Về rừng lần này khác xa với những lần trước. Đa phần trong đời tôi lên rừng xuống biển là đi vì đam mê, đôi lúc đi để trốn cái cảnh đất chật người đông nơi phố thị.
Ở phố, cứ chiều chiều trông xe chạy là tôi nhăn mặt, chẳng lẻ cả đời mình cứ ngồi ngóng ở đây? Những lúc như thế tôi nhớ rừng da diết lắm! Tôi thèm một tiếng chim kêu, thèm ô cửa ở ngôi nhà sàn nhìn ra những ngọn đồi bạt ngàn lau lách. Tôi rất thích ngắm hoa lau, mùa này hoa lau đã nở khắp trên những ngọn đồi, hoa lau tràn hai bên lối đi. Hoa lau trắng nở đầy, hoa lau đỏ phun màu hồng tía.
Trên cánh rừng những ngày chớm đông của xã Pa Nang (Đakrông, Quảng Trị) ngập tràn hoa lau nở. Những địa danh nơi đây nó đã quen thuộc với tôi: Cầu Đá Đỏ, Dốc Bưởi, Tà Mên, Tà Rẹc, Trầm, Cóc và Ala. Bản Đá Bàn nằm ở vị trí hơi biệt lập, từ Cầu treo Đakrông vào tận Đá Bàn hơn 20km đường rừng.
Người ta nhắc đến Pa Nang, thậm chí nhắc đến huyện Đakrông mà không điểm danh thôn Đá Bàn thì đó là một thiếu sót lớn. Cái lý do người người nhắc đến Đá Bàn là ở đây có loại rượu làm bằng men lá. Từ Nam chí Bắc ai cũng biết đến rượu men lá Đá Bàn - Pa Nang. Cứ dịp tết đến xuân về rượu men lá Pa Nang là món quà không thể thiếu của những người công tác ở xã biên giới khi xuôi về đồng bằng. Rượu men lá mang hương vị nồng nàn của núi rừng.Từ km7 của Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Cầu treo Đakrông đi A Bung, A Lưới. Nhìn về hướng tây, Pa Nang lặn sâu trong sương, vách núi đá dựng đứng chỉ thấp thoáng cây xanh khi gió xua đi chút ít hơi lạnh từ núi đá. Sương khói mịt mờ, ảo ảnh. Rừng núi hiện ra trước mắt khi ánh nắng xua tan màu trắng mỏng manh.
Ở rừng hơn 7 giờ mới thấy trời sáng, để nhìn cho tỏ núi rừng phải đến hơn tám giờ. Nhưng rõ ràng, người đi rừng nhiều không cần phải đợi nắng lên, họ chỉ cần lục lại trí nhớ sẽ biết được ở đâu có núi cao, núi thấp. Khúc nào đường cua, đoạn dốc.
Con sông Pa Nang sớm mai nước xanh trong vắt và làn nước nhẹ nhàng trôi. Từ nơi đây lên tới bản Đá Bàn phải đi tầm 5km. Khi về rừng, tôi thường hay đi rất chậm, không phải đường đi khó. Mà tôi thường “làm khó” lòng mình bằng những cái nhìn ngẩn ngơ khắp những bản làng heo hút. Hệ thống giao thông miền núi bây giờ không còn khó khăn. Con đường nhựa vào xã Pa Nang láng mượt, đường lên thôn Đá Bàn là một con đường bê tông rẽ nhánh đẹp như mơ. Có một câu chuyện thực hư giữa núi rừng xanh thẩm, câu chuyện về sự ra đời của loại rượu men lá ở núi rừng nơi đây. Căn nguyên của nó là sự thất tình! Một người bạn vong niên ở rừng kể, khi thất tình người ta thường tìm đến rượu để giải sầu. Mà không chắc, men rượu nó khiến mình càng sầu thêm. Tôi chợt nghĩ, hay chính trong nỗi bi ai đó con người say muốn nhấp nháp chút cô đơn của chính mình? Chuyện chàng trai vì phải xa người mình yêu sống ở núi rừng và tìm ra loài men lá để làm thứ “bùa quên” thay cho “bùa yêu” không thể bóc tách được, tin cũng được mà không tin cũng chẳng sao. Nhưng nếu chàng trai của ngày xưa ấy là người tìm ra men lá thì bây giờ người nắm giữ bí quyết làm men lá lại là một người đàn bà có tên là Hồ Thị Mom.
