Nam Lào, đôi điều cảm nhận

Bài 1: Lối mở từ La Lay

Đào Tâm Thanh |

Nam Lào thật gần gũi bởi chỉ cần bước qua Cửa khẩu quốc tế La Lay là đã đặt chân đến…

Nam Lào (gồm các tỉnh Salavan, Sê Kông, Champasak, Attapư) nổi tiếng với đền Wat Phou, di sản văn hóa thế giới- hình ảnh một Angkor thu nhỏ nhưng còn cổ hơn Angkor hàng thế kỉ; thác nước Khone Phapheng hùng vĩ; khách sạn “Nghìn Cửa”- từng là nơi ở của Quốc vương Bounum đổ bóng xuống dòng Mê Kông thơ mộng cùng nhiều khu rừng hoang sơ chưa được khám phá… Đối với người dân Việt Nam, vùng đất này còn xa xôi vì hiện tại các tuyến du lịch sang Lào hầu như hướng về Bắc Lào với ba điểm đến quen thuộc: Thủ đô Viêng Chăn, Cố đô Luôngphabang và Cánh đồng chum… nhưng với Quảng Trị, Nam Lào thật gần gũi bởi chỉ cần bước qua Cửa khẩu quốc tế La Lay là đã đặt chân đến…

Đường dưới chân người

Trong tác phẩm “Cố hương”, văn hào Lỗ Tấn đã viết: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Từ Đông Hà, theo Quốc lộ 9 đến cầu treo Đakrông, rẽ trái theo đường Hồ Chí Minh để lên Cửa khẩu quốc tế La Lay, trong tôi cứ ám ảnh câu văn của Lỗ Tấn khi trải nghiệm trên tuyến đường quanh co, chạy giữa một bên là rừng già, một bên là vực thẳm. Vốn dĩ tuyến đường chúng tôi đang đi, xưa thật là xưa chỉ như một sợi chỉ xuyên qua chốn lam sơn chướng khí. Bao nhiêu sức vóc, mồ hôi, cả xương máu của lớp lớp phu phen hàng trăm năm trước đã đổ xuống nơi này để bây giờ, trên vóc dáng cũ, con đường đã được mở rộng ra, được xây dựng hiện đại và thông suốt hơn nối những vùng heo hút nhất với thế giới bên ngoài.

 
 Nhịp sống bình yên ở Nam Lào​
Anh bạn đồng hành với chúng tôi nhìn ra bên ngoài cửa xe, buột miệng nói lại một câu mà người trẻ bây giờ hay nói: “Đường lâu không đi đường đầy cỏ dại; người không qua lại, người thành người dưng”. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành THP Việt Nam Trần Hữu Phước, nổi tiếng với biệt danh “Phước Sê Pôn” trên hành trình xuyên Á, phản biện ngay: “Từ lâu, các tỉnh Nam Lào với tỉnh Quảng Trị đã có mối quan hệ keo sơn gắn bó. Đặc biệt hai tỉnh Salavan, Champasak gần Quảng Trị hơn và mối quan hệ, hợp tác cũng đi vào chiều sâu, toàn diện và hiệu quả hơn”. Chúng tôi hiểu đó cũng là lí do mà Giám đốc Trần Hữu Phước đã đứng ra tổ chức chuyến khảo sát tuyến du lịch đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến các tỉnh Nam Lào và điểm kết thúc là thành phố Đà Nẵng sau khi nhập cảnh vào Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum). Anh bạn đồng hành hồn nhiên thừa nhận: “Đúng rồi, tuyến đường chúng ta đang đi rất thông suốt và êm thuận. Từ con đường này, chúng ta sẽ cùng nhau đi đến tương lai giàu có và thịnh vượng hơn. Luôn qua lại với nhau nên về Việt Nam hay sang Lào, chúng ta cũng thấy như về với nhà mình mà…!”.

Nhiều năm dành sự quan tâm đến lộ trình phát triển của tỉnh Quảng Trị thông qua sự hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào cùng chung đường biên giới, chúng tôi thấy rằng, xét riêng về kết nối giao thông, Quảng Trị có lợi thế về địa lí - kinh tế do nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí điểm đầu (phía Việt Nam) trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) với hai tuyến giao thông quan trọng, một tuyến nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và một tuyến nối với Lào đi Thái Lan hoặc Lào đi Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế La Lay. Sau khi có Quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam, một tuyến đường giao thông quan trọng đã được xác định sẽ khởi động triển khai, đó là Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay (Đakrông) về cảng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng).

