Những người vác gỗ

Hiếu Giang |

Nằm trên ngọn đồi cao chót vót, giữa tiết trời nóng gần 40 độ C, âm thanh của chiếc máy cưa gầm rú, tiếng cây gãy đổ và tiếng cười nói xôn xao. Không nơi đâu rộn rã như thế, và không nơi nào nhọc nhằn hơn thế. Nhưng những người khai thác gỗ tràm ở huyện Cam Lộ và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã chọn cho mình cái kế sinh nhai là đi khai thác và bốc vác gỗ tràm.

Lặn sâu trong cánh rừng là đời sống của người nông dân với vui buồn thường nhật, những vất vả lo toan cho mái ấm gia đình, làm cho có tiền nuôi con ăn học...

Những nhọc nhằn của người khai thác gỗ tràm ở một vùng đồi hun hút.
Những nhọc nhằn của người khai thác gỗ tràm ở một vùng đồi hun hút.

Thời còn cơm vắt

4 giờ sáng, chị Trần Thị Lân (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) trở dậy nấu cơm để mang đi rừng. Gần 10 năm chị làm nghề khai thác gỗ tràm nên chị đã quen với cảnh cơm nắm. Nấu cơm cho nước nhiều hơn thường lệ, sau đó cho ra lá chuối rồi vắt để cơm thơm mùi lá và giữ cho nó không bị khô. Trời nắng nóng, cơm đem theo bỏ gần 8 tiếng đồng hồ giữa trời nếu không làm thế thì cơm khô nuốt không nỗi. Chị Lân tâm sự với chúng tôi, trong ánh đèn điện bám khói, chúng tôi quan sát thấy thực phẩm cho hôm nay của chị là một ít cá khô rán đường, một ít muối ớt để ăn dặm thêm cho khỏi nhạt miệng.

Những nhọc nhằn của người khai thác gỗ tràm ở một vùng đồi hun hút.
Những nhọc nhằn của người khai thác gỗ tràm ở một vùng đồi hun hút.

Đi rừng càng giản tiện càng tốt, không thể mang được nhiều thực phẩm mà có muốn cũng không lấy đâu ra. Tiền để giành làm nhà, phòng khi ốm đau, ăn như thế này là đủ rồi, chị Lân nói. Chúng tôi lặng im quan sát chị thao tác nhanh gọn cho việc cơm nước trong ngày, tầm gần 5 giờ sáng chúng tôi lên đường.

Cơm nắm gắn liền với đời sống nông dân ở vùng gò đồi Cam Lộ hàng trăm năm nay. Khi nào cuộc sống của người nông dân ở đây chưa thoát ra khỏi núi rừng, chưa thoát ra khỏi những long đong trên hành trình kiếm miếng cơm manh áo thì cơm nắm vẫn còn tồn tại. Với chị Hoàng Thị Thắng, thôn Đâu Bình 1 xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) thì cơm nắm là kỉ niệm khá bùi ngùi, chị kể “từ cái thời cha sinh mẹ đẻ ra đã quen với cơm nắm, khi có sức lao động là cơm nắm đi sát bên mình. Nhiều người ở đây đi làm xa, đi từ sáng sớm tối mù mới về nhà không mang theo cơm nắm thì không còn cách nào khác, phù hợp với hoàn cảnh”.

Theo chân những tiều phu thời hiện đại

Có hai công việc mà người dân vùng gò đồi huyện Cam Lộ và Đakrông có thể kiếm kế sinh nhai đó là khai thác tràm và khai thác rừng tận thu (cây thiên nhiên nằm trên diện tích rừng tràm). Tại KM27, Quốc lộ 9 đoạn qua địa phận xã Cam Thành chúng tôi thấy cảnh tấp nập những người khai thác gỗ tràm tích cực làm việc trên ngọn đồi cao so với mặt đường chừng 2km. Biết chúng tôi ngõ lời muốn tìm hiểu về cuộc mưu sinh vất vả này, anh Phan Văn Hào cười, nghề ni cực mà, nặng nhọc lắm rồi cũng quen. Anh Hào cười hề hà, khai thác tràm ăn theo sản phẩm: 760 ngàn đồng/tấn tràm chưa bóc võ, bóc vỏ rồi thì hơn 900 ngàn đồng/tấn. Số tiền này khi trừ tiền thu mua nguyên liệu của chủ, tiền chuyên chở, tiền cưa... còn lại của người khai thác. Làm tích cực ngày cũng được hơn 200 ngàn đồng, tháng bình quân cũng được 4 triệu đồng.