Bà Mom vốn tiếng Việt ít nên chỉ cười khi nghe tôi trò chuyện với trưởng thôn Đá Bàn Hồ Văn. Bà Hồ Thị Mom người Vân Kiều, sành tiếng Lào và chăm chỉ làm việc. Căn nhà bà Mom tách bật hai phần hẳn hoi. Phần nhà trên dùng chung cho mọi sinh hoạt gia đình còn tầng dưới sàn dùng cho việc nấu rượu men lá. Ở đây chất đầy thùng để ủ rượu. Bà Hồ Thị Mom luôn nở nụ cười thay cho cuộc trò chuyện. Đôi tay bà luôn chăm chỉ. Từ lúc tôi đặt chân đến nhà bà từ sáng sớm cho đến khi chia tay bà vào ngày hôm sau, bà luôn bận rộn với công việc nấu rượu.
Bản Đá Bàn nằm giữa thung lũng với bốn bề rừng núi. Buổi sáng 9 giờ con nắng mới lên. Tôi ngơ ngác nhìn và nhiều người bản đáp trả tôi cũng bằng ánh mắt đó. Sự im lặng, ngỡ ngàng khi có một người khách lỉnh kỉnh đủ thứ trên xe như tôi. Lúc sau thì sự im lặng được phá vở khi tôi hỏi đến rượu. Một thanh niên ở bản vẩy tay về phía tôi “muốn uống rượu thì lên đây...” tất nhiên là tôi cảm ơn và bước lên nhà sàn.
Và ở đó có hơn mười người già trẻ trong bản. Người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô bao đời nay vẫn thế. Trước lúc đưa chén rượu mời khách họ sẽ uống trước một chén, cái đó để chứng minh rằng rượu này rất tốt, nó hiền lành. Qua bao năm tháng lên rừng nên tôi biết, từ thăm thẳm trong rừng sâu và biết bao người con của núi rừng trường sơn họ rất đổi hiền lành.
Đừng nuôi hy vọng tìm được bí quyết chế tạo loại men lá độc nhất vô nhị trên núi rừng Trường Sơn. Cái đó còn khó hơn việc Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần của An Dương Vương. Miền rừng Quảng Trị nổi tiếng bởi các loại rượu của đồng bào: Từ rượu Pa Tầng, A Dơi cho đến rượu Pa Nang. Trong số đó rượu men lá của Đá Bàn Pa Nang giành lấy ngôi hậu. Rượu men lá Đá Bàn có hương thơm nồng nàn, không hề để lại hậu quả về sức khỏe sau những cuộc vui. Tôi đã nâng chén rượu men lá Đá Bàn lên mũi. Hương thơm ấy nồng nàn quyến rũ. Rượu trong veo như nước sông Pa Nang giữa những ngày thu mà hương thơm mỗi lúc khiến tôi không thể nào cưỡng lại. Nhấp một ngụm, rồi hai ngụm… đấy không phải là vị ngọt của đường, rõ ràng là rất bóng bẩy nhưng rượu ngọt đi vào cuống họng như âm thanh tình ái.
