Thú chơi gốm Nhật ở Quảng Trị

Hoàng Công Danh |

Chơi đồ gốm sứ Nhật Bản là thú chơi từ lâu nhưng ở Quảng Trị có lẽ vẫn còn khá mới mẻ. 

Và nếu như trước đây, những người Quảng Trị thích sưu tầm đồ gốm sứ Nhật Bản phải vào TP. Hồ Chí Minh hoặc gửi nhờ người đi bên Nhật mua về, thì nay đã có những cửa hàng mở ra tha hồ chọn lựa. Ngay tại thành phố Đông Hà, có thể kể đến Nhất Gốm ở kiệt 33 Lãn Ông, Phương Phạm ở 85 Hùng Vương. Vào thị xã Quảng Trị có cửa hàng Thu Thủy ở 65 Lê Duẩn.

Muôn ngả tìm về, mấy nẻo ra đi

Cửa hàng gốm Thu Thủy cũng chính là nhà ở của vợ chồng ông Kha bà Thủy, nằm ngay mặt tiền quốc lộ, lẽ ra là nơi có thể kinh doanh hái ra tiền, nhưng ông bà dành hết không gian để bày những thứ đồ kén khách.
 
 Chủ cửa hàng Thu Thủy niềm nở giới thiệu với khách bộ ấm trà​

Ông Kha cho biết đã có niềm đam mê đồ cổ, đồ Nhật từ hồi còn trẻ, nhưng tới mấy năm gần đây mới được sở hữu một gia tài đồ gốm thế này. Lúc con trai ông đi bên Nhật, biết sở thích của cha nên mỗi chuyến về thăm nhà thường dành toàn bộ hành lí để mang đồ gốm về. Gốm sứ la liệt sắp từ ngoài vào trong phòng ngủ, từ dưới sàn nhà lên tít trên những bục kệ cao. Những bộ ấm trà đủ kiểu, cốc chén, dĩa, bình hoa là mặt hàng phổ biến; bên cạnh đó có những thứ thuộc hàng ít người chơi như thuyền buồm phong thủy, bật lửa và cả những thứ… không biết để làm gì. Đồ nhiều chơi không hết và cũng muốn chia sẻ với người cùng sở thích nên ông mở cửa hàng để bán.

Tại các cửa hàng ở Đông Hà, đồ gốm được phân loại trưng bày lên kệ khá gọn gàng. Các chủ cửa hàng cho hay đất thành phố không gian hẹp, phải khéo bố trí mỗi thứ một ít. Nói đến đấy, chủ cửa hàng Phương Phạm chỉ tay vào phía trong nói còn gần hai chục thùng hàng về chưa khui được, phải mở từ từ bán dần. Nguồn hàng của chị lại lấy từ nhiều nơi, TP. Hồ Chí Minh có, miền Tây cũng có. Nhất Gốm lại trưng bày hàng trong một căn phòng nhỏ dễ thương. Các đồ gốm được tuyển chọn độc đáo, trong đó mặt hàng nổi trội hơn cả là những tượng gốm đặc trưng của văn hóa xứ sở Phù Tang.

Cùng với xu thế bán hàng trên mạng, các cửa hàng gốm cũng thực hiện bán hàng online. Tất cả các cửa hàng gốm ở Quảng Trị đều có trang facebook và đăng dần từng món hàng lên trang. Khách ở xa có thể theo dõi để chọn món hàng ưa thích. Và thực tế phương thức này đã giúp các cửa hàng bán được rất nhiều.
 
 Khách chọn những món “đồ độc” tại cửa hàng Nhất Gốm

Tại Hội chợ thương mại và quảng bá du lịch Quảng Trị tháng 6/2019, có hai quầy hàng bán gốm Nhật. Nó cho thấy nhu cầu chơi gốm Nhật ở Quảng Trị đã rộng hơn. Lần đầu bày bán ở hội chợ Quảng Trị, chủ quầy từ Nghệ An cho biết chỉ bán được cầm chừng, nhưng vẫn hẹn hội chợ lần tới sẽ đưa hàng vào trưng bán.

