Những năm qua, huyện Gio Linh (Quảng Trị) triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế vùng biển nhằm mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của vùng biển; tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh khai thác thuỷ sản xa bờ gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh…
Kết quả đạt được nổi bật trong phát triển kinh tế vùng biển huyện Gio Linh chính là kinh tế thủy sản. Hoạt động khai thác thủy sản, nhất là khai thác xa bờ có nhiều chuyển đổi cơ bản, thể hiện rõ nét ở việc đầu tư đóng mới tàu vỏ thép, nâng cấp, thay thế tàu vỏ gỗ bằng gia cố vật liệu mới, kết hợp lắp đặt hệ thống trang thiết bị hiện đại. Toàn huyện có 21 tàu xa bờ được đóng mới, 86 tàu được nâng cấp với tổng kinh phí trên 449 tỉ đồng. Thông qua việc thực hiện Nghị định 67 đã hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất 400 CV trở lên với tổng số 109 tàu, có khả năng thích ứng cao với các ngư trường truyền thống, đáp ứng yêu cầu mở rộng ngư trường mới, xa bờ và chuyển đổi ngành nghề khai thác theo hướng nâng cao sản lượng các sản phẩm có giá trị cao, có lợi thế xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện có 939 tàu thuyền cơ giới khai thác thuỷ sản và dịch vụ với tổng công suất 80.747 CV, trong đó tàu xa bờ 169 chiếc. Sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2019 ước đạt 13.891 tấn, tăng 1.431,6 tấn so với năm 2018. Sau sự cố môi trường biển, huyện Gio Linh chủ động thực hiện đa dạng hoá đối tượng, hình thức nuôi, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng con nuôi thuỷ sản. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn vùng biển là 52 ha, sản lượng trong năm 2019 ước trên 263 tấn.
Phát triển nông-lâm nghiệp trên cát ven biển, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, từ đó có nhiều giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả về phát triển sản xuất trên cát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đa dạng ngành nghề… Nổi bật là đã hình thành sản xuất nông nghiệp tập trung như lạc, dưa, đậu, dứa… gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; hình thành nhiều mô hình kinh tế vùng cát có giá trị kinh tế cao như dưa, kiệu, cà muối… trở thành sản phẩm đặc trưng của vùng biển. Chăn nuôi phát triển tốt theo hướng chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Toàn vùng có 18 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp; 431 tổ hợp tác đã góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân vùng biển.Trên cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương, các xã, thị trấn vùng biển Gio Linh đã quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mới, mở rộng quy mô các ngành nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp vùng biển có nhiều bước phát triển, trọng tâm là các ngành nghề thế mạnh như chế biến thuỷ sản, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền… Toàn vùng biển có 345 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với trên 1.850 lao động. Các ngành nghề chế biến thuỷ sản tiếp tục phát huy hiệu quả, cụ thể như sứa khô sản xuất mỗi năm từ 50-70 tấn; sản lượng chế biến bình quân mỗi năm đạt khoảng 5.626 tấn cá, mực hấp sấy, trên 23,6 tấn ruốc đặc, trên 266.000 lít nước mắm… Thương mại- dịch vụ phát triển khá tốt. Toàn vùng có 924 cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ, với 1.850 lao động. Dịch vụ thu mua, vận chuyển thuỷ sản tươi sống, hải sản khô phát triển tương xứng với kết quả đánh bắt, nuôi trồng. Hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu vui vui chơi, giải trí… được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch của vùng biển.
Các địa phương vùng biển triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, làm cho bộ mặt nông thôn, đô thị vùng biển ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung thực hiện hiệu quả chương trình muc tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Hiện toàn vùng có khoảng 412 hộ nghèo, chiếm 5,26%, giảm 4,45% so với năm 2016. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng lao động vùng biển, nâng cao đời sống người dân. Giải quyết việc làm cho nhân dân vùng biển từ năm 2017 đến nay được 1.338 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 635 người, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Đời sống người dân vùng biển ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của khu vực nông thôn đạt hơn 30 triệu đồng, thị trấn Cửa Việt đạt 40,5 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, hiện nay vùng biển Gio Linh đã có bước khởi sắc và phát triển trên nhiều lĩnh vực; đời sống người dân được nâng cao. Từ thành quả này, toàn huyện quyết tâm phát huy những kết quả đã đạt được, chú trọng phát huy tối đa công suất, năng lực đánh bắt thuỷ sản của đội tàu đánh bắt xa bờ, vừa bám chắc ngư trường truyền thống vừa vươn ra ngư trường mới, nâng cao hiệu quả khai thác vùng biển xa. Phát huy hiệu quả các mô hình nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả, chủ động nhân rộng trong vùng và xã lân cận có lợi thế; thực hiện đa dạng đối tượng và hình thức nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng. Tiếp tục đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp trên cát ven bờ. Hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng có lợi thế, phát triển kinh tế trang trại trên cát, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Đổi mới tổ chức, đẩy mạnh ứng dựng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng biển. Phát triển các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh; tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Gio Linh để sắp xếp, tổ chức lại các ngành nghề có thế mạnh của vùng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thương mại-dịch vụ, chú trọng mở rộng quy mô, phát triển dịch vụ du lịch dọc tuyến biển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng biển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)