Để tạo nên một sản phẩm rượu được mọi người biết đến, theo ông Hồ Văn, trưởng thôn Đá Bàn “đó là bí quyết làm men lá. Muốn làm loại men lá này phải có trên 17 loại rễ, lá các loại”. Hồ Văn mỉm cười, ông ấy bảo cứ cho tôi tất cả loại vật liệu ấy. Từ loại rễ ớt, củ riềng, thuốc lá, gừng cho đến bột gạo, cám... đó, ông ấy bảo tôi làm. Tôi biết ngụ ý của Hồ Văn, rằng người giữ bí quyết làm men lá ở đây chỉ có bà Hồ Thị Mom. Và 10 hộ sản xuất rượu men lá nơi đây cũng đều nhờ nguồn men lá từ bà Mom vậy.
Đấy là cái bí ẩn của núi rừng Trường Sơn, đôi lúc những thứ rất giản đơn chỉ có một người biết thì nó cũng trở nên bí ẩn. Men lá, men của rừng, là tình say! Tối hôm đó, ánh trăng chan lên miền sơn cước. Và tiếng sáo vi vu của chàng thanh niên ở bản khiến tôi không khỏi bận lòng. Sau mới biết người thanh niên này mới chia tay người mình yêu. Tôi không hỏi, rót thêm chén rượu men lá trao cho anh ta. Không biết chàng trai năm xưa thất tình đến độ nào mới tìm ra loại men kỳ diệu ấy. Còn chàng thanh niên này tiếng sáo anh ta là một loại men. Giữa núi rừng trăng sáng vằng vặc, trăng phủ đầy núi. Trong màn hơi đá mỏng tang đầu hôm ánh trăng càng trở nên rất đẹp. Tôi ngừng uống một lúc nhìn xuống dưới sàn. Ở đó có rất nhiều cô gái váy hoa thật là xinh đang thưởng thức tiếng sáo.
Tình yêu nó kỳ lạ đến thế, người ta thương thì ở xa, rất xa còn người thương ta thì ở ngoài kia, đôi người có lẻ. Chợt tôi nghĩ đến đời mình, nó như là rượu ấy. Nồng nàn có, đắng cay có. Và bí quyết hun đúc ra tôi là cuộc tình giữa cha và mẹ. Cha tôi không uống rượu, nhưng tôi lại là đứa con sa đà nơi đất khách. Tôi có thể uống bất kỳ loại rượu nào và chưa hề bị say. Thì hôm nay, người thanh niên kia khi ngưng tiếng sáo anh ta đã cược rằng tối nay sẽ chuốc tôi say bằng loại rượu men lá. Tôi mỉm cười. Tôi đã say. Từ khi nghe người ta nhắc đến rượu men lá Đá Bàn trên sách báo tôi đã say.
Và hôm nay, ngồi tại chính nơi làm ra loại rượu nổi tiếng một vùng. Trong ánh trăng thanh, trong tiếng sáo ray rứt, trong men rượu nồng nàn ấy thì tôi đã thực sự say. Chúng tôi, gồm rất nhiều người tôi không thể nhớ tên. Nhưng nếu có lần gặp lại tôi sẽ nhớ về khuôn mặt của họ, tôi sẽ nhớ cái cách uống rượu rất rừng. Trong tiếng sáo là điệu Tà Oãi day dứt, những khúc hát về tình yêu của người Vân Kiều len lỏi giữa những cơn gió, giữa tiếng sáo. Lạ thế! Có thêm món này thì núi rừng càng thênh thang, càng da diết và ánh trăng khó lắm mới nhường chỗ cho ánh mặt trời.