Giá cả tùy duyên

Chủ cửa hàng Thu Thủy cho biết tuy mở cửa hàng nhưng không mang tính chất kinh doanh. Lời lỗ chẳng quan trọng, giá cả cũng chỉ tương đối và phải chăng. Chẳng hạnmột bộ ấm chén uống trà tầm ba trăm nghìn đồng, nghĩa là tương đương với một sản phẩm ngoài thị trường. Một cái cốc uống nước chỉ hai chục nghìn đồng. Với dân chơi đồ độc, như thế là quá rẻ. Một số mặt hàng không lắp được thành bộ như chén, dĩa, thố hộp, đồ dùng trong bếp… thì bán theo cân, mỗi cân tầm bảy chục ngàn. Hoặc chủ quán chọn các món gốm cùng màu sắc, cùng hoa văn, gọi là set gốm để bán.

Để có được một set gốm thu hút khách, chủ phải khéo chọn. Chẳng hạn một bộ dĩa đủ kích cỡ kết hợp vài cái chén, vài cái gác đũa, hũ đựng gia vị cùng tông màu… Và không phải chọn một lần được ngay, đôi khi phải chờ vài đợt nhập hàng mới có được một set. Thú vị của người bán gốm cũng ở chỗ ấy, hồi hộp mở từng thùng hàng mới về để xem trong đấy có những gì. Hàng nhập nguyên thùng từ Nhật, nên may rủi có thùng đẹp thùng xấu.

Có khi lẫn trong mớ đồ này những thứ quý giá mà ngay cả chủ cửa hàng cũng không rõ. Bà Thủy cho biết có vài món đồ mua ở bên Nhật giá cao, nhưng khi bán không biết, thành ra bị lỗ. Ví như cái tống rót trà, bà vừa bán cho khách 30.000 đồng, ngay lập tức có người khác vào ngã giá 1,5 triệu ngay tại cửa hàng.
 
 Ông Kha tâm đắc với những món hàng độc săn được từ những lần hàng về​

Từ những lần bị hớ hàng, coi như là kinh nghiệm để người chủ cần phải tìm hiểu các chủng loại hàng, lọc ra những thứ hàng độc hàng quý cất làm bộ sưu tập riêng, phải khách tin tưởng lắm mới mang ra cho xem. Năm lần bảy lượt ghé quầy gốm Thu Thủy làm quen, tôi mới được ông Kha mang cho xem vài món trong bộ sưu tập quý giá. Một bức tranh, một bộ ấm trà, một bộ rót rượu, một cái máy đánh lửa… tất cả được mạ vàng. Đặc biệt là bộ dĩa 12 con giáp trong truyền thống Nhật, có 3 con vật khác quan niệm người Việt: con thỏ thay cho mèo, con bò thay cho trâu, con cừu thay cho dê. Chơi đồ của xứ sở mặt trời mọc, cũng là cơ hội để hiểu thêm về văn hóa vùng đất ấy. Hỏi thử giá cả, ông Kha cho biết riêng bộ ấm trà đã cỡ hai chục triệu đồng.

Khách mua đồ gốm cũng không phải mặc cả, thấy hợp lí thì mua. Có khi giá cả giữa người bán người mua trở thành một sự tế nhị, nên cửa hàng Nhất Gốm chủ động dán giá trên từng món hàng. Đa phần đã chọn được món đồ ưng ý, người chơi không tiếc tiền. Đấy cũng là chuyện thường của những người chơi đồ cổ, đồ gốm. Thế nên người chơi món này không gọi là mua bán mà dùng từ “giao lưu”. Thật đúng là giá cả tùy duyên.

Râu ông nọ, cằm bà kia

Các thương hiệu gốm nổi tiếng của Nhật thường không sản xuất hàng loạt. Nghệ nhân gốm cũng là những người làm thủ công, nên vừa chủ ý vừa vô tình, họ tạo ra những sản phẩm độc bản. Một bộ ấm trà là một kiểu riêng, không tìm thấy bộ thứ hai. Thậm chí trong một bộ, sáu cái chén uống đã khác nhau hoa văn hình vẽ. Mỗi nghệ nhân có một chữ kí riêng ở sản phẩm.

Quá trình lưu chuyển cũng làm thất lạc, hỏng vỡ một số món trong bộ. Phải lấy bộ này lắp qua bộ kia cũng là chuyện thường của người chơi gốm. Anh Huỳnh, một người mê đồ xưa hồ hởi khoe đã kiếm được cái ấm trà ưng ý. Hôm trước đi hội chợ Quảng Trị kiếm được bốn cái cốc trà màu rêu, sau đó phải lượn hết mấy cửa hàng ở Đông Hà cuối cùng mới kiếm được cái ấm tương tương chất liệu đất và màu sắc. Ngay cả cái ấm anh Huỳnh vừa săn được cũng không đồng bộ giữa nắp và bình. Anh cười: “Thứ này là phải râu ông nọ chắp cằm bà kia thôi, quan trọng là nó trông na ná như một bộ. Nhưng gì thì gì, chất liệu đất gốm phải từ một nơi xuất xứ và nếu được cùng một nghệ nhân thì quý hơn nữa”.

Bộ ấm chén anh Huỳnh săn được là gốm Hagi, một thương hiệu gốm cổ hàng đầu của Nhật chuyên về đồ thưởng ẩm. Chất liệu đất gốm của vùng Hagi mịn và nó chuyển màu theo thời gian sử dụng. Gốm Hagi được phủ một lớp men trong suốt tạo nên sự cổ kính mà vẫn thanh nhã. Say sưa nói về thương hiệu gốm Hagi, anh Huỳnh lật đáy ấm trà trên tay chỉ cho xem dấu khắc chữ kí của nghệ nhân, rồi anh bấm điện thoại cho xem ảnh bốn cốc trà ở nhà, cùng chữ kí của nghệ nhân. Anh Huỳnh cho biết đã lùng sục trên mạng vẫn chưa thấy bộ ấm chén nào như thế.

Vì cái tính độc bản đó nên người sở hữu đồ gốm Nhật được xem là giới sành điệu. Trong khi thị trường đang sản xuất hàng loạt, thậm chí là hàng nhái giống nhau nhan nhản, thì vẫn còn đây những đồ gốm sứ Nhật mỗi cái một vẻ không giống nhau. Nó cho phép con người ta có những khoảnh khắc tự mãn rằng ta đang có thứ duy nhất, độc đáo với một giá cả rất rẻ. Và dân sành chơi mua lấy niềm tin từ những thứ xa xưa ở một xứ sở xa xôi.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đổi phế liệu lấy cây

Q.H |

Đoàn Trường THPT Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa tổ chức hoạt động “Đổi phế liệu lấy cây”. Đây là hoạt động mới mẻ, hết sức ý nghĩa, góp phần kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Phạm Dương Gia Hân đoạt Á quân cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc

Trần Chánh (giới thiệu) |

Phạm Dương Gia Hân (sinh năm 1994), sống tại vùng đất thị trấn Bến Quan, miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đạt Á quân (tối 29/11), sau gần hai tháng tranh tài ở cuộc thi Huda Central’s Top Talent 2019 - Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc miền Trung. Sau cuộc thi này, tiếng hát trong như họa mi của cô gái nhỏ nhắn sẽ tiếp tục tạo động lực cho Gia Hân theo nghề ca hát của mình.

Video Dưới mái hiên nhà

Trần Tú - Hồng Quân- Như Hòa- Ngọc Tú |

Phim tài liệu "Tìm về nguồn cội". Tập 1 "Dưới mái hiên nhà"

Hội chợ thương mại huyện Hướng Hoá năm 2019 sẽ được tổ chức tại xã Tân Lập

Điếu Ngao |

UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Thanh Huyền My tổ chức Hội chợ Thương mại huyện Hướng Hoá năm 2019.

Thị xã Quảng Trị - khát vọng hòa bình và phát triển

QRTV |

Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đang vươn lên trên hành trình trở thành một thành phố Vì hòa bình. 

Trao Giải báo chí viết về nông thôn mới và gặp mặt báo chí năm 2019

Anh Vũ - Lê Trường |

Ngày 29/11, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và huyện Cam Lộ tổ chức trao Giải báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và gặp mặt báo chí năm 2019.

Ước mơ của cô bé Vân Kiều bị viêm xương và tuỷ

Kăn Sương |

Dù phải gác lại việc học để điều trị bệnh viêm xương và tủy nhưng em Hồ Thủy Linh, người Vân Kiều, học sinh lớp 6A, Trường tiểu học và THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vẫn không từ bỏ ước mơ tiếp tục được cùng các bạn đến trường học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Học sinh Trường iSchool Quảng Trị vì một môi trường xanh

Trần Chánh |

Nằm trong chương trình dự án học tập vì cộng đồng - service learning của học sinh Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (TP Đông Hà, Quảng Trị).