Cửa khẩu quốc tế La Lay phía Việt Nam thuộc địa phận thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; phía Lào thuộc địa phận huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, cách trung tâm thành phố Đông Hà 120 km về phía Đông Bắc, cách trung tâm huyện lị thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông 79 km (dọc theo đường Hồ Chí Minh) và cách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo 115 km về phía Bắc. Nhiều năm trước, có dịp khảo sát đặc điểm của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay, chúng tôi thấy rằng, phía Lào tuyến đường 15B được kết nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến trung tâm tỉnh lị Salavan và nối với thành phố Pakse, tỉnh Champasak (trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Nam Lào). Đường 15B từ tỉnh Salavan đến Cửa khẩu quốc tế La Lay có chiều dài gần 147 km đã được Chính phủ Lào đầu tư khoảng 200 triệu USD nâng cấp mở rộng với quy mô nền đường rộng 9m, mặt rộng 8m, kết cấu mặt đường láng nhựa, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Mặt bằng hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay về phía Lào cũng đã được tỉnh Salavan đầu tư, đảm bảo đủ diện tích để mở rộng và xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan chức năng cũng như các công trình phụ trợ khác. Về phía Việt Nam, Quốc lộ 9 từ Đông Hà lên cầu treo Đakrông nhập vào đường Hồ Chí Minh đến địa phận xã A Ngo theo Quốc lộ 15D đến Cửa khẩu quốc tế La Lay (đường Hồ Chí Minh tiếp tục đi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Tổng chiều dài tuyến đường là 120 km, trong đó Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư nâng cấp với quy mô nền đường rộng 8- 9m, mặt rộng 7-8m, kết cấu mặt đường láng nhựa, đảm bảo chất lượng cao trong việc lưu thông. Từ ngã ba xã A Ngo, huyện Đakrông đến Cửa khẩu quốc tế La Lay là Quốc lộ 15D dài 12,2 km. Như vậy có thể thấy, giao thông của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay đã được nâng cấp, tạo thuận lợi để kết nối các tỉnh Đông - Bắc Campuchia, Đông Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Quảng Trị.

“Khơi thông huyệt đạo”, nối Nam Lào với miền Trung Việt Nam

Trên thực tế, trong chiến lược phát triển vùng của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho sự phát triển của tuyến EWEC, các nhà tài trợ và các nước trong khu vực đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến Hành lang PARA-EWEC chạy song song với EWEC từ Tây sang Đông nhằm mở rộng thị trường, tầm ảnh hưởng và sự tác động về đầu tư, giao thông, thương mại, du lịch trong toàn khu vực. Việc thiết lập thêm một Hành lang PARA-EWEC từ tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) đi Champasak (Lào) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến tỉnh Quảng Trị là tuyến đường quốc tế quan trọng có tác động hỗ trợ trực tiếp đến EWEC. Như vậy, Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ bổ sung cho Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tạo sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai tuyến EWEC (qua Lao Bảo) và PARAEWEC (qua La Lay). 