Khuya, tiếng hát ấy càng trở nên day dứt. Điệu Tà Oãi là tiếng gọi tình yêu, bài buồn nhiều hơn bài vui. Khúc ai oán nhiều hơn lời yêu ngập ngừng bày tỏ. Đó cũng là khúc oán tình. Bài nào cất lên cũng nghe buồn da diết thế. Bà Mom mang thêm cho chúng tôi can rượu. Bên ánh lửa bập bùng, giữa trời đất mênh mông và tiếng hát như chừng sắp phá vỡ lồng ngực chật hẹp. Hồ Văn thì thào với tôi. Rằng làm men lá phải trải qua đủ thứ lễ và sự kiêng kỵ. Mỗi lần lấy rễ làm men đều phải làm lễ gà cúng xin Yàng. Ở đây, lấy cái cây, ngọn cỏ làm những việc hệ trọng đều xin Yàng đấy. Yàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Có Yàng, rượu mới có dòng nước trong suốt để nấu rượu, Yàng đã trừ đi đủ loại tà ma ám vào rễ, vào lá làm men rượu. Đối với loại men đến... cả tháng trời sau mới dùng được này phải trải qua đặc hà sa số những thứ kiêng kỵ. Bà Mom nói ngắn gọn với tôi trong vốn tiếng Việt ít ỏi “lấy rễ cúng lợn gà, không ăn ruốc, đồ chua không ăn, hành tỏi không ăn...” anh Hồ Văn cho tôi biết thêm “ủ men không đem chất chua vào nhà, các chất gây thối nữa vì làm nhạt men, có khi hư. Đàn bà khi bị thời kỳ con gái thì tuyệt đối không được vào chỗ làm men”. Những điều tối kỵ này cũng tương đồng với người Việt trong lúc nấu rượu, làm thuốc hay muối vại cà, hủ dưa.
Rượu men lá Đá Bàn đã trở nên rất nổi tiếng ở Quảng Trị và các vùng miền bắc. Ông Nguyễn Trang Quyền, Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đakrông, người có nhiều tâm huyết và trách nhiệm trong việc đang làm là đăng ký thương hiệu cho rượu men lá Đá Bàn có rất nhiều trăn trở: “Tôi mong muốn rượu men lá Đá Bàn sớm được quảng bá ra thị trường, bà con ở Đá Bàn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân nấu rượu không có vốn phải nhờ hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Những năm gần đây chúng tôi đã thành lập được tổ nhóm gồm sáu hộ gia đình chuyên sản xuất và kinh doanh rượu men lá. Năm 2014, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phát triển mạnh nhất là đối với quy hoạch vùng men lá, đến nay đã trồng được trên 2ha nguồn nguyên liệu men lá. Đặc biệt huyện đã chú trọng phát triển các loại cây quý hiếm để men lá. Huyện cũng đã hỗ trợ nguyên vật liệu, dụng cụ nấu rượu cho các hộ dân nấu rượu men lá ở Đá Bàn”
Hành trình đưa sản phẩm rượu men lá Đá Bàn đến với thị trường vẫn còn xa lắm! Người nấu rượu men lá ở Đá Bàn vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Theo tâm sự của ông Hồ Văn Hòa - Bí thư Chi bộ thôn Đá Bàn thì “rượu men lá Đá Bàn không đủ để bán, đến dịp tết lại càng khan hiếm. Ai muốn mua phải đặt trước. Người nấu rượu phải nấu cật lực mới đáp ứng được nhu cầu của người khách trong tỉnh”.
Đêm dần về khuya bên tiếng sáo, bên điệu hát chếnh choáng men nồng. Tôi chợt nao lòng bởi tiếng gà rừng gáy sau 11 giờ đêm. Tôi càng chột dạ hơn vì tôi nghĩ rằng, chính chú gà trống ấy sẽ cất tiếng gáy lúc trời về sáng. Ban mai rừng sẽ xua đi lớp sương khói mỏng tang. Và tôi phải rời xa nơi này. Xa cái khoảng rừng trăng sáng mênh mông và tiếng sáo cất lên như tiếng lòng của người nhớ người trong muôn vàn cách trở. Tôi đã thú nhận là tôi đã say trên miền sơn cước này. Tôi đã thất tình với rừng xanh và tôi trở thành gã ngẩn ngơ lúc trở về đồng bằng. Pa Nang không chỉ có rượu men lá. Ở đây còn có men của rừng. Tôi đã ngẩn ngơ đứng nhìn rừng núi cho tới lúc đêm dần về sáng.