Đôi bàn tay không được cắt móng của anh Cư là một lợi thế trong việc bóc võ tràm.
Đôi bàn tay không được cắt móng của anh Cư là một lợi thế trong việc bóc vỏ tràm.

Không có nghề nghiệp ổn định, đó là tình cảnh chung của những người đi khai thác gỗ tràm. Họ là những người nông dân, sau mùa vụ hoặc ngay cả giữa mùa vụ, sự đắn đo thu nhập từ hạt lúa, trái lạc... với công khai thác tràm khiến nông dân đi theo nghề khai thác gỗ cho ăn chắc. Anh Phan Văn Hào chia sẻ thêm, những ngày nắng cũng như mưa, chúng tôi phải lao động cật lực để kiếm sống. Rừng gần nhà hết thì khai thác rừng xa nhà, dậy từ ba giờ sáng để nấu cơm, chuẩn bị dụng cụ để lên đường. Dụng cụ anh Hào đề cập đến là chiếc làn đựng cơm, trong đó đựng thêm chiếc rựa. Chỉ có thể, còn bấy nhiêu còn lại là sức người.

Nghề khai thác gỗ tràm sức người được khai thác triệt để. Giữa tiết trời oi bức, mồ hôi trên người anh Hào và những người lao động ở đây nhễ nhại, họ uống nước nhiều, thở nhiều, thở mạnh. Và chúng tôi bắt gặp trong ánh mắt của những người bạn của anh Hào, những cái tên như Sinh, Lẫm, Trung, Hùng... đầy những nhọc nhằn lo toan. Anh Trung bảo, cố gắng hết sức mới đủ tiền để trang trải cho gia đình và nuôi con ăn học, con lớn lên chút thì tuổi tôi cũng lớn, đoạn đó không biết còn sức nữa không.

Xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, ngày chợt mưa của tháng 4, chúng tôi theo chân của những người khai thác rừng. Sau gần 30 phút ngược những con dốc khá cao, chúng tôi đến đồi với bạt ngàn những rừng gỗ keo mút tầm mắt và sên vắt cũng nhiều đến lạ lùng. Trên đỉnh núi cao, 20 người đủ mọi lứa tuổi đang vật lộn với những khúc gỗ tràm, gỗ keo. Chị Hồ Thị Lan, 43 tuổi tâm sự với chúng tôi rằng: mấy chú ơi, gỗ tràm bóc ra đã trơn gặp mưa nữa thì thôi khó, khai thác gỗ tràm trời mưa thì đỡ mệt nhưng khi vác gỗ cũng hết sức và không được ngày công. Chị Lan còn cho biết thêm, hai vợ chồng chị làm mỗi ngày chừng 400 ngàn đồng, tháng cũng được 8 triệu, số tiền này anh chị chi phí cho sinh hoạt gia đình và nuôi 4 đứa con đi học, thiếu thì vay mượn rồi làm có trả, thiếu lại vay mượn... Anh Hồ Văn Tâm chồng chị Lan chia sẽ thêm “đến tuổi cao hơn chút làm chi nỗi nữa, chờ con cái đi làm thôi”.

Đỉnh núi cao vời vợi đầy những âm thanh của máy cưa, của người nói chuyện, của những thanh gỗ thi nhau đổ xuống. Lau mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt, em Hồ Văn Tiến, 17 tuổi nói với tôi “chú đứng đó coi gỗ đổ xuống nguy hiểm lắm”. Hỏi, Tiến làm nghề này được bao nhiêu năm rồi thì Tiến trả lời: vừa đi học, rảnh lúc mô thì làm lúc đó, mùa hè thì làm được nhiều hơn, có tiền đóng học và mua sách vở. Hỏi tiếp, Tiến mong ước sau này làm gì? Tiến lặng im một lúc rồi nói đủ để chúng tôi nghe “cháu cũng chưa biết mình được làm chi mà mong, khó lắm”

Nghề của những hiểm nguy

Chuyện xảy ra hơn 5 năm nhưng với chị Phạm Thị Hoa (Cam Tuyền - Cam Lộ - Quảng Trị) vẫn là sự ám ảnh, trên đường đi khai thác tràm về, qua một đoạn dốc cao và chị cùng đứa em chồng bị ngã xe. Câu chuyện trở về qua hồi ức của chị “tầm năm 2012, lúc đi làm về qua đoạn đồi dốc thì xe đâm xuống, hai chị em bị tai nạn. Chị bị gãy tay và thương tích đầy người còn đứa em chồng bị gãy chân. Cảnh nghèo rồi còn phải nằm viện với đóng viện phí lên cả chục triệu đồng, lúc đó chị chỉ biết khóc. Làm cả năm nay dồn vào tháng nằm viện, nhìn cảnh con cái nheo nhóc chị thiệt thương”. Chị Hoàng Thị Thắng, người ngã xe cùng chị Hoa chia sẻ thêm, cực lắm, nghề ni có người bán hết sạch nhà cửa sau tai nạn, người nhẹ thì cũng được gỗ chấn cho bầm tím chân tay, để lại biết bao vết thẹo.

 
Những người khai thác gỗ tràm đang nghỉ ngơi sau những nhọc nhằn. 

Anh Cư, 50 tuổi đưa đôi tay có những vết thẹo lên cho chúng tôi thấy và không quên khoe đôi bàn tay không hề được cắt móng của mình “mấy chú thấy chi không, nhiều người bóc vỏ tràm có móng tay là một lợi thế. Cứ cắm nó vào vỏ mà tước cũng thuận lợi chớ chẳng chơi”. Nhìn làn da đen sạm của anh Cư, những cái móng tay đen cùn của anh chúng tôi mới thấm hết những nhọc nhằn. Anh Cư còn cho biết thêm, chưa ăn thua mô hi, có mấy người đi khai thác rừng bị gỗ đằn nữa, người gặp nguy hiểm nhất trong nghề này phải kể tới mấy người thợ cưa.

Theo sự chỉ dẫn của anh Cư, chúng tôi gặp Thắng, một trong những thợ cưa giỏi của vùng này. Thắng cho chúng tôi hay "em làm nghề cưa nên phải đi sớm hơn so với người bốc vác, phải cưa sớm để có keo cho mọi người bóc vỏ. Nghề ni cũng ớn lắm, đã có người cưa phải chân nằm viện lên tới hàng trăm triệu đồng. Em cẩn thận hết sức nhưng vẫn phải cầu trời đất, ông bà tổ tiên phù hộ cho an lành. Sai một li đi một dặm, lợ miềng có chuyện chi thì cả nhà biết trông cậy vào ai”.

Đa số những người khai thác gỗ gặp những hiểm nguy, là lao động chính của gia đình nhưng phần lớn họ lại không được mua bảo hiểm y tế. Hỏi ra mới biết tấm bảo hiểm tầm bảy trăm ngàn đồng nhưng cũng phải đắn đo vì “trống chỗ 700 ngàn thì lấy mô mà lấp”, Thắng nói như thế. Điều còn lại là thận trọng và nhờ trời, Thắng còn chia sẻ thêm “Khi cưa cây lớn ở những vị trí khó, người cưa tràm phải để ý độ nghiêng của thân cây, hướng gió, độ dốc... để quyết định mạch cưa cho thân cây đổ đúng hướng. Cây ngã không đúng hướng là quật vào người bóc vỏ hoặc trúng vào mình. Chẳng may cưa vào tay, chân là chuyện thường tình, có điều nhẹ hay nặng thôi. Làm mệt đôi lúc cũng lơ đãng”.

Gian nan chọn một cái nghề, như nghề khai thác gỗ tràm cũng được liệt kê vào nghề rất đỗi gian nan. Họ “vắt” sức mình để bán. Vắt cạn những giọt mồ hôi, vắt hết những thớ thịt trên cơ thể mình để còn lại mỗi lớp da rám nắng và gân guốc. Đi đến những miền rừng cheo leo, nói chuyện với họ, cùng đi với họ trên một con đường, chúng tôi chỉ biết cầu mong rằng, ở đâu đó trên những ngọn đồi cheo leo của núi rừng Quảng Trị hay một nơi nào khác, chúng tôi cầu mong cho họ bình an, chỉ có thế, có được điều đó là hạnh phúc lắm rồi.

TAGS

Men của rừng

Hoàng Hải Lâm |

Về rừng lần này khác xa với những lần trước. Đa phần trong đời tôi lên rừng xuống biển là đi vì đam mê, đôi lúc đi để trốn cái cảnh đất chật người đông nơi phố thị.

Nắng vàng mùa lúa rẫy

Minh Hà |

Lúc tôi hỏi, đồng bào dân tộc Pa Cô sống ở xã A Bung (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) về nguồn gốc lúa rẫy mọi người đều mĩm cười. “Đi tìm nguồn gốc của lúa rẫy ở nơi đây cũng như đi tìm cội nguồn của cây dâu da giữa Trường Sơn, khó lắm".

Khi lan rừng xuống phố

Hoàng Hải Lâm |

Tôi còn nhớ, hình ảnh ngày trước đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Khi người lính từ rừng về, trên lưng mang ba lô và nhánh lan rừng.

44 năm mới làm xong đám cưới

Minh Hà |

Câu chuyện xảy ra với hơn 65 ngàn đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.