Già làng Hồ Vê nêu gương sáng

Trần Tuyền |

Ông Hồ Vê (sinh năm 1944) là già làng, người có uy tín ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Phát huy vai trò của đảng viên và người có uy tín nên sau khi về hưu, ông Hồ Vê là người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Học theo ông, người dân trong thôn cũng mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm 19 tuổi, Hồ Vê hăng hái tham gia thanh niên xung phong, sau đó tham gia dân quân, phục vụ chiến đấu chống giặc cứu nước. Năm 1968, ông về làm Bí thư Xã đoàn Vĩnh Trường. Từ năm 1970, ông đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy xã, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Sau khi về hưu, ông cùng gia đình nỗ lực vượt khó để làm kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Ông Hồ Vê bên vườn tiêu của gia đình
Ông Hồ Vê bên vườn tiêu của gia đình

Thời gian này, qua tìm hiểu nhận thấy cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại được một dự án hỗ trợ về giống và kỹ thuật nên ông tiên phong trồng thử nghiệm. “Ban đầu trong thôn không có ai chịu trồng cả. Sau một thời gian 3 ha cao su của tôi lớn lên, cho thu mủ với giá trị kinh tế cao thì người dân mới thấy được hiệu quả. Vào thời điểm năm 2005, giá cao su cao lắm. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu từ 300-500 nghìn đồng từ bán mủ cao su, ngày nhiều thu được cả triệu đồng. Từ đó, người trong thôn mới bắt đầu trồng cây cao su. Đến nay, toàn thôn có 15 ha cao su”, ông Hồ Vê nói.

Cũng trong quãng thời gian này, ông mạnh dạn trồng thử nghiệm cây hồ tiêu và cây keo lá tràm. “Những năm 2000, trong thôn xã chưa mấy ai trồng các loại cây này nên tôi cũng nhiều lần đắn đo không biết hiệu quả ra sao. Qua đọc sách báo và xem trên ti vi, tôi thấy ở nhiều vùng miền núi trồng được tiêu, keo lá tràm và mang lại giá trị kinh tế cao nên tôi bàn với vợ mua giống về trồng thử”, ông Vê nhớ lại. Sau đó, cây tiêu được ông trồng trong vườn nhà với diện tích hơn 2 sào. Đối với cây keo lá tràm, ông thuê đất của người dân trong thôn rồi thuê máy múc đào hố, tạo vành đai để trồng. Đến nay, gia đình ông có trên 10 ha rừng keo lá tràm.

Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 2 con trâu sinh sản. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ đi các chi phí, gia đình Hồ Vê thu lãi ròng 400 - 500 triệu đồng và tạo việc làm thời vụ cho 7-8 lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức tiền công từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Dần dà, người dân trong thôn tìm tới già làng Hồ Vê nhờ tư vấn, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt. Mỗi lúc như thế, ông nhiệt tình hướng dẫn người dân về cách thức đầu tư làm ăn phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả hơn.

Già làng Hồ Vê năm nay tròn 52 năm tuổi Đảng. Với vai trò là đảng viên, già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân cư, Hồ Vê biết rằng muốn đời sống người dân trong thôn ấm êm, thuận hòa thì ngoài làm kinh tế ra còn phải chú trọng đến an ninh trật tự, giáo dục cho người trẻ. Vì vậy, thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi hằng tháng, ông tranh thủ vận động, tuyên truyền người thân và Nhân dân cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm, nếu có chuyện gì xảy ra thì phải báo cáo với chi bộ, ban cán sự thôn để kịp thời giải quyết. Từ đó, mọi người hiểu và nghe theo lời Hồ Vê.

“Khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống người dân trong thôn Bến Tắt dần khấm khá hơn, tập trung trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo sinh kế. Tỉ lệ con em trong thôn đi học trung cấp, cao đẳng, đại học ngày càng tăng lên. Và đặc biệt là người dân trong thôn luôn sống thuận hòa với nhau, không xảy ra cãi vã xích mích gây mất tình làng nghĩa xóm nữa”, già làng Hồ Về cho hay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Áo trắng “sống xanh”

Tây Long |

Mặc dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng học sinh lớp 11 Sinh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị) đã có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Không dừng lại ở đó, các bạn trẻ còn nỗ lực truyền cảm hứng cho mọi người thông qua dự án Green Or Grey (GOG), tạm dịch là sống xanh.

Dấu ấn của những người lính trẻ

Bảo Hà |

Chương trình tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và trao giải thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị” năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức vừa qua đã để lại nhiều xúc động và tự hào về tuổi trẻ quê hương - những người tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, dám dấn thân từ học tập, nghiên cứu, đến lao động sản xuất kinh doanh, giữ vững quốc phòng - an ninh. Và trong đó, hình ảnh những người lính trẻ nỗ lực, cống hiến vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân luôn là những hình ảnh nổi bật, đẹp đẽ nhất.

Cậu bé khuyết tật tứ chi giàu nghị lực

Thanh Vân - Biên Cương |

Tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), có một cậu bé được gọi với cái tên thân yêu: Cậu bé có đôi chân kỳ diệu. Đó là em Nguyễn Văn Minh Chí, sinh năm 2011, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học và THCS Gio Việt, huyện Gio Linh. Minh Chí bị khuyết tật bẩm sinh tứ chi. Câu chuyện về Minh Chí nỗ lực vượt lên chính mình khiến nhiều người cảm động

Gương sáng người chiến sĩ biên phòng

Thanh Vân - Biên Cương |

Đại úy Hồ Văn Bông ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị là tấm gương sáng, luôn gương mẫu trong cuộc sống, xung kích, sáng tạo trong mọi hoạt động. Đại úy Hồ Văn Bông là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu của lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị được khen thưởng nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) vừa qua.