 
 Khách sạn Champasak Palace, hay còn gọi là Khách sạn “Nghìn Cửa”, một điểm nhấn độc đáo về kiến trúc ở Pakse, tỉnh Champasak, Lào​
Khởi hành từ Đông Hà vào buổi sáng, chưa đến giữa trưa chúng tôi đã có mặt tại Cửa khẩu quốc tế La Lay. Dù còn ngỗn ngang công trình xây dựng, trang thiết bị kiểm soát chưa được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhưng lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu đã cho thấy sự chuyên nghiệp, tận tụy và hiếu khách. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Lào nhanh chóng, thuận lợi, chúng tôi tiếp tục nhằm hướng Salavan trực chỉ. Có thể thấy, hiện Cửa khẩu quốc tế La Lay đang đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông quốc tế trong khu vực. Chính phủ Lào đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển vùng Nam Lào (gồm các tỉnh Salavan, Champasak, Sê Kông, Attapư) giai đoạn 2010-2020, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng tỉnh Champasak thành trung tâm kinh tế - xã hội cho 4 tỉnh Nam Lào (là những tỉnh thuộc vùng lõm vì rất khó khăn trong kết nối giao thông để phát triển). Tại Pakse (thủ phủ của tỉnh Champasak) đã có sân bay quốc tế, máy bay Boeing 737 có thể hạ cánh. Sân bay quốc tế Pakse tiếp nhận 5-7 chuyến bay quốc tế/tuần từ Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), thủ đô Viên Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan) và Siêm Riệp (Campuchia). Cửa khẩu quốc tế La Lay được xây dựng xứng tầm sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách quốc tế theo đường bộ về Việt Nam. Nếu theo tuyến đường từ các cửa khẩu quốc tế của Lào, Thái Lan và Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển tại Việt Nam sẽ rất thuận lợi. Ví dụ, khoảng cách từ Pakse (Lào) đi Attapư (Lào) qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) về cảng Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 610 km, bằng khoảng cách từ Pakse (Lào) đi Salavan (Lào) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Đà Nẵng (604 km). Tuy nhiên, tuyến đường vận chuyển từ Pakse - Salavan - La Lay/Quảng Trị - Đà Nẵng thuận lợi, bằng phẳng, ít đèo dốc hơn tuyến đường Pakse - Attapư - Kon Tum - Quy Nhơn/Bình Định. Bên cạnh đó, tuyến đường từ các tỉnh Ubon Ratchathani, Amnat Charoen (Đông Thái Lan) qua trung tâm Nam Lào về Việt Nam theo Cửa khẩu quốc tế La Lay về thành phố Đông Hà gần hơn khoảng 200 km so với tuyến đường hiện tại từ các tỉnh Đông Thái Lan và Nam Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Cùng với cửa khẩu quốc tế hàng không ở Pakse, Champasak (Lào) và Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ tạo nên một tam giác phát triển bao gồm một vùng rộng lớn các tỉnh Đông - Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam. Mọi hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố của 4 nước, bao gồm Lào (Salavan, Champasak, Sê Kông), Thái Lan (Srisaket, Ubon Rathatchani), Campuchia (Stung Treng, Preah Vihear) và Việt Nam (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng) đều có thể thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Khi Khu kinh tế Đông Nam hình thành, việc xây dựng Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng Mỹ Thủy trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lộ trình như hiện nay. Trong rất nhiều tác động tích cực, một trong những hiệu ích mang lại là khi Quốc lộ 15D được mở ra, tiềm năng về đất đai cả một vùng rộng lớn của tỉnh từ phía Tây và Đông Nam Đakrông, Nam Cam Lộ, đến Đông Nam Hải Lăng, thị xã Quảng Trị sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần phân bố lại dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đặc biệt, việc nối các tỉnh Nam Lào thông ra biển trên tuyến Quốc lộ 15D sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lí, góp phần “khơi thông huyệt đạo”, nối các tỉnh Nam Lào với miền Trung Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển du lịch đường bộ xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Làm du lịch từ những con đường hoa

Hoài Nhung |

Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, thời tiết khí hậu và nhiều loài hoa đẹp để hình thành và phát triển những con đường hoa làm cho đô thị, làng quê thêm khởi sắc, tạo “điểm nhấn” cho phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Giấc mơ về những con đường hoa rực rỡ, khoe sắc quanh năm của Quảng Trị đang dần trở thành hiện thực.

Trần Hải - người yêu say đắm của... càphê Khe Sanh

Trần Quang Đại |

Nhấp một ngụm càphê, anh có thể nói được đó là càphê giống gì, trồng ở đâu, có pha chế hay không, rang, xay đã đúng độ chưa, thu hái đã chín chưa... Anh có thể nói say sưa cả ngày về càphê mà không sợ cạn “vốn” kiến thức. Người hiểu, và “say” càphê đến độ ấy là Trần Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lộc (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Gio An - linh địa diệu kỳ

Lê Bá Dương |

Nhà báo, Nhà thơ Lê Bá Dương là tác giả của 4 câu thơ nổi tiếng mang tên "Lời gọi bên sông" (còn được biết đến với tên gọi khác "Đò xuôi Thạch Hãn"). Ông là người nặng tình với đất Quảng Trị.

Bút ký "Gio An - linh địa diệu kỳ" của Nhà thơ Lê Bá Dương là tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn - Bút ký trên Tạp chí Cửa Việt (2018 - 2019).

quangtri74.vn xin trận trọng giới thiệu.

Truyền thuyết cá thần trên những dòng sông chảy ngược

Hoàng Hải Lâm |

Miền tây Quảng Trị, nơi có gần 5 ngàn người dân tộc Vân Kiều sinh sống, nơi lưu giữ rất nhiều câu chuyện giải thích nguồn gốc của sự vật, sự việc… liên quan đến sự ra đời, sự sống của người Vân Kiều. Mấy ngàn năm, cuộc sống có rất nhiều thay đổi. Nhưng câu chuyện xem như huyền thoại, mà với người Vân Kiều đó vẫn là sự thật được lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay.