Thực hiện chủ trương phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Quảng Trị hiện có nhiều cơ sở chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty nhỏ. Các cơ sở sản xuất này ngày càng khẳng định tính hiệu quả nhờ phát huy được thế mạnh nguyên liệu sạch của địa phương để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh bắt đầu biết đến và tìm mua sản phẩm. Tuy nhiên, việc mới đảm bảo chất lượng mà chưa chú trọng đến mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ sản phẩm là nguy cơ các cơ sở sản xuất dễ dần mất đi khách hàng cũ và khó phát triển được khách hàng mới do dễ bị các cơ sở sản xuất khác nhái sản phẩm. Xuất phát từ thực tế đó, những năm qua, cùng với việc hỗ trợ thiết bị máy móc, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đã qua chế biến.
Cơ sở sản xuất nước mắm Khai Hà, Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh (Quảng Trị) mỗi năm sản xuất hơn 30.000 lít nước mắm thành phẩm. Mỗi năm cơ sở thu về hơn 1,5 tỉ đồng, trừ các chi phí, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Sản phẩm nước mắm Khai Hà được người tiêu dùng cả nước biết đến không chỉ nhờ chất lượng thơm ngon, chế biến sạch và không chất bảo quản mà còn nhờ ông chủ của cơ sở này đã sớm biết cách quảng bá sản phẩm của mình thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và được bảo hộ trên toàn quốc. Sớm nhận rõ lợi ích từ việc đăng ký nhãn hiệu, từ năm 2015, cơ sở đã làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Đến năm 2017, nước mắm nhãn hiệu Khai Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và được bảo hộ trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Minh Khai, chủ cơ sở nước mắm Khai Hà cho biết: “Hiện nay, sản xuất kinh doanh chịu sự cạnh tranh nhiều nên bên cạnh làm ra những mẻ nước mắm chất lượng tốt, sản phẩm chế biến sạch thì cơ sở cũng rất quan tâm đến việc đăng ký nhãn mác, nhãn hiệu để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm mà tìm mua. Khi nhãn hiệu sản phẩm đã được bảo hộ thì việc sản xuất cũng phải đảm bảo chất lượng như đã đăng ký, từ đó sản phẩm ngày càng được nâng cao chất lượng”.
Bằng việc tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ làm thủ tục của Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh, các cơ sở sản xuất sớm nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu trong sản xuất, kinh doanh để từ đó thúc đẩy hoạt động này. Bình quân mỗi năm, trung tâm hỗ trợ được 3 cơ sở sản xuất trên địa bàn trong việc đăng ký nhãn hiệu. Việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất được trung tâm thực hiện theo 2 hình thức là hỗ trợ đăng ký độc lập và hỗ trợ lồng ghép vào nội dung hỗ trợ thiết bị máy móc. Từ trước tới nay, việc đăng ký nhãn hiệu từ kênh Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh được hỗ trợ 50% kinh phí, cơ sở sản xuất phải đóng góp 50% kinh phí. Trung tâm tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện. Trung tâm hỗ trợ thiết kế mẫu mã nhãn mác, làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, in ấn, quảng bá thương hiệu… Mỗi cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu được hỗ trợ 35 triệu đồng.
Việc xây dựng thương hiệu đưa lại nhiều lợi ích cho người sản xuất như: Được hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng; sử dụng logo sản phẩm nên đáp ứng yêu cầu về chất lượng và đảm bảo uy tín; được cập nhật các thông tin cần thiết về thị trường, được tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm; được pháp luật bảo vệ khi thương hiệu bị vi phạm... Còn người tiêu dùng được mua các sản phẩm có nhãn hiệu, rõ nguồn gốc xuất xứ, được đảm bảo bằng các tiêu chí về chất lượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp Quảng Trị Nguyễn Như Thuần cho biết: “Đăng ký nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở sản xuất nên trung tâm rất khuyến khích các đơn vị sản xuất thực hiện, linh động các nguồn vốn có được để hỗ trợ. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đăng ký cán bộ trung tâm cũng hỗ trợ tất cả các công đoạn, giải thích rõ các văn bản pháp quy về quy định đăng ký nhãn hiệu cho cơ sở sản xuất hiểu rõ mới thực hiện nộp hồ sơ lên trung ương”. Các cơ sở đăng ký nhãn hiệu sau khi được công nhận đã phát huy được thương hiệu của mình, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm như thương hiệu cà phê Hải, tinh bột nghệ Trần Lan, tinh bột nghệ Gio An, cà phê Khesaca, tinh dầu tràm Bình An…
Lợi ích thiết thực của việc đăng ký nhãn hiệu đã rõ ràng, nhưng trên thực tế không phải cơ sở sản xuất nào cũng nhận ra được. Vì vậy, số lượng cơ sở sản xuất hằng năm còn quá ít so với thực tế sản phẩm nông sản đã qua chế biến trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở sản xuất phần lớn là quy mô siêu nhỏ, sản xuất thủ công, nhiều chủ cơ sở lớn tuổi ít am hiểu thị trường và có tư tưởng bảo thủ; phần nữa là do vốn đối ứng tương đối nhiều nên các cơ sở chưa mặn mà với việc đăng ký nhãn hiệu.
Trên cơ sở phân tích đánh giá xu hướng, tầm ảnh hưởng của nhu cầu thị trường, yếu tố đặc trưng về chất lượng, công tác quản lý nâng cao giá trị và phát triển của sản phẩm, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất về đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ các bước cần thiết trong đăng ký. Đồng thời, tham mưu để tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 100% phí đăng ký nhãn hiệu để tạo động lực cho các cơ sở sản xuất. Từ đó, giúp các cơ sở sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, phát triển thị trường và thúc đẩy sản xuất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)