công nhận huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019. 

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chế biến

Trần Anh Minh |

Thực hiện chủ trương phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều cơ sở chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty nhỏ. Các cơ sở sản xuất này ngày càng khẳng định tính hiệu quả nhờ phát huy được thế mạnh nguyên liệu sạch của địa phương để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. 

Cam Lộ: Cây chè vằng cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha

Anh Vũ |

Nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn (xã Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị), đã triển khai mô hình trồng cây chè vằng ở tất cả các xã trên địa